AFP (Pháp) cho biết hàng trăm người bịt mặt đã đụng độ với cảnh sát. Người biểu tình đã tấn công một tòa nhà, nhặt nhiều tấm biển bằng gỗ và ném vào cảnh sát. Cửa sổ nhiều cửa hàng và các ngân hàng cũng trở thành mục tiêu tấn công của người biểu tình quá khích. Lực lượng an ninh đã phải dùng vòi rồng để trấn áp những kẻ gây rối.
Người biểu tình bịt mặt ném nhiều vật dụng vào cảnh sát Paris. (Nguồn: Getty) |
Trước đó, hàng loạt cuộc biểu tình phản đối cải cách luật lao động ở Pháp cũng đã trở thành các cuộc bạo động. Các cuộc biểu tình, đình công của nhân viên nhiều ngành kéo dài suốt 3 tháng qua đang làm gia tăng áp lực cho Chính phủ Pháp vốn đã chịu nhiều chỉ trích từ người dân do liên quan đến dự luật cải cách lao động mà họ cho là có lợi cho giới chủ hơn người lao động. Họ chỉ trích dự luật này cho phép giới chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên, trong khi làm tổn hại tới các quyền cơ bản của người lao động.
Theo Reuters (Anh), khoảng 700 xe buýt chở người biểu tình từ khắp nơi trên toàn nước Pháp tới thủ đô Paris để tham gia cuộc biểu tình diễn ra nhằm phản đối luật lao động mới.
Tháp Eiffel đã phải đóng cửa khi các nhân viên ngừng làm việc để tham gia biểu tình.Theo Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT), cuộc biểu tình tại Paris có quy mô lớn nhất liên quan tới phản đối luật lao động cải cách. "Mọi chuyện chưa kết thúc. Cuộc đấu tranh còn kéo dài hơn nữa", lãnh đạo CGT Philippe Martinez nói.
Bất chấp đình công và biểu tình biến thành bạo lực tại nhiều nơi, Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn kiên quyết từ chối nhượng bộ yêu cầu của các nghiệp đoàn rằng phải hủy bỏ dự luật cải cách lao động mới và cho rằng, luật lao động mới sẽ có lợi cho nền kinh tế đất nước và hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp. Hiện dự luật này đã được đem ra tranh luận tại Thượng viện hôm 13/6. Luật mới được kỳ vọng sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 7.
Sinh viên và người biểu tình tập trung tại Ga xe lửa Gare de Lyon, Paris. (Nguồn: VICE News) |
Sau vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát chống bạo động và nhóm thanh niên đeo mặt nạ trong các cuộc biểu tình trước đó, 130 đối tượng gây rối đã bị cấm tới trung tâm Paris để hạn chế nguy cơ các vụ đụng đổ xảy ra.
Trước đó, hôm 24/5, cảnh sát Pháp cũng đã phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán những người biểu tình trong vụ đụng độ tại nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu ở Fos-sur-Mer, bên bờ Địa Trung Hải gần thành phố Marseille.
Hiện tại, Pháp vẫn trong tình trạng khẩn cấp, được lập sau chuỗi vụ khủng bố làm 130 người thiệt mạng tháng 11/2015. Dự kiến tình trạng này sẽ kéo dài tới cuối tháng 7, sau khi Euro 2016 và giải đua xe đạp lừng danh Tour de France kết thúc.
Lực lượng an ninh Pháp đang phải gồng mình đảm bảo an toàn cho sự kiện thể thao lớn nhất châu lục. Khoảng 90.000 cảnh sát, binh sĩ quân đội và lực lượng Hiến binh đã được huy động để đảm bảo an ninh cho Euro 2016 trong bối cảnh các tổ chức khủng bố lăm le tấn công phương Tây. Công tác an ninh quanh các sân vận động và khu vực dành cho người hâm mộ được tăng cường nhằm giảm thiểu nguy cơ bị tấn công.