📞

'Bác sĩ máy thở' và các lớp 'hồi sức online' đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch Covid-19

Vy Anh 13:45 | 11/10/2021
“Bác sĩ máy thở” là biệt danh mà các bác sĩ nhi khoa phía Nam yêu mến đặt cho bác sĩ Đặng Thanh Tuấn, chuyên gia hồi sức, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, nguyên Trưởng khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn trong một lớp học online dạy các bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 về máy thở. (Ảnh: NVCC)

Trong nhiều tháng qua, thông qua việc đào tạo và huấn luyện sử dụng máy thở, thiết bị quan trọng nhất trong điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Đặng Thanh Tuấn đã bền bỉ đồng hành cùng các bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Nắm bắt "điểm yếu"

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Tuấn cho biết, ở các trường đào tạo y khoa, huấn luyện máy thở chưa trở thành chương trình chính quy. Khi ra trường, các bác sĩ nếu được phân công về khoa cấp cứu hay hồi sức thì lúc đó mới bắt đầu mày mò học và sử dụng máy thở.

Là người đã huấn luyện sử dụng máy thở cho các bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh trong nhiều năm qua, bác sĩ Tuấn biết rõ năng lực của các bác sĩ tuyến tỉnh, đa phần còn yếu về vận hành và sử dụng máy thở.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhu cầu về sử dụng máy thở tăng “chóng mặt”. Lúc này, người cài đặt máy thở không còn chỉ là bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu mà có thể là cả bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ răng-hàm-mặt thậm chí là các bác sĩ y học cổ truyền,… Tất cả bác sĩ được huy động vào các khu điều trị Covid-19 đều phải biết kỹ năng về sử dụng máy thở.

Bác sĩ Tuấn chia sẻ: “Nhiều loại máy thở ‘lạ hoắc’ được phân phối về các cơ sở điều trị Covid-19, bác sĩ hồi sức có khi còn lúng túng. Làm trong nghề tôi hiểu rằng không phải giao một cái máy thở cho bác sĩ là cứu sống được bệnh nhân ngay.

Theo dõi đợt dịch Covid-19 bùng phát đỉnh điểm tại Italy, Tây Ban Nha và Mỹ, tôi thấy hệ thống y tế của họ rất tốt, bác sĩ cũng khá giỏi nhưng số lượng bệnh nhân tử vong rất lớn. Tôi nghĩ ngay đến việc phải huấn luyện sử dụng máy thở cho các bác sĩ trước.

Chỉ khi các bác sĩ có được kỹ năng sử dụng máy thở tốt mới có nhiều cơ hội cứu sống bệnh nhân khi dịch bùng phát diện rộng”.

Từ tháng 4/2020, bác sĩ Tuấn cùng nhóm Cafe Hồi sức (bao gồm các bác sĩ giỏi về hồi sức trên cả nước) đã thực hiện chuỗi 14 bài học online về hồi sức hô hấp cho bệnh nhân Covid-19.

Thời điểm này, số lượng học viên còn hạn chế vì dịch bệnh chưa bùng phát ở Việt Nam. Tuy nhiên, tinh thần sẵn sàng trước mọi kịch bản, chuẩn bị vững về chuyên môn cho các bác sĩ điều trị Covid-19 luôn thôi thúc bác sĩ Tuấn và đồng nghiệp tiếp tục các dự án đào tạo về máy thở.

Ông cho biết: “Sau chuỗi bài giảng online, chúng tôi tiếp tục đi đến các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh để huấn luyện sử dụng máy. Dù khó khăn rất nhiều nhưng chúng tôi luôn ý thức rằng đó là việc cần phải làm để đội ngũ y bác sĩ không bị động trước dịch bệnh”.

Mỗi lần đi dạy ở đâu ông cũng đều cung cấp số điện thoại, email, tài khoản Viber, Zalo, Facebook cho các học viên để khi “bí” cái gì về máy thở thì có nơi để hỏi.

