Một ví dụ xoàng
Người đọc quen với nhà văn Nguyễn Bình Phương ma mị trong các tiểu thuyết Người đi vắng, Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Mình và họ, hay Kể xong rồi đi… hẳn sẽ bất ngờ với tiểu thuyết mới mang tên Một ví dụ xoàng.
Bìa sách Một ví dụ xoàng của tác giả Nguyễn Bình Phương. (Nguồn: Hội Nhà Văn Việt Nam) |
Với tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Bình Phương đã đưa bạn đọc đến một vụ án gấy chấn động vùng trung du những ngày tháng cũ, cùng những phận người đang loay hoay trong cối xay thời cuộc. Cùng cách kể chuyện lớp lang hấp dẫn, tinh gọn và tối giản từng câu chữ, tác phẩm là tiêu biểu cho lối văn chương giản dị mà sâu sắc.
Cuốn sách chia làm hai phần rõ ràng: Phần 1 là cuộc đời của người bố tên Sang, một tiến sĩ đi học ở Liên Xô về, bất mãn với công việc dạy học ở trường đại học, đi đào vàng, rồi vì bốn cân chè lỡ tay bắn chết người mà bị xử án tử hình;
Phần 2 là việc tìm lại hình bóng người bố của con Sang, thông qua đồng nghiệp cùng trường, bạn ấu thơ, phu đào huyệt, người thi hành án, người đi xem bắn, chánh án tòa án tối cao… năm xưa.
Trong cái khuôn đơn giản của người kể chuyện là những mắc mớ đan xen khó nhằn (và cả khó tính) của kiếp người sống thực bằng xương bằng thịt.
Đặc biệt, ở tiểu thuyết này của Nguyễn Bình Phương có các đoạn thơ xen vào các đoạn truyện.
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, các đoạn thơ này vừa có tính tự sự, giúp phục hiện một vài chi tiết trong cuộc đời nhân vật lại vừa có tính trữ tình, diễn tả tâm trạng, tình cảm. Cũng có khi các đoạn thơ là lời bình luận, cảm thán của người kể chuyện.
Ông nói: “Thái độ của tác giả đối với nhân vật cũng bộc lộ qua các đoạn thơ đó, chúng buồn da diết cho số phận mong manh của một con người bình thường trong cuộc đời này.
Một người tốt mà không sống được và không được sống. Mạng người của họ là vớ vẩn, chả có giá trị gì, trong tay kẻ khác nắm sinh mệnh họ”.
Mùa tiểu học cuối cùng
Là một trong những tác phẩm trước khi ra đi của cố nhà báo - nhà văn Lê Văn Nghĩa, Mùa tiểu học cuối cùng (NXB Kim Đồng) như cuốn hồi ký, như bộ tư liệu về tình bạn, tình thầy trò tại vùng đất phương Nam của một giai đoạn trong veo, ngỡ xưa nhưng lại chưa xa lắm…
Bìa sách Mùa tiểu học cuối cùng của tác giả Lê Văn Nghĩa. (Nguồn: NXB Kim Đồng) |
Đó là câu chuyện của những đứa trẻ như của “thằng Chương” có phép tàng hình, “thằng Ty” ngã cây,… tưởng vu vơ mà lại là cả trời thương nhớ, bởi những trò nghịch quậy tuổi học trò thời nào cũng có. Chính vì vậy, những mảnh ghép ký ức của tác giả, đã hòa vào dòng ký ức của rất rất nhiều thế hệ học trò.
Cố nhà văn Lê Văn Nghĩa được biết đến với danh xưng “anh Hai làng trào phúng”, với dấu ấn “Hai Cù nèo” nổi tiếng ở ấn bản tạp chí Tuổi trẻ cười.
Nét hài hước trào phúng, dí dỏm mà đầy trí tuệ của nhà báo - nhà văn đã đi vào những tác phẩm cuối cuộc đời, tạo nên hàng loạt đầu sách viết về thời hoa niên, nhẹ nhàng và trong veo như: Mùa hè năm Petrus, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy, Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ...
Điều đặc biệt, nét hóm hỉnh, dí dỏm và cách suy nghĩ “rất Sài Gòn” của tác giả sinh năm 1953 tại chính mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn đã khiến Mùa tiểu học cuối cùng cũng như những cuốn sách kể trên, mang một nét duyên thầm. Cuốn truyện dài vừa như tập lưu bút tuổi thơ, vừa như bản khảo cứu địa chí, khiến người đọc đã một lần cầm lên, là sẽ đọc một mạch dài, để rồi kết thúc trong tiếc nhớ bâng khuâng.
