Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tham quan triển lãm ảnh tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược, tại Singapore ngày 17/7. (Ảnh: Quang Hòa) |
Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 1/8/1973 và nâng lên Đối tác chiến lược vào năm 2013, đặt nền móng vững chắc cho thúc đẩy hợp tác trên mọi cấp độ. Hơn 50 năm qua, mối quan hệ này không ngừng phát triển bền chặt, góp phần quan trọng vào năng lực cạnh tranh quốc tế và sự thịnh vượng của hai quốc gia.
Thế nhưng, quan hệ đối tác Việt Nam-Singapore vẫn còn đó những tiềm năng to lớn chờ được khai thác. Mối quan hệ này không chỉ có thể góp phần giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 mà còn thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Quan hệ đối tác giữa hai nước có thể trở thành một mô hình hợp tác phát triển đặc sắc, cho thấy hai quốc gia dù khác biệt lớn về trình độ phát triển và cấu trúc thể chế vẫn có thể cùng nhau kiến tạo một tương lai chung thịnh vượng và bền vững.
Để khai thác hiệu quả những tiềm năng to lớn của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore, ba mô hình chính sách đơn giản sau có thể gợi ý một số hướng hợp tác của hai nước ở mọi cấp độ. Đó là ASIAN, SMART và 4Es. Các mô hình này có thể được áp dụng không chỉ cho các nhà hoạch định chính sách mà cả các doanh nghiệp, hiệp hội, và chuyên gia tư vấn.
Mô hình ASIAN
Mô hình ASIAN nhấn mạnh năm yếu tố chủ đạo quyết định mức độ thành công trong thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc và bền vững. Trong đó A là mục tiêu/khát vọng (Aim/Aspiration), S là chiến lược (Strategy), I là thể chế (Institution), A cho tiếp thu kiến thức (Acquisition of knowledge) và N là nuôi dưỡng (Nurturing). Khung thức này thích hợp nhất cho áp dụng ở cấp quốc gia. “ASIAN” lưu ý tầm quan trọng của thấu hiểu các đặc điểm văn hóa và hoàn cảnh cụ thể của các xã hội châu Á trong triển khai áp dụng.
Ưu tiên “mục tiêu/khát vọng” nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc đặt ra những mục tiêu cao và nuôi dưỡng những khát vọng mãnh liệt để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển. Một trong những mục tiêu/khát vọng chính của quan hệ đối tác Việt Nam-Singapore là trở thành động lực mạnh mẽ để xây dựng một tương lai thịnh vượng chung và bền vững không chỉ cho hai nước mà cả cộng đồng ASEAN.
Yếu tố “chiến lược” nêu bật nhu cầu cấp thiết phải có một chiến lược hiệu quả để xây dựng quan hệ đối tác Việt Nam - Singapore trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh và bất ổn toàn cầu tăng lên. Đầu tiên, cần thiết lập một chiến lược khôn ngoan để thu được lợi ích tối đa từ nắm bắt hiệu quả các xu hướng lớn toàn cầu, đồng thời giảm thiểu rủi ro dễ bị tổn thương trước những căng thẳng địa chính trị leo thang.
Thứ hai, xác định những thách thức cốt lõi phải vượt qua để mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước. Một trong số những thách thức cốt lõi của việc xây dựng một đối tác chiến lược vững mạnh là tránh các sáng kiến không thực tế, hình thức. Một quan hệ đối tác chiến lược đầy tham vọng có thể không đạt được nếu một bên thiếu nỗ lực xây dựng nền văn hóa quốc gia nhằm không ngừng nâng cấp năng lực, hoài bão và nguồn năng lượng cho thành công.
Thứ ba, phát huy thế mạnh và lợi thế cạnh tranh đang có, thông qua khai thác tiềm năng chung và hợp tác trong các lĩnh vực, đặc biệt trong quản trị, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cần được lựa chọn ưu tiên hàng đầu.
Yếu tố “Thể chế” nhấn mạnh sự ưu tiên của xây dựng một khung thể chế vững mạnh để cung cấp hỗ trợ cho mở rộng và phát triển mạnh quan hệ chiến lược Việt Nam-Singapore. Theo hướng này, việc thành lập một ủy ban điều hành đóng vai trò then chốt trong lên kế hoạch, phối hợp và giám sát các sáng kiến và nỗ lực hợp tác giữa hai quốc gia.
“Tiếp thu kiến thức” nhấn mạnh giá trị to lớn của việc tiếp thu kiến thức sâu trong các lĩnh vực trọng yếu. Nó định dạng vai trò quan trọng của kiến thức và sự khai sáng như những đòn bẩy thúc đẩy quan hệ đối tác mang tầm thời đại hướng về phía trước.
Yếu tố “nuôi dưỡng” nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược và cấp bách của việc nuôi dưỡng những nhân tố đã và đang đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp vào sức mạnh và sự thịnh vượng của hai nước. Để tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên hỗ trợ cho các công ty hàng đầu của Singapore đang có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng chục nghìn người Việt Nam đã từng học tập, làm việc tại Singapore là nguồn lực quý giá cần tích cực khai thác.
