📞

Bà Liz Truss và một 'khay đựng tài liệu tồi tệ nhất cho một tân thủ tướng'

Phương Vy 15:32 | 06/09/2022
Có lẽ, tân Thủ tướng Anh sẽ không có nhiều thời gian hưởng niềm vui chiến thắng, thay vào đó bà Liz Truss sẽ phải bắt tay ngay vào xử lý rất nhiều 'bài toán khó' mang tính cấp bách.
Bà Liz Truss sẽ không có nhiều thời gian hưởng niềm vui chiến thắng trong cuộc đua trở thành Thủ tướng Anh. (Nguồn: CNN)

Bà Liz Truss sẽ trở thành Thủ tướng Anh sau khi giành chiến thắng trong cuộc tranh cử để thay thế ông Boris Johnson làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ.

Nữ chính trị gia 47 tuổi từng là một người ủng hộ lá phiếu ở lại Liên minh châu Âu (EU), song sau đó trở thành người ủng hộ Brexit; từng là nhà hoạt động của Đảng Dân chủ Tự do, người đã tuần hành chống lại cố Thủ tướng Margaret Thatcher vào những năm 1980, nhưng hiện nay lại tuyên bố là người canh giữ ngọn lửa của bà Thatcher.

Cựu Ngoại trưởng Liz Truss có thể không phải là một cái tên quen thuộc như người tiền nhiệm của bà ở Số 10 Phố Downing (Văn phòng Thủ tướng Anh) và bà không phải là sự lựa chọn đầu tiên của các nghị sĩ Đảng Bảo thủ để thay thế ông Boris Johnson.

Tuy nhiên, lời hứa của bà sẽ quay lại các giá trị cơ bản của đảng Bảo thủ - cắt giảm thuế và thu gọn bộ máy nhà nước - chính xác những gì các đảng viên, những người có tiếng nói cuối cùng trong việc xác định người thay thế ông Johnson, muốn nghe.

Thêm vào đó, quan trọng là với tư cách Ngoại trưởng, bà vẫn trung thành với ông Johnson, điều này đã khiến bà giành được sự ủng hộ từ những người trung thành với ông Johnson. Những người ủng hộ bà Liz Truss ở cấp cơ sở của đảng Bảo thủ nhìn thấy ở bà phẩm chất kiên định, ngoan cường và quyết tâm mà họ ngưỡng mộ ở cố Thủ tướng Margaret Thatcher - một hình ảnh chính bà Truss cũng cố gắng vun đắp.

Tờ The Sunday Times của Anh viết rằng bất cứ ai trở thành người chiến thắng sẽ phải đối mặt với "khay đựng tài liệu tồi tệ nhất cho một tân thủ tướng kể từ thời bà Thatcher".

Quả thực là như vậy - một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đắt đỏ, những cảnh báo nghiêm trọng về tình trạng y tế công (NHS) và một cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Dưới đây là một số vấn đề lớn nhất mà tân Thủ tướng Anh sẽ phải giải quyết.

Chi phí sinh hoạt tăng cao

Tân Thủ tướng sẽ không thể giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ngày càng tồi tệ ở Anh. Cốt lõi của nó là vấn đề năng lượng, đặc biệt là nguồn cung khí đốt. Điều này chủ yếu là do xung đột tại Ukraine.

Gần đây, giá khí đốt tăng mạnh hơn nữa do các quốc gia châu Âu tích trữ khí đốt cho mùa Đông. Kết quả chung là giá năng lượng tăng lên mức mà hầu hết mọi người sẽ không thể chi trả được. Mức độ, thời gian và mục tiêu trợ giúp cho các hộ gia đình, vốn sẽ lên tới hàng chục tỷ Bảng Anh, là những điểm quan trọng mà tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt.

Giá cả những mặt hàng khác - đặc biệt là thực phẩm - cũng đang tăng cao, có thể dẫn đến tỷ lệ lạm phát vượt quá 15%. Trong khi đó, lãi suất đang gia tăng, không chỉ đối với các gia đình, mà còn đối với các công ty và chính phủ. Đó là một vấn đề độc hại của kinh tế và sẽ đòi hỏi những biện pháp can thiệp đúng lúc, đáng tin cậy và kịp thời.