Bản thân bác sĩ Tuấn cũng mở máy 24/24, nghe điện thoại bất cứ lúc nào. Ông cũng không thấy phiền khi nghe cuộc điện thoại vào nửa đêm.

Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn dạy các bác sĩ trẻ điều chỉnh máy thở trong điều trị hồi sức cho bệnh nhân mắc Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Những lớp học nửa đêm

Đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam, trong đó nghiêm trọng nhất là tại TP. Hồ Chí Minh. Bác sĩ Tuấn được Sở Y tế Thành phố phân công làm Tổ trưởng Tổ đặc nhiệm Hồi sức hô hấp.

Mục tiêu của Tổ là huấn luyện cho các bác sĩ, điều dưỡng đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến sử dụng máy thở.

Bác sĩ Tuấn kể lại: “Đến các bệnh viện dã chiến tôi mới thấy khó khăn rất lớn, có nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu nhưng vẫn chưa có kỹ năng thành thạo về máy thở. Máy móc đa dạng về chủng loại, có nhiều loại ít được sử dụng ở Việt Nam.

Thêm nữa, bác sĩ điều trị thì phân theo ca, kíp, mỗi đợt công tác chống dịch kéo dài 4-5 tuần. Khi đào tạo xong và các bác sĩ sử dụng máy thở tương đối thành thạo thì hết đợt công tác, bác sĩ mới đến thay thế thì quy trình đào tạo lại phải bắt đầu từ đầu”.

"Bác sĩ máy thở" cho biết, trong nhiều tuần, điện thoại của ông liên tục nhận cuộc gọi nhờ tư vấn của các học trò từ khắp nơi đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Trên Messenger (Facebook), tin nhắn cũng "dội" về liên tục, hỏi ông về các "thủ thuật" điều trị hồi sức cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang thở máy.

"Trong đợt dịch này, có rất nhiều học trò của tôi, đều là các bác sĩ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, được phân công điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Trong phòng hồi sức, mỗi lần đứng trước tình huống phức tạp, các em lúng túng và gọi điện hỏi tôi”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Trước thực tế ấy, ông lại lên ý tưởng cho các lớp học online ban đêm về máy thở, bắt đầu từ tháng 7/2021, mỗi tuần 2 buổi tối.

Lớp học diễn ra từ 20-22h đêm mà lúc cao điểm có khoảng 1.300 học viên tham gia. Điều này cho thấy nhu cầu cập nhật kiến thức hồi sức khi chăm sóc bệnh nhân Covid-19 của các nhân viên y tế là rất lớn.

Ông tâm sự: "Trong số những nhân viên tham gia lớp học của ông, có cả những người ở Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang), Khánh Hòa, Phú Yên… Và thường sẽ "hỏi đủ thứ", từ cấu tạo máy, lắp ráp, cài đặt; điều chỉnh các thông số như FIO2 (phân lượng oxy hít vào), thể tích khí lưu thông, áp lực đường thở…

Có những nhân viên y tế chưa bao giờ sử dụng máy thở, khi được điều động tham gia hồi sức cho bệnh nhân mắc Covid-19, họ rất sợ. Do đó, ngoài giảng lý thuyết trên mạng, tôi có nói với các bạn, nếu trong quá trình điều trị có gì thắc mắc có thể hỏi bất cứ lúc nào, dù ngày hay đêm".

Song song với dạy học online, bác sĩ Tuấn còn dịch các bài y văn về thở máy đối với bệnh nhân Covid-19. Bất cứ bài nghiên cứu hay tổng quan "nóng hổi" nào, ông đều dịch ra tiếng Việt và đưa lên trang Facebook cá nhân để học trò, đồng nghiệp cùng học hỏi.

Trong 2 năm qua, bác sĩ Tuấn đã dịch được khoảng gần 300 bài nghiên cứu. Bên cạnh đó, ông còn mở phòng chat Covid-19 để các bác sĩ có thể trao đổi kiến thức và các ca bệnh lâm sàng.