Một nhóm nhà khoa học thuộc đại học Cambridge tìm hiểu vì sao băng ở Bắc Cực đang bị tan chảy nhanh. Ảnh: Reuters |
Tình trạng nóng lên toàn cầu đang thu hẹp những khối băng Bắc Cực, nhưng cũng mở ra những đường biển mới và cơ hội làm ăn mới. Những công ty dầu khí là thành phần có thể hưởng lợi nhất khi lớp băng tan dần, mở ra cơ hội khai thác đáy đại dương. Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil mới đây ký một hợp đồng lớn để khoan dầu trong biển Bắc Cực thuộc Nga. Vận tải đường thuỷ, khai khoáng và hoạt động đánh bắt cá cũng hướng về vùng biển Bắc này nhiều hơn bao giờ hết.
Trong một hội nghị gần đây về vận tải tàu thuỷ biển Bắc Cực tổ chức ở một thành phố cảng của Nga, Tổng thống Olafur Ragnar Grimsson của Iceland, nói: “Điều ngược đời là những cơ hội mới đang mở ra cho đất nước chúng tôi cùng lúc chúng tôi hiểu rằng mối đe doạ khí thải carbon cũng trở nên gần kề”.
Các nhà khoa học nói rằng trong mười năm qua, vào tháng 9 là thời điểm lớp băng biển Bắc mỏng nhất trong năm, kích thước trung bình cũng chỉ khoảng 2/3 mức trung bình của hai thập niên trước. Nhóm nghiên cứu kế hoạch đánh giá và giám sát Bắc Cực dự báo trong vòng 30 - 40 năm nữa, toàn bộ biển Bắc Cực sẽ không có băng phủ mùa hè.
Năm 2009, chỉ có hai tàu chở hàng quốc tế đầu tiên di chuyển ở cực bắc nước Nga, giữa châu Âu và châu Á. Năm nay, 18 chiếc tàu đã vượt qua vùng biển phần lớn đã tan băng, trong đó có cả một chuyến ngoạn cảnh băng qua hành lang Đông Bắc, khởi hành từ Murmansk và đến cảng Anadyr của Nga ở Thái Bình Dương, băng qua biển Bering từ Alaska.
Vài tuyến đường thuỷ qua vùng cực Nga có thể cạnh tranh với hải trình từ châu Âu sang châu Á qua kênh Suez. Theo bộ Vận tải Nga, chuyến tàu từ Rotterdam sang Yokohama (Nhật) qua hành lang Đông Bắc ngắn hơn khoảng 7.100km so với tuyến đường biển qua kênh Suez. Tất nhiên, so sánh này chỉ có ích khi con đường tuyến biển Bắc Cực cho phép 18.000 con tàu qua lại. Hải trình biển Bắc Cực được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ những ngành công nghiệp khác tiến về phía bắc, như khai khoáng và dầu khí.
Công ty vận tải biển Tschudi của Na Uy đã mua và khôi phục hoạt động một quặng sắt bỏ hoang ở miền Bắc Na Uy để chở sắt đến Trung Quốc qua hành lang Đông Bắc. Vào năm 2010, một chuyến tàu đến Liên Vân Cảng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) mất 21 ngày, so với 37 ngày nếu di chuyển qua kênh Suez. Bộ phận điều hành Tschudi ước tính tiết kiệm được 300.000 USD mỗi chuyến. Nhưng theo chủ tịch Felix Tschudi: “Rất ít người trong ngành vận tải biển biết con đường này”.
Công ty Nga Norilsk khai thác quặng đồng và nickel giờ đây có thể chở hàng qua biển Bắc Cực mà không cần thuê tàu phá băng như trước kia, tiết kiệm hàng triệu rub. Ở Tây Bắc Alaska, công ty kẽm chì Red Dog vận chuyển qua eo biển Bering thường ít bị kẹt băng hơn là trong những thập niên qua.
Tập đoàn Citigroup xác định có năm công ty Nga hưởng lợi từ tình trạng ấm lên toàn cầu ở miền Bắc, nơi mà nhiệt độ đang tăng nhanh khoảng gấp hai lần mức trung bình trên toàn cầu.
Đối với công nghiệp khai thác cá quốc tế, điểm chú ý là cái gọi là chỗ trũng biển Bắc Cực rộng hàng triệu dặm vuông. Do lo sợ các quốc gia phía nam Bắc Cực thèm khát đánh bắt cá trong khu vực di chuyển của tàu thuyền, một báo cáo gần đây của nhóm hoạt động môi trường Pew Environment Group cảnh báo rằng nếu không có một loạt quy định mới cho khu vực, đàn cá tuyết Bắc Cực có thể giảm đi một phần mười.
Hiện nay, giới chức ở Mỹ, Nga và Na Uy đang nghiên cứu tiềm năng kinh doanh của những cảng biển ở cả hai bờ hành lang Đông Bắc để chuyển container. Với kế hoạch này, những cảng biển xa xôi như Kirkenes ở Na Uy hay Adak của Alaska, có thể trở thành những trung tâm vận tải biển nhộn nhịp vùng Bắc Cực.
Theo SGTT