Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Trần Văn Thiều. |
Sở hữu vùng đặc quyền kinh tế biển rộng trên 20 ngàn km2, đường bờ biển 56km, vùng ven biển gió mạnh, khá ổn định, cùng điều kiện khí hậu tốt, ít chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới..., Bạc Liêu thu hút nhiều dự án đầu tư điện khí, điện gió quy mô lớn. Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí được xác định là một trong những đột phá phát triển kinh tế của Tỉnh.
Cơ sở hạ tầng thuận lợi
Bạc Liêu có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, với những tuyến giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ Nam Sông Hậu. Đặc biệt là hai tuyến cao tốc là Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau và cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dự kiến khởi công trong thời gian tới, nối cửa khẩu Xà Xía, mở rộng giao thương biên giới với Campuchia và các nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, phải kể đến tuyến đường giao thông thủy góp phần lưu thông vận chuyển hàng hóa như: tuyến kênh Bạc Liêu - Cà Mau, tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Gành Hào, kênh Gành Hào - Hộ Phòng thông ra biển Đông... Các cửa biển quan trọng như Gành Hào, Cái Cùng, Nhà Mát là những nơi trung chuyển hàng hóa của nhiều cơ sở kinh tế trong và ngoài tỉnh.
Thêm vào đó, Chính phủ đã phê duyệt phát triển cảng biển nước sâu hỗn hợp Gành Hào - Đông Hải rộng 3,5ha, trọng tải từ 30.000 DWT - 100.000 DWT. Cùng với cảng Hòn Khoai (Cà Mau) được quy hoạch là cảng trung chuyển quốc tế sẽ giúp thúc đẩy phát triển về công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa không chỉ cho Bạc Liêu mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thời gian qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, nhà đầu tư, Bạc Liêu triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu hút, mời gọi đầu tư, thực hiện thành công nhiều quyết sách quan trọng trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch và thông thoáng, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) của Tỉnh.
Đồng thời, Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và có những buổi làm việc, gặp gỡ doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của doanh nghiệp, kịp thời có hướng khắc phục và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, Bạc Liêu chú trọng thu hút đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao… thu hút nhà đầu tư lớn có tiềm lực, uy tín sẵn sàng đầu tư vào Tỉnh.
Có thể nói, với nỗ lực đó, tỉnh Bạc Liêu được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.
Điểm sáng thu hút đầu tư
Trong năm 2020, tình hình thu hút đầu tư của Tỉnh rất khả quan. Bạc Liêu đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 110,64 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, Tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 93,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 4 tỷ USD). Đây là một trong những dự án có vốn FDI lớn nhất nước năm 2020. Ngoài ra, Tỉnh đã thu hút thêm năm dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió) với công suất 270MW và tổng vốn đăng ký hơn 12.000 tỷ đồng.
Các dự án trên được đánh giá là nguồn động lực, góp phần đưa Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong thời gian tới.
Lũy kế đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 161 dự án (147 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư là 39,74 nghìn tỷ đồng; 14 dự án nước ngoài, tổng vốn là 4,489 tỷ USD).
Trong nhiều năm qua, kinh tế Bạc Liêu luôn đạt mức tăng trưởng nhanh và bền vững, giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 7,16%/năm, riêng năm 2019 đạt hơn 10%, quy mô nền kinh tế đến năm 2020 đạt 49,66 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 54,37 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp (42,57%), tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (19,20%) và dịch vụ (33,15%).
Tiếp tục phát huy lợi thế, đầu tư có trọng tâm và chú trọng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, Bạc Liêu có nhiều cơ sở để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 9-10% trong năm 2021.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Bạc Liêu và nhà đầu tư Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG. (Ảnh: Nhật Hồ) |
Đúng đối tượng, đủ chính sách, nhanh thủ tục
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ hiện nay, Bạc Liêu cũng như các tỉnh, thành khác, để phát triển kinh tế, xã hội thì cần phải thu hút nhiều nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực từ bên ngoài. Với quan điểm này, cũng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Tỉnh đã thực hiện chủ trương thu hút, mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu và đầu tư.
Trên tinh thần đó, Tỉnh luôn thực hiện phương châm “đúng đối tượng, đủ chính sách và nhanh thủ tục”. Khi doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Bạc Liêu sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất. Ngoài ra, nhà đầu tư sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian nhanh nhất.
Thực tế, trong những năm qua, rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có nguồn lực lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Tỉnh, điển hình như các tập đoàn Vingroup, FLC, Việt Úc, Kosy…
Trong thời gian tới, nhiều công trình hạ tầng quan trọng như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2… được đưa vào khai thác sẽ tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh thu hút đầu tư của các tỉnh trong vùng, trong đó có Bạc Liêu.
Thu hút đầu tư theo năm trụ cột
Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng quan trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được đầu tư cơ bản đồng bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để cả khu vực nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng có thể đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là dự án đầu tư theo liên kết vùng.
Để tận dụng những điều kiện thuận lợi đó và phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Bạc Liêu xác định năm trụ cột trong công tác thu hút đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đó là: Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa, gạo; Phát triển công nghiệp, trọng tâm là năng lượng tái tạo; Phát triển du lịch; Phát triển thương mại dịch vụ - giáo dục- y tế chất lượng cao và cuối cùng là Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Phát huy kết quả đạt được, nâng cao hiệu quả thu hút mời gọi đầu tư vào năm trụ cột chính, Bạc Liêu sẽ tập trung thực hiện giải pháp trọng tâm như: Đẩy nhanh và sớm hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng các nghị quyết về phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 1A; phấn đấu xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại 1 vào năm 2025; Lập danh mục thu hút đầu tư dựa trên năm trụ cột phát triển kinh tế của Tỉnh; Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh tiềm năng và thế mạnh của Tỉnh đến các nhà đầu tư có tiềm năng trong và ngoài nước.