Ở Vũ Khoan là sự kết tinh giữa tri thức thông tuệ, tầm nhìn chiến lược, sự luận giải khúc chiết và chất Việt Nam, luôn bám sát lợi ích quốc gia dân tộc. (Ảnh: DT) |
Lứa chúng tôi, sau bác hai thập niên. Vào ngành, theo công việc, người gọi anh, người gọi chú. Tôi cũng vậy. Nhưng khi bác đã nghỉ, tôi lại gọi bác, khi xưng cháu, lúc xưng em. Chữ bác đó, thể hiện sự kính trọng và cảm phục về một trí tuệ và con người, hơn là về khoảng cách tuổi tác. Cũng là chữ chung lắm, trong Ngành.
Tin về bác đi xa, dù có sự báo trước, vẫn để lại một khoảng trống, khoảng lặng, nặng trĩu. Trống lặng mà xáo động, hụt hẫng. Nhiều báo đài gọi đến hỏi, đều không dám trả lời. Có chút níu kéo, để như bác vẫn giản dị ở đâu đó. Có chút ngần ngại, làm sao nói cho đủ với tầm của bác được.
Cách thế hệ hai thập niên về tuổi, lại không nhiều dịp làm trực tiếp thời bác lãnh đạo Ngành, nhưng tôi sưu tầm, đọc và học nhiều lắm những gì bác đã nói và viết. Hầu như mọi bài, chính luận, nói chuyện, bài viết báo, về các loại chủ đề, đối ngoại và hội nhập, đương nhiên, cùng cả những luận giải về Ngành, về đời, về người, về đối nhân xử thế. Đâu cũng thấy cái tầm trí tuệ và phong cách con người Vũ Khoan.
Tin liên quan |
Ngôi sao đã đi xa, nhưng vầng sáng còn mãi: Những bài học của bác Vũ Khoan cho thế hệ sau |
Bạn hỏi: Cho cảm nhận về VK. Tôi đã nhiều lần từ chối trả lời. Sợ mạo muội. Vậy mà vẫn trăn trở. Đậm sâu trong tôi, chắc chỉ cần đúng hai chữ “VK” (Vũ Khoan), chỉ thế mới là đủ, là bao quát hết. Với các thế hệ, trong và ngoài Ngành: Chỉ cần hai chữ VK. Và với lớp trẻ: Cũng đã có một Chương trình VK. Và trong đó, có mấy điểm rất trân quý và tâm đắc, đó là: Tư duy VK, Phong cách VK, Nhân cách VK và Hiệu ứng VK.
Ở bác, đó là sự kết tinh giữa tri thức thông tuệ, tầm nhìn chiến lược, sự luận giải khúc chiết và chất Việt Nam, luôn bám sát lợi ích quốc gia dân tộc. Đó là sức truyền cảm và thuyết phục từ bác, qua đó, tranh thủ đồng thuận nội bộ, mỗi khi bàn đến các quyết sách lớn của Ngành, của đất nước.
Một người thanh cao, nhưng bác luôn giản dị, ân cần, lắng nghe và chia sẻ với mọi người. Thế hệ trẻ được bác đặc biệt quan tâm và đã có hẳn một Chương trình giảng dạy VK cho lớp trẻ. Đó là cái tâm, cái tầm và sức truyền cảm hơn người ở bác.
Bác đọc nhiều, biết nhiều, tổng hợp và phân tích sắc bén, từ những việc rất phức tạp, qua sự luận giải của bác, rõ ngay cái cốt lõi, cái thực chất, cùng với những kiến giải đầy sức thuyết phục. Ai cũng nói bác "đọc vị" rất giỏi, với những câu chuyện quốc tế phức tạp nhiều chiều, bác nhìn rõ cái lớn, nhưng cũng không quên cái nhỏ, từ đó nhặt ra được cái chính, cái thực chất, cái liên quan nhất đến Việt Nam.
Về cạnh tranh nước lớn, bằng vài nét phác họa, bác đã chỉ ra bức tranh toàn cảnh, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cũng nhắc, họ cọ xát cạnh tranh ghê lắm, nhưng vẫn phải cần ngồi lại, hợp tác với nhau, và cũng cần nhớ, còn nhiều nước khác nữa, họ cũng cân nhắc lắm, đó là hai nước lớn mà ai cũng cần tranh thủ. Cạnh tranh nước lớn cần đặt trong cái tương quan nhiều chiều đó. Việt Nam cũng vậy, cần xem xét tổng thể, xem trong đó điều gì có lợi và không có lợi đối với Việt Nam.
Hay câu chuyện về hội nhập. Bác nói, hội nhập sâu hay rộng là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng hơn là liệu hội nhập đó mang lại thêm bao nhiêu giá trị gia tăng cho Việt Nam. Điều thứ hai là ta đã làm gì để có thể tranh thủ lợi ích cho mình, chứ vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) rồi ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mà mình vẫn chưa tranh thủ được, thì phải trách cả chính mình nữa. Vì vậy, hội nhập phải luôn đi cùng với đổi mới, nâng cao năng lực và chất lượng nền kinh tế.