Theo các cuộc khảo sát, hàng triệu người nói rằng với hóa đơn dự kiến tăng 80% từ tháng 10 - và thậm chí cao hơn từ tháng 1/2023, họ phải đối mặt với sự lựa chọn đau đớn giữa việc ăn uống và sưởi ấm trong mùa Đông này.

Ngày 4/9, bà Truss nói rằng: "Nếu được bầu làm thủ tướng, tôi sẽ hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề hóa đơn và nguồn cung năng lượng". Tuy nhiên bà không cho biết thêm chi tiết. Bà nói: "Trong vòng 1 tuần, tôi chắc chắn sẽ đưa ra thông báo về cách thức chúng ta đối phó với vấn đề này".

Hỗ trợ cho Ukraine có bền vững?

Ông Boris Johnson đã sớm đề nghị hỗ trợ chính trị và quân sự cho Ukraine. Thủ tướng mới dự kiến sẽ duy trì cách tiếp cận đó và có khả năng sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine khi xung đột leo thang.

Tuy nhiên, thời gian trôi đi sẽ có thể khiến tân Thủ tướng phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng trong việc thuyết phục những người trong và ngoài nước nghi ngờ rằng cái giá kinh tế của việc hỗ trợ Ukraine là xứng đáng. Với việc chi phí năng lượng tăng cao làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, Thủ tướng sẽ phải thuyết phục các cử tri rằng sự khó khăn về tài chính của họ là cần thiết để bảo vệ Ukraine.

Tân Thủ tướng Anh cũng sẽ có một nhiệm vụ ngoại giao lớn là bảo vệ liên minh thân Ukraine trên khắp châu Âu, trong bối cảnh có thể sẽ có những quốc gia muốn tìm kiếm sống chung với Nga và chấm dứt xung đột để giúp đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng của họ.

Một đảng Bảo thủ bị chia rẽ có thể đoàn kết lại không?

Sau nhiều tháng đấu đá nội bộ, việc thống nhất đảng Bảo thủ là thách thức chính trị chủ yếu.

Tại sao đảng Bảo thủ tranh giành nội bộ lại là chủ đề quan trọng khi có những lo ngại cấp bách, như chi phí sinh hoạt? Thứ nhất, bởi vì các chính phủ với các đảng phái chia rẽ có thể gặp khó khăn trong việc thông qua các chính sách quan trọng đối với cuộc sống của người dân.

Thứ hai, có thể khó - như ông Johnson đã phát hiện ra - để đưa thông điệp của chính phủ đến công chúng nếu các bộ trưởng dành nhiều thời gian hơn trên đài báo để cố gắng bảo vệ các hành vi của mình, thay vì tập trung vào lo về chính sách.

Việc thực hiện “net zero” vào năm 2050, thì sao?

Trong bối cảnh khủng hoảng giá khí đốt, bà Truss sẽ phải nhanh chóng đưa ra quyết định về năng lượng có thể khiến nước Anh phải thực hiện hoặc phá vỡ cam kết của mình là đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.

Liệu Anh có ưu tiên thúc đẩy nhiều năng lượng tái tạo hơn hay không? Có nên "bật đèn xanh" cho các dự án dầu khí mới ở Biển Bắc? Liệu nhà lãnh đạo mới có khuyến khích gì cho ngành công nghiệp khoan sâu của đất nước?

Là một phần của chiến lược giảm phát thải khí nhà kính ròng bằng 0, chính phủ Anh đã cam kết ngừng sản xuất điện gây tạo carbon vào năm 2035. Để điều đó xảy ra, cần phải có sự mở rộng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Gió ngoài khơi đã là một câu chuyện thành công của Anh, nhưng mọi dấu hiệu đều cho thấy tương lai của năng lượng tái tạo vẫn gặp phải rất nhiều trở ngại.

(theo AFP)