Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, người dân nên tránh sa đà vào ‘ma trận’ mua thuốc chữa hậu Covid-19. |
Người dân không còn sợ Covid-19 nữa, chuyển sang sợ hậu Covid-19. Bác sĩ nghĩ gì về vấn đề này?
Thực ra, mọi người không nên quá hoang mang về các triệu chứng Covid-19 kéo dài và hậu Covid-19. Trừ khi các triệu chứng gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày của mình như mệt mỏi, ho khan, hụt hơi, mất ngủ kéo dài… chứ không nhất thiết ai mắc Covid-19 cũng phải đi khám.
Tuy nhiên, thực tế tôi thấy người dân đang lo lắng thái quá về vấn đề hậu Covid-19. Chính sự lo lắng thái quá này lại gây ra tình trạng ngủ kém, ăn kém… làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Với những trường hợp đó, cần điều chỉnh việc sinh hoạt, tăng cường tập thể dục, vận động nhẹ nhàng, tránh việc lo lắng quá sẽ sinh ra stress, thậm chí rối loạn trầm cảm nhẹ, rối loạn lo âu quá mức. Người dân nên cảnh giác với những lời “tung hỏa mù” trên mạng xã hội liên quan đến hậu Covid-19.
Trên thực tế, nhiều người mắc Covid-19 khỏi bệnh rất lo lắng, muốn đi khám hậu Covid-19. Đối tượng nào thì nên đi khám hậu Covid-19?
Nếu người bệnh có những triệu chứng ảnh hưởng rõ rệt đến cuộc sống, sinh hoạt, làm việc thường ngày thì nên đi khám. Thứ hai, những đối tượng bị Covid-19 phải nằm viện, có bệnh nền hoặc trên 65 tuổi, những người hệ miễn dịch kém, sau khi khỏi bệnh cũng nên đi khám sớm.
Nếu không nằm trong những trường hợp đó (không nằm viện, không có bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không có triệu chứng mệt mỏi, không khó thở) thì không cần đi khám ngay. Hiện tại các nội dung về khám hậu Covid-19 vẫn chưa rõ ràng, nếu không có triệu chứng mà đi khám thì cũng bối rối không biết nên khám cái gì.
Ông có thể gợi ý xem nếu đi khám thì cần khám những gì để người dân đỡ hoang mang được không?
Theo tôi, thường sẽ khám về hô hấp (khó thở, ho khan, khàn tiếng…); khám tim mạch (nhịp tim nhanh, trống ngực, hụt hơi…); khám về các vấn đề thần kinh (rối loạn thần kinh thực vật, sương mù não, thiếu máu não, lo lắng, bồn chồn…); khám các vấn đề về tiêu hóa (ăn không ngon, mất vị giác, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn tiêu hóa…).
Ngoài ra, có thể kiểm tra công thức máu, xét nghiệm chức năng gan và chức năng thận. Còn hai nhóm xét nghiệm nữa cũng quan trọng, đó là đánh giá tình trạng rối loạn đông máu và tình trạng viêm do rối loạn miễn dịch.
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế tư nhân đang lợi dụng sự lo lắng của người dân, đưa ra những gói khám hậu Covid-19, những loại thuốc đắt tiền không thực sự cần thiết, hiệu quả cũng không rõ ràng.
Trong thời gian tới, tôi nghĩ các cơ quan quản lý y tế sẽ đưa ra các tiêu chí rõ ràng, các nội dung cụ thể dành cho bệnh nhân khám sau Covid-19. Hiện tại thực tế là khá mông lung, người dân không biết khi nào nên đi khám, khám thì khám cái gì, thậm chí bội thực khi đọc các tin tức tràn lan trên mạng xã hội.
Bác sĩ có lời khuyên gì để người dân không bị sa đà vào ma trận mua thuốc chữa hậu Covid-19?
Hiện tại, nhiều người hay nghe những lời “tung hỏa mù” trên mạng xã hội, lo sợ hậu Covid-19 nên mua và uống các loại thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc bổ phổi, bổ gan một cách không cần thiết.