Những luận giải của VK về đối tác - đối tượng, bạn - thù, đối nội - đối ngoại… cũng đều rất quý giá mà ngày nay càng cần đọc lại để chiêm nghiệm.
Thời bác nhận nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Ngoại giao - Thứ trưởng, vào đầu những năm 1990, đó là thời kỳ Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều thách thức và cần có những quyết sách về mặt chiến lược, như giải quyết vấn đề Campuchia, xử lý quan hệ với Đông Nam Á - ASEAN, với Trung Quốc, Mỹ, châu Âu… những đối tác rất lớn của Việt Nam. Quan trọng nhất, như bác nói, là phải thoát khỏi thế bị bao vây, cấm vận, tạo ra môi trường thuận lợi cho hòa bình và phát triển của Việt Nam. Những việc này đều có dấu ấn của bác.
Tôi không được trực tiếp làm việc nhiều với bác, nhưng có hai lĩnh vực mà sau này có vinh dự được “kế thừa” là ASEAN và quan hệ với Mỹ, là hai lĩnh vực có thể thấy rõ dấu ấn của bác. Bác là Thứ trưởng Ngành phụ trách và là Trưởng SOM ASEAN đầu tiên của Việt Nam, đã đặt những viên gạch đầu tiên để Việt Nam gia nhập ASEAN - một quyết sách có lợi cho cả khu vực và Việt Nam, khởi đầu cho cục diện khu vực mới, cùng những bước hội nhập đầu tiên của đất nước. Còn với Mỹ là câu chuyện về bình thường hóa và Hiệp định thương mại song phương. Người ta nói bác là một trong những "kiến trúc sư" của hội nhập cũng vì vậy.
Quan hệ với các nước lớn, với khu vực, ASEAN, rồi gia nhập WTO, đổi mới và hội nhập sâu rộng hơn. Đó là những câu chuyện rất khó, cả bên trong và bên ngoài, nhưng đều có những dấu ấn của bác. Tư duy, tầm chiến lược, phong cách và bản lĩnh VK đã góp phần tạo nên sự đồng thuận nội bộ và những quyết sách chiến lược, ở những thời điểm rất quan trọng của đất nước. Tất cả những điều đó tạo ra hiệu ứng VK, được mọi người trân quý và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Trong các câu chuyện đối ngoại, bác luôn trăn trở về lợi ích và vị thế của đất nước, đâu là cái thuận, cái khó, cùng với các kiến giải sắc sảo, nhận được sự đánh giá cao. Đó là chất Việt Nam, là tầm trí tuệ, vốn kiến thức, vốn sống và thực tiễn của bác.
Những gì VK chia sẻ ở bất cứ nơi đâu, vừa súc tích, vừa thuận và chuẩn chỉnh với lợi ích Việt Nam đầy sức thuyết phục và ở các môi trường các nhau đều có thể lan tỏa ra bên ngoài. Các thế hệ, từ thế hệ của VK, sau đó một thế hệ và đến thế hệ của tôi cũng như sau này đều thấy được ở VK một sự tỏa sáng rất lớn về hào quang trí tuệ, ánh sáng của lương tâm và trái tim nhân hậu. “Lớp VK” cho thế hệ trẻ có lẽ là điều rất đặc biệt, thể hiện VK vô cùng quan tâm tới thế hệ trẻ.
Tôi cứ ngẫm vậy, trong khoảng lặng hôm nay, cũng như thời trước còn làm việc, cứ lặng lẽ sưu tầm, đọc và học, từ bác, từ những cây đại thụ của Ngành, những người đã góp vào những bước ngoặt của đất nước và mãi tỏa sáng.
Bác Khoan… VK: Hiếm, quý và đặc biệt lắm. Đó là cái chất riêng: Hiệu ứng và sức lan tỏa VK - Là thương hiệu và danh xưng trân quý! Và… tôi đã chia sẻ như thế, duy nhất với báo Ngành. Kính trọng, tri ân và thương tiếc bác!
| Chú Vũ Khoan như tôi được biết... Không đao to búa lớn nhưng những đánh giá và phương pháp luận của chú Vũ Khoan vẫn không ngừng soi rọi cho chúng tôi, ... |
| Nhớ chú Vũ Khoan! Lời tâm sự của Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trước sự ra đi của ... |
| Tin buồn: Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từ trần Lễ viếng đồng chí Vũ Khoan tổ chức vào hồi 8h00-13h30, thứ Ba, ngày 27/6/2023 (tức ngày 10 tháng 5 năm Quý Mão); Lễ truy ... |
| Bà Virginia Foote: Ông Vũ Khoan, ‘mảnh ghép đặc biệt’ trong giai đoạn lịch sử Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AMCHAM) tại Việt Nam, đã chia sẻ cảm xúc trước sự ra đi của ... |
| Ấn tượng với tầm nhìn Vũ Khoan về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngoại giao Chia sẻ với TG&VN, PGS. TS Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, khẳng định, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đúng ... |