Có thể thấy, cuốn tiếu thuyết này giống như một cuốn phim tư liệu về tình bạn, tình thầy trò và cuộc sống của người Sài Gòn hồi năm 1967.
Bằng những chất liệu sẵn có là nhóm bạn cùng lớn lên trong xóm lao động nghèo, chuyện trẻ con ở trường tiểu học Bình Tây và những lời ăn tiếng nói ngày xưa, cuốn sách đã chạm đúng phần tuổi thơ của rất nhiều người - những mảng ký ức tưởng chừng đã bị khuất lấp bởi thời gian và thời cuộc.
Châu Phi nghìn trùng
Nữ văn sĩ Karen Blixen (người Đan Mạch, lấy bút danh là Isak Dinesen) viết cuốn hồi ký Châu Phi nghìn trùng trong những năm tháng sinh sống tại châu Phi từ năm 1913-1931, tại một đồn điền cà phê gần Nairobi, Kenya.
Cuốn sách gồm 5 phần: 2 phần đầu tập trung mô tả cư dân bản xứ với những quan niệm lâu đời, độc đáo về công lý cũng như sự trừng phạt; phần thứ 3 mô tả những nhân vật tìm đến tá túc ở nhà Blixen; phần 4 gồm những ghi chép ngắn phản ánh đời sống của một thực dân da trắng tại châu Phi; phần 5 khép lại dòng hồi ức khi đồn điền lụn bại.
Có thể thấy, tác phẩm là một cuốn nhật ký lớn ghi lại cả quãng đời nữ tác giả gắn bó với châu lục này. Năm 1914, bà cùng chồng là ông Baron Bror von Blixen-Finecke, đến châu Phi cai quản đồn điền với những nhân công bản xứ thuộc bộ lạc Kikuyu.
Bìa cuốn sách dịch Châu Phi nghìn trùng. (Nguồn: NXB Phụ nữ) |
Năm 1925, họ chia tay và bà Blixen đảm đương việc cai quản toàn bộ đồn điền. Vị nữ điền chủ rất phù hợp với vai trò chăm lo cho trang trại quy mô lớn một cách độc lập.
Đặc biệt, với mối quan hệ thân tình với con người châu Phi, bà không ngại chữa bệnh cho dân bản xứ, mở lớp học buổi tối cho trẻ em, cố gắng lắng nghe và phân xử những vụ việc xảy ra tại vùng...
Tuy nhiên, khí hậu, địa hình của khu vực không phù hợp với trồng cà phê. Đến năm 1931, hạn hán và nạn châu chấu xảy ra, đồn điền của bà lụn bại dần, Blixen buộc phải bán đồn điền rồi trở về Đan Mạch.
Tại đây, bà bắt đầu lại niềm mê viết từng bị ngăn cấm thời trẻ. Năm 1934, bà cho xuất bản một tuyển tập truyện ngắn, sau đó cuốn Châu Phi nghìn trùng ra đời vào năm 1937.
Lần đầu được xuất bản bằng tiếng Anh, tác phẩm lập tức gây tiếng vang lớn ở Mỹ rồi châu Âu. Cho tới nay, cuốn hồi kỳ đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và lọt các danh sách bình chọn những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại.
Tại Việt Nam, tác phẩm này do dịch giả Hà Thế Giang chuyển ngữ năm 2021 và luôn nhận được sự đón nhận tích cực của đông đảo bạn đọc.
Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 vừa được trao cho 4 tác phẩm xuất sắc. Cụ thể, giải thưởng Văn xuôi được trao cho cuốn tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của tác giả Nguyễn Bình Phương; giải thưởng Lý luận phê bình được trao cho tập lý luận phê bình Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa của tác giả Trương Đăng Dung; giải thưởng Văn học dịch thuộc về cuốn tiểu thuyết Châu Phi nghìn trùng của tác giả Isak Dinesen, bản dịch của Hà Thế Giang và giải thưởng Văn học thiếu nhi được trao cho tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng của tác giả Lê Văn Nghĩa. |
| Hai nữ văn sĩ được nhận giải thưởng văn học Booker 2019 TGVN. Giải thưởng Văn học Booker 2019 đã thuộc về hai nữ nhà văn Margaret Atwood của Canada và Bernardine Evaristo, quốc tịch Anh gốc Nigeria. ... |
| Nỗ lực đưa sách Việt ra thị trường thế giới: Đường vẫn còn xa Một số tác giả Việt đã được vinh danh trong các giải thưởng văn học quốc tế. Mặc dù vậy, con đường đưa sách Việt ... |