Bí thư tỉnh uỷ Lữ Văn Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư. |
Báo Thế giới và Việt Nam đã có buổi trao đổi với ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh năm 2022 và các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong năm 2023, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều. |
Thưa ông, năm 2022 đi qua với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, song tỉnh Bạc Liêu cũng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong năm vừa qua?
Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, sự đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đã phát triển khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực. Kết quả có 15/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế tăng 9,6% so cùng kỳ; thu ngân sách địa phương vượt 29,1% dự toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,15% so cùng kỳ; nông nghiệp phát triển khá, sản lượng thủy sản tăng 14,55% (trong đó, tôm nuôi tăng 32,86%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,68% so cùng kỳ.
Các chính sách an sinh xã hội cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tốt; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,19%. Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được các ngành chức năng và địa phương thực hiện nghiêm túc, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa Du lịch, Lễ hội Dạ cổ Hoài lang và Hội nghị Xúc tiến đầu tư, đã tạo được ấn tượng tốt với bạn bè trong nước và quốc tế, được Trung ương và các đối tác đánh giá cao, qua đó nâng cao thêm vị thế của tỉnh, tạo khí thế phấn khởi trong Nhân dân và trong công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh nhà thời gian tới.
Theo ông, đâu là nhân tố mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã xác định 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội để tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, thế mạnh, thu hút mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tỉnh tập trung thực hiện ba đột phá: (i) Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí. Xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia; (ii) Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao và có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; (iii) Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng: Hạ tầng đô thị, giao thông; hạ tầng điện và công nghệ thông tin; hạ tầng giáo dục, y tế.
Tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh công tác kêu gọi thu hút đầu tư, với phương châm cùng nhau hợp tác, đồng hành và chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là việc Bạc Liêu đã triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian qua. Do đó, trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn thì trong 02 năm qua kết quả thu hút đầu tư của tỉnh cũng rất khả quan. Tỉnh đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 30 dự án; trong đó có 28 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 23.367 tỷ đồng; 02 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 18,78 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã thu hút được 195 dự án (trong đó: 178 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 63.374 tỷ đồng; 17 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 4,5 tỷ USD). Đây là nguồn lực rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nổi bật nhất là tỉnh Bạc Liêu thu hút được 11 dự án năng lượng sạch; trong đó có 10 dự án Nhà máy điện gió với 33.027 tỷ Việt Nam đồng (tương đương 1,4 tỷ USD), tổng công suất là 660,2MW (hiện có 08 Nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động chính thức, với tổng công suất là 469,2MW, đứng thứ 3 trên cả nước); 01 dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 04 tỷ USD. Các dự án này đang là động lực chính cho tăng trưởng GRDP của tỉnh. Bạc Liêu đang hướng đến mục tiêu đến năm 2030, trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của Quốc gia, với trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu đang thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, với hạt nhân là “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” tại xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu), với quy mô 418,9 ha. Đây là điều kiện rất thuận lợi để thu hút, mời gọi nhà đầu tư có uy tín, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư dự án vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đồng thời là tiền đề để Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tôm, là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.
Hơn nữa, kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, thương mại, dịch vụ, y tế, văn hóa và giáo dục,… được quan tâm đầu tư; tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư công để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; tiến độ thi công các công trình dự án được đẩy nhanh, đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả rất tích cực. Các dự án điện gió khu vực biển, khai thác du lịch tuyến biển được đẩy nhanh tiến độ; tích cực mời gọi thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đảm bảo huy động tốt nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời, phát triển đội tàu khai thác đánh bắt xa bờ, các chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển,... được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
Bước sang năm 2023, những nhiệm vụ trọng tâm nào sẽ được tỉnh tập trung thực hiện, thưa ông?
Trong năm 2023, dự báo nền kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng sẽ phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát,... Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh sẽ tập trung thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo đó là: Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thực hiện có hiệu quả 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định và thực hiện ba đột phá.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy; cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động các nguồn vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Với quyết tâm chính trị cao của các cấp, các ngành, sự vươn lên của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của Nhân dân, tôi tin tưởng rằng kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ tiếp tục đà tăng trưởng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Xin cám ơn Ông!