Nếu mình dùng nhiều loại thuốc quá lại thành phản tác dụng. Cơ thể không thể nào tiếp nhận được quá nhiều loại thuốc bổ, mà đôi khi thành phần còn giống nhau. Do đó, mọi người nên bình tĩnh, nếu chưa có dấu hiệu, chưa có triệu chứng gì ảnh hưởng lớn đến ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày thì cứ bình tĩnh, đừng để bị lợi dụng, kẻo “tiền mất tật mang”.
Trước mắt, cần thực hiện các biện pháp đơn giản. Thứ nhất, vận động nhẹ nhàng hoặc tập những môn thể thao nào phù hợp với sức khỏe. Nên tập nhẹ, trong khoảng thời gian ngắn, tập làm nhiều lần.
Thứ hai, phải ăn làm sao để đầy đủ, đa dạng các món, dễ tiêu hóa, nếu có thời gian thì nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa để cơ thể dễ hấp thu.
Đặc biệt, phải đảm bảo tinh thần tốt, hạn chế suy nghĩ linh tinh, làm những việc mình yêu thích, thoải mái thì đỡ stress và giúp có giấc ngủ ngon.
Ngoài ra, người bệnh có thể tìm hướng dẫn các bài tập thở trên báo chính thống, thông tin của Bộ Y tế, Sở Y tế để tăng cường chức năng hô hấp, thải trừ các chất độc trong đường hô hấp ra ngoài.
Làm được như vậy thì tôi tin rằng, sức khỏe sex sớm hồi phục. Nếu có vấn đề gì ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt bình thường thì mới phải đi khám, nếu không thì sau khoảng 6-8 tuần thì mình đi khám cũng chưa muộn.
Tóm lại, thay vì sợ hậu Covid-19, tôi nghĩ người dân cần bình tĩnh và xử trí hiệu quả để tránh tiền mất, tật mang.
Có cần lo lắng với Hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19 ở trẻ em hay không thưa bác sĩ?
Hiện tại, các bậc cha mẹ rất lo về chuyện trẻ con bị Covid-19 sau này sẽ bị hội chứng viêm đa hệ thống. Theo tôi, không nên quá lo lắng. Ở các nuóc có nền y tế phát triển, người ta thống kê và nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy tỉ lệ này thấp, không nên quá sợ hãi.
Còn ở Việt Nam, dù chưa có con số chính xác cụ thể là bao nhiêu, tuy nhiên những trường hợp như thế cũng đã được điều trị bài bản. Đôi khi truyền thông lại nhấn mạnh, đưa tin đậm nét về những trường hợp đó, cũng làm cho cha mẹ hoang mang một cách quá đà.
Các bậc cha mẹ cứ yên tâm, nếu trẻ mắc hội chứng đó thì sẽ phát hiện được ngay chứ không đến mức diễn biến một cách âm thầm, từ từ mà mình không biết.
Đặc điểm quan trọng nhất của các bé bị hội chứng viêm lan tỏa, đó là bé sẽ bị sốt rất cao, sốt liên tục 24 giờ mà không có cách gì hạ được. Ngoài việc sốt cao liên tục, các bạn nhỏ còn bị các triệu chứng về da niêm mạc, bị da đỏ, lưỡi đỏ…
Tóm lại, ngoài sốt cao liên tục thì các triệu chứng về mặt da liễu rất rõ, sẽ phát hiện được ngay. Các phụ huynh cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng, cứ cho trẻ ăn tốt, ngủ tốt sẽ ổn.
Cảm ơn bác sĩ!
| Giáo dục giới tính cho trẻ, chuyện không bao giờ cũ! Cho trẻ môi trường sinh hoạt lành mạnh, trò chuyện với trẻ một cách chân thành như những người bạn về vấn đề giới tính, ... |
| Chuyên gia tâm lý: 'Điện thoại là công cụ, trút giận vào nó chỉ thể hiện sự bất lực của người lớn' Trên mạng xã hội cũng có rất nhiều cạm bẫy. Mà cạm bẫy thì mình sẽ học kỹ năng để tránh nó, chứ điện thoại ... |