Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp trong chuyến thăm, làm việc tại Singapore. |
Đa dạng tiềm năng, lợi thế
Là tỉnh có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110km và cách Cảng Hải Phòng 140km.
Bắc Giang có diện tích tự nhiên xấp xỉ 3.900 km², trong đó trên 75% diện tích là đất nông nghiệp, đảm bảo quỹ đất rất lớn cho phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ trong tương lai. Dân số của tỉnh đạt trên 1,8 triệu người (đứng thứ 12 cả nước) và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động.
Sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao tại hợp tác xã rau sạch Yên Dũng |
Cùng với đó, Bắc Giang còn rất được thiên nhiên ưu đãi, mưa thuận, gió hòa, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đều rất thuận lợi cho phát triển các loại hình sản xuất cả công nghiệp và nông nghiệp. Đồng thời, với nhiều cảnh quan sông, suối, đồi, núi đẹp và trên 2.200 di tích, trong đó gần 1.000 di tích đã được xếp hạng, gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là lợi thế rất lớn để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, nhờ sự chủ động - quyết liệt - chính xác - kịp thời - hiệu quả, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành và được sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; kinh tế duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 14,33%1 (đứng đầu cả nước). Các ngành sản xuất đều có tăng trưởng, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,79%, công nghiệp - xây dựng tăng 19,32% (công nghiệp tăng 20,76%, xây dựng tăng 4,6%), dịch vụ tăng 3,48%, thuế sản phẩm tăng 6,84%.
Thu hoạch vải thiều lục Ngạn |
Các chính sách thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã phát huy hiệu quả; Bắc Giang đang từng bước trở thành trung tâm công nghiệp của vùng. Trong quý I/2022, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có khởi sắc hơn so với năm 2021 nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine trên địa bàn tỉnh nhanh và rộng. Với lực lượng lao động dồi dào cùng các chính sách mới của Trung ương và địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng thời cơ và có nhiều bứt phá trong sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2022 tăng 19,41% so với tháng 2/2022, tăng 17,53% so với cùng kỳ; chỉ số quý I tăng 23,63% so với cùng kỳ3 . Giá trị sản xuất 3 tháng đầu năm toàn tỉnh (giá hiện hành) đạt 107.907 tỷ đồng, tăng 28,2%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 2.338 tỷ đồng, tăng 60,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 8.811 tỷ đồng, tăng 20,2%; khu vực FDI 96.757 tỷ đồng, tăng 28,4%.
Hướng tới phát triển nhanh, toàn diện và bền vững
Rừng kinh tế tại xã Đông Sơn (Yên thế) |
Đầu năm 2022, Bắc Giang đón nhận tin vui khi trở thành tỉnh/thành phố đầu tiên trên cả nước được Phó Thủ tướng chính phủ ký Quyết định số 219/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ phát triển đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện và thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.
Đến năm 2030, Bắc Giang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 15 - 16%; GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2030 khoảng 50%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 13%/năm, năm 2030 năng suất lao động bình quân đạt 475 triệu đồng/lao động; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân trên 18%/năm…
Về văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, chỉ số phát triển con người HDI đạt 0,85; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt trên 90%, trong đó đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt khoảng 35 - 40%...
Về không gian và kết cấu hạ tầng, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55 - 60%. Xây dựng, mở rộng thành phố Bắc Giang theo hướng thông minh, đạt đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, chính trị, dịch vụ của tỉnh. Huyện Việt Yên, Hiệp Hòa trở thành thị xã; thị trấn Chũ mở rộng trở thành thị xã, thị trấn Vôi đạt đô thị loại IV; có 8/9 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới…
Về chủ trương, tỉnh tiếp tục tập trung thu hút đầu tư trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; quan điểm thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án có sức lan tỏa lớn, có khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước để hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành, có công nghệ tiên tiến, suất đầu tư cao, sử dụng ít lao động, đóng góp nhiều cho ngân sách; kiên quyết từ chối các dự án sử dụng lãng phí tài nguyên, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bắc Giang xác định 5 không gian phát triển du lịch, quy hoạch 3 khu du lịch trọng điểm, hướng tới mục tiêu phát triển trở thành khu du lịch quốc gia gồm: Khu du lịch Tây Yên Tử - theo dấu chân Phật tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Khu du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với trung tâm hồ Khuôn Thần; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền.
Quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có 3 khu đang thực hiện, 9 khu quy hoạch mới.
“Dọn tổ” đón “đại bàng”
Tỉnh Bắc Giang cũng xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với tăng cường hợp tác với các nước trong cộng đồng ASEAN, khu vực và trên thế giới để tranh thủ cơ hội đẩy mạnh thu hút đầu tư nguồn vốn FDI, “dọn tổ” đón “đại bàng”.
Thông qua hoạt động ngoại giao kinh tế, thời gian tới, Bắc Giang kỳ vọng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính lớn, có nhu cầu đầu tư ổn định, lâu dài tại địa phương phù hợp định hướng phát triển công nghiệp theo mô hình “hệ sinh thái công nghiệp” gắn kết khu công nghiệp với khu đô thị, dịch vụ có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại của tỉnh Bắc Giang; các nhà đầu tư có kinh nghiệm, thế mạnh về các lĩnh vực: Đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp chế tạo, công nghiệp hóa chất, công nghiệp tái tạo, vật liệu mới, công nghiệp thời trang, chế biến gỗ, chế biến nông sản; Đầu tư phát triển các tổ hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trải nghiệm du lịch, bảo tồn sinh quyển; Đầu tư các dự án phát triển đô thị thông minh, trung tâm thương mại, tổ hợp khách sạn, resort cao cấp.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Cao Đẳng Nghề công nghệ Việt _Hàn Bắc giang vừa đưa mô hình hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS) trị giá hơn 6 tỷ đồng vào giảng dạ |
Tỉnh cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi đón tiếp các đoàn khảo sát đầu tư của các tập đoàn, nghiệp đoàn, hội doanh nghiệp các nước do Bộ Ngoại giao giới thiệu tới khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Bắc Giang; đồng thời, hỗ trợ tối đa theo quy định cho các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh khi triển khai đầu tư vào tỉnh.
Với những quyết tâm của lãnh đạo chính quyền địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển công nghiệp hỗ trợ để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI, Bắc Giang hứa hẹn sẽ là một điểm đến an toàn, hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.
Du lịch được tỉnh Bắc Giang chú trọng phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới và thời gian diễn ra SEA Games 31 đang đến gần. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuẩn bị phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 – 2030”. Tỉnh đã khai trương và đưa vào vận hành Hệ thống cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh, góp phần đẩy mạnh khai thác, phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh để phục vụ tổ chức môn Cầu lông SEA Games 31. |
| Covid-19 tối 26/4: Hơn 8.400 ca mắc mới, Phú Thọ, Bắc Giang, Đắk Lắk tăng cao nhất; Cả nước vượt 10 triệu ca nhiễm Bản tin Covid-19 của Bộ Y tế ngày 26/4 cho biết, cả nước ghi nhận 8.431 ca nhiễm mới tại 56 tỉnh, thành phố. Các ... |
| Bất động sản mới nhất: Ngoại thành Hà Nội hút khách, Bắc Giang sẽ thêm 10 sân golf, TP. Thủ Đức bứt phá với ‘siêu hạ tầng’ kết nối Đầu tư chuyển dịch ra ngoại thành, giảm áp lực cho trung tâm Hà Nội, duyệt quy hoạch Bắc Giang tầm nhìn đến năm 2050, ... |
| Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bắc Giang thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Ngày 25/12, Đoàn công tác Bộ Ngoại giao do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Trưởng đoàn đã ... |