Mô hình SMART
Mô hình này có thể áp dụng cho các sáng kiến hoặc dự án hợp tác cụ thể. S là “các mục tiêu chiến lược” (Strategic objectives); M là “tạo đà” (momentum building); A cho “xây dựng liên minh” (alliance); R cho “xem xét đánh giá/chiêm nghiệm” (reviewing/reflecting); và T cho “tăng cường lòng tin” (trust deepening).
“Mục tiêu chiến lược” nhấn mạnh các mục tiêu cần phải rõ ràng, hấp dẫn, thiết thực và dễ hiểu. Những mục tiêu này không chỉ đưa ra hướng dẫn hiệu quả cho các nỗ lực phối hợp mà còn là nguồn cảm hứng cho các bên liên quan. Bằng cách đặt ra các mục tiêu chiến lược có những yếu tố này, các bên liên quan có nhiều khả năng sắp xếp các nỗ lực của họ, duy trì động lực và hợp tác làm việc để đạt kết quả.
“Tạo đà” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định và tận dụng những thành quả dễ đạt được. Bằng cách này, có thể đạt được tiến bộ ngay từ những giai đoạn đầu, tạo nền tảng cho những bước tiến xa hơn.
“Liên minh” là sự cần thiết thúc đẩy hình thành các liên minh cho sáng kiến hợp tác hoặc dự án phối hợp nhất định. Việc khuyến khích liên minh trong các lĩnh vực này có thể khuếch đại tác động và hiệu quả của các sáng kiến, thúc đẩy tiến trình tăng tốc và cùng có lợi cho cả Việt Nam và Singapore.
“Xem xét đánh giá/chiêm nghiệm” hướng đến các nỗ lực có hệ thống để giám sát và đánh giá tiến độ của quan hệ đối tác. Điều này liên quan đến việc thường xuyên xem xét và phản ánh các hoạt động, kết quả và hiệu quả hợp tác tổng thể.
“Tăng cường lòng tin” nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc vun đắp và củng cố lòng tin trong các nỗ lực chiến lược và mọi nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác. Sự tin cậy tạo nền tảng cho hợp tác thành công và đặt nền móng cho những giao tiếp, hợp tác, hiểu biết lẫn nhau hiệu quả.
Mô hình 4E
Mô hình 4E có thể được áp dụng để đánh giá tiến độ của mối quan hệ đối tác quan trọng giữa hai quốc gia ở các cấp độ khác nhau. Mô hình bao gồm bốn chiều, mỗi chiều bắt đầu bằng một chữ E trong tiếng Anh: Gắn kết (Engagement), Khai sáng (Enlightenment), Kiến tạo (Engineering) và Tiến hóa (Evolution).
“Gắn kết” bao gồm những nỗ lực chủ động thu hút tất cả các bên liên quan tham gia vào quan hệ đối tác, nuôi dưỡng các ý tưởng, nỗ lực và đóng góp của họ. Nó vượt ra ngoài hoạt động đơn thuần và định hình những yếu tố hỗ trợ mà tạo điều kiện cho sự gắn kết hiệu quả và tăng cường cam kết lâu dài. Khi ưu tiên sự gắn kết và sử dụng các yếu tố hỗ trợ, các bên liên quan có thể thúc đẩy ý thức sở hữu, xây dựng lòng tin và nâng cao cam kết của tất cả các bên liên quan.
“Khai sáng” tập trung vào nỗ lực thu thập và chia sẻ kiến thức, thông tin và các phương pháp thực hành hay nhất về quan hệ đối tác, đánh giá mức độ mà các bên liên quan liên tục học hỏi, chia sẻ hiểu biết sâu sắc và cập nhật thông tin về các xu hướng, công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế đang nổi lên.
“Kiến tạo” đề cập việc lập kế hoạch, thực hiện và quản lý các dự án, sáng kiến hoặc hoạt động cụ thể trong quan hệ đối tác, kiểm tra mức hiệu quả của việc lập kế hoạch chiến lược, phân bổ nguồn lực và thực hiện hoạt động, bảo đảm rằng các hoạt động được thiết kế tốt để đạt được kết quả mong muốn.
“Tiến hóa” chú trọng vào khả năng thích ứng và phát triển của quan hệ đối tác theo thời gian, đánh giá cách thức mà mối quan hệ phát triển, điều chỉnh và ứng phó với những hoàn cảnh thay đổi, những thách thức bên ngoài và những cơ hội đang nổi lên. Khía cạnh này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải tiến liên tục, tính linh hoạt và bền vững lâu dài.
Trải qua 50 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam và Singapore đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và hiệu quả. Khi quan hệ hai nước tiếp tục lớn mạnh, cần nỗ lực duy trì đà phát triển, nuôi dưỡng lòng tin chiến lược để khai phá tiềm năng hợp tác. Làm được như vậy, hai nước không chỉ thu được những lợi ích to lớn mà còn có những đóng góp vô giá cho hòa bình và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trong ASEAN và hơn thế nữa.
(*) Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore.