TIN LIÊN QUAN | |
Bà Rịa - Vũng Tàu và cơ hội tận dụng hiệu quả từ Hiệp định EVFTA | |
Đoàn công tác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc JICA |
Bãi trước thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Đức Hợp) |
Dấu ấn tăng trưởng
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 6, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thông tiềm lực, phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế. Trong đó, tận dụng lợi thế so sánh, toàn tỉnh đã tập trung phát triển một số mũi nhọn kinh tế, gồm: công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch. Kết quả, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp đều tăng trưởng tốt, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 85% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được tập trung phát triển, hiện có hơn 20 dự án hoạt động về lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao và hơn 70 cơ sở hoạt động về công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,12%, đạt mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thu ngân sách hơn 82.676 tỷ đồng.
Đối với dịch vụ cảng biển và hậu cần cảng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tỉnh hiện có 47/69 cảng biển đang hoạt động với tổng công suất thiết kế đạt 137 triệu tấn/năm. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng khối lượng hàng hóa trực tiếp thông qua cảng dự kiến đạt 70 triệu tấn/năm, tăng 12%/năm. Bên cạnh đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt được kết quả bước đầu tại một số địa phương. Toàn tỉnh hiện có 42 tổ chức, cá nhân áp dụng mô hình sản xuất trồng trọt này với diện tích 2.816 ha; 131 trang trại nuôi heo, gia cầm và 15 cơ sở nuôi tôm đã áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Là địa phương có nhiều thế mạnh trong phát triển du lịch, thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mà tỉnh có lợi thế, cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao… Đồng thời liên kết với các địa phương khác tổ chức các tour, tuyến du lịch đưa khách đến với tỉnh nhà; đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch theo hướng nâng cao chất lượng nhằm củng cố và tạo thương hiệu du lịch đặc thù của tỉnh; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch trọng điểm để sớm đưa vào phục vụ du khách. Những giải pháp trên đã giúp cho lượng khách du lịch lưu trú tại BR-VT những năm gần đây tăng bình quân 14,3%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 14%/năm, hình ảnh du lịch tỉnh nhà ngày càng được cải thiện trong mắt du khách.
Để hướng đến một cơ cấu kinh tế năng động, giá trị gia tăng cao, BR-VT đã có những chính sách, xây dựng chiến lược mới trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI. Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký mới và tăng thêm 82.127 tỷ đồng, ước đến cuối năm 2020, có 605 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 307.606 tỷ đồng; tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm hơn 6,2 tỷ USD, ước đến cuối năm 2020, có 415 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 29,55 tỷ USD. Theo Sở KH-ĐT tỉnh BR-VT, toàn tỉnh hiện chiếm gần 10% tổng vốn FDI của cả nước và đang đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành về thu hút vốn FDI. Một số dự án quy mô vốn lớn đang hiện diện tại BR-VT như: Nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép tại Việt Nam (115 triệu USD); Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam (1,2 tỷ USD); Nhà máy kính nổi siêu trắng (110 triệu USD); Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Marubeni (115 triệu USD)...
Trong định hướng thu hút đầu tư, BR-VT tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, chính quyền địa phương luôn nỗ lực tạo dựng môi trường thu hút đầu tư tích cực, lành mạnh, trách nhiệm; hợp tác, đồng hành và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp; tăng cường cải cách hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, toàn tỉnh quyết tâm đẩy nhanh việc triển khai chính quyền điện tử, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Tăng tốc để bứt phá về đích
Năm 2020, Bà Rịa - Vũng Tàu quyết tâm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Để về đích đúng lộ trình vào năm 2020, BR-VT tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ kết nối tỉnh với các địa phương trong khu vực, gồm các đường kết nối hệ thống cảng với quốc lộ 51, các khu công nghiệp và logistics, kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Phát triển hệ thống cảng thủy nội địa và kho bãi xung quanh hệ thống sông nội địa quanh cảng Cái Mép - Thị Vải. Thúc đẩy việc đầu tư tuyến đường sắt kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải về hệ thống ga hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Địa phương sẽ tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, tham gia nghiên cứu, triển khai các dự án: Núi Dinh, Safari, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các dự án đầu tư: Khu đô thị Bàu Trũng, Khu du lịch mũi Nghinh Phong, Khu du lịch Marina City - Tuần Châu, khu đô thị Gò Găng… Nhằm thu hút đầu tư có hiệu quả, tỉnh tiếp tục phát huy và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện phân cấp mạnh mẽ trong việc xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư; sớm hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án trọng điểm nhằm tạo nền tảng phát triển vững chắc.
BR-VT sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng nguồn lao động; sử dụng có hiệu quả quỹ đất; dành quỹ đất hợp lý cho phát triển dịch vụ logistics, kho vận đáp ứng cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống cảng; chủ động kêu gọi xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước với tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện những dự án lớn, tạo sức lan tỏa ở năm ngành kinh tế mũi nhọn là công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.
Các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tăng cường triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xem đây là nhiệm vụ quan trọng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Cùng với đó, tỉnh chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ, kiên quyết xử lý, thay thế những cán bộ kém năng lực, trì trệ, không tạo ra sự thúc đẩy, không thực hiện hết trách nhiệm được giao.
Có thể thấy, BR-VT đang bước vào thời điểm vàng để tăng tốc, bứt phá hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2020 - năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 6, nhiệm kỳ 2015-2020. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh nhà sẽ ra sức chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm cho các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp được triển khai hiệu quả, nhanh chóng và đồng bộ.
| Đoàn công tác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thăm và làm việc tại Nhật Bản Từ ngày 21-25/10, đoàn công tác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ... |
| Đoàn công tác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc tại Pohang, Hàn Quốc Sáng ngày 19/10, Đoàn công tác tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đến thăm và chào xã giao Chính quyền thành phố Pohang. Ông ... |
| Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần đột phá trong phát triển cảng biển Ngày 10/8, tại TP Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư. |