Bức ảnh Bác Hồ gửi tặng cộng đồng người Việt tại Pháp, năm 1969. |
Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, TG&VN trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Khánh Anh, ghi lại những ký ức đầy xúc động của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, một nhân sĩ trí thức Việt Nam yêu nước tại Pháp, về lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất ông vinh dự được gặp Người.
Khi tác giả đang thực hiện bài viết này thì nhận được tin bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà đã từ trần hồi 22g ngày 15/5/2020 tại TP. Hồ Chí Minh, Thượng thọ 90 tuổi. Xin chia buồn cùng tang quyến!
Nguyễn Ngọc Hà (sinh năm 1931), được kết nạp Đảng năm 17 tuổi. Năm 1948, cậu thanh niên Nguyễn Ngọc Hà là một trong 3 người trực tiếp chuẩn bị tổ chức Đại hội thành lập Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp năm 1949, một tổ chức ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân trong nước và gia nhập Tổng hội Sinh viên Quốc tế chống đế quốc.
Trong thời gian sống và làm việc tại Paris, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà đã cùng các đồng chí lập Hội người Việt Nam vì hòa bình, độc lập và hữu nghị ở Pháp. Từ 1967, Nguyễn Ngọc Hà đảm trách nhiệm vụ Tổng Thư ký Liên hiệp Việt Kiều ở Pháp, đồng thời có thời gian là Bí thư Nhóm Việt ngữ gồm những Đảng viên nói tiếng Việt trong Đảng Cộng sản Pháp. Những năm từ 1968-1973, ông dành toàn bộ thời gian và trí tuệ góp phần phục vụ hai phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.
Những ký ức xúc động
Cuối năm 1968, ta có chủ trương đưa đoàn văn nghệ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp biểu diễn phục vụ cộng đồng kiều bào, đồng thời phục vụ hoạt động đối ngoại. Nguyễn Ngọc Hà được cử về nước trao đổi rõ mục đích, và lựa chọn tiết mục phù hợp để biểu diễn ở Pháp. Trước lúc lên đường, đồng chí Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy mời ông đến trao đổi. Tại cuộc gặp mặt, ông thẳng thắn bày tỏ, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bản thân chỉ có duy nhất một nguyện vọng đó là mong ước được gặp Bác Hồ kính yêu, vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc đồng thời là người sáng lập và tổ chức Hội người Việt Nam Pháp.
Mong muốn của ông cũng là mong muốn của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Biết rõ đây là một việc rất khó song ông vẫn cứ hy vọng và điều kỳ diệu ấy đã xuất hiện.
Đến Hà Nội, sau khi hoàn tất những nhiệm vụ, Nguyễn Ngọc Hà nhận được đề nghị chuẩn bị đi công tác. Ông linh cảm mình sắp được gặp Bác. Xe đưa ông đến một khu vực cây nhiều như rừng trong thành phố. Bước xuống, ông nhận ra đó chính là nơi ở của Bác trong trong Phủ Chủ tịch. Xa xa, có người đang đi đến, ông nhận ra đó chính là Bác. Nguyễn Ngọc Hà cho biết đó là những giờ phút sung sướng hạnh phúc nhất của mình. Hơn một giờ làm việc với Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trở thành một phần trong tâm thức của ông.
Năm 2012, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác, Nguyễn Ngọc Hà đã nói những lời gan ruột.
Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất tôi được gặp Bác Hồ
Nguyễn Ngọc Hà nói: Mong ước được gặp Bác không chỉ là nguyện vọng của tôi mà là của tất cả mọi người nhất là kiều bào ta ở Pháp. Tôi đã rất may mắn và hạnh phúc khi được đến thăm và làm việc với Bác ngay tại Thủ đô Hà Nội. Bác không đi sơ tán cho dù có chiến tranh.
Sáng ngày 20/01/1969, với tôi đó là một buổi sáng đặc biệt, tôi đã được gặp và làm việc cùng một lúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đây cũng là buổi tiếp xúc làm việc đầu tiên và duy nhất trong đời tôi với Người. Cảm xúc khác lạ lắm. Không bao giờ quên”.
Ghi lại giây phút gặp Bác, ông viết: “Hình ảnh Ông Cụ quá quen thuộc. Tôi nhận ngay ra đó chính là Bác. Bỏ lại người dẫn đường, tôi chạy vội đến ôm tay Bác, nước mắt cứ thế trào ra. Bác khẽ mỉm cười với tôi rồi hỏi: “Cháu ở Nam Bộ à?”. Tôi cố kìm mình mới thốt ra được câu: "Thưa Bác, dạ phải".
Hơn một tiếng Bác và Thủ tướng nghe tôi báo cáo công tác của Hội, về mục đích của chuyến đi và đọc thư của kiều bào Pháp gửi đến Bác. Bác hỏi thêm về đời sống, những hoạt động của bà con ta, hỏi về bạn bè và những người quen của Bác ở Pháp. Đặc biệt, Bác hỏi và nghe một cách chăm chú việc vận động thành lập Hội liên hiệp Việt kiều.
Bác cười và nói với tôi: Chú xa Tổ quốc đã lâu mà giọng nói vẫn thuần lắm. Tôi sung sướng vì được Bác khen và tự nhắc mình: “Phải trấn tĩnh, nén xúc động để nhìn Bác thật kỹ. Cách ứng xử ấm cúng, thân mật của Bác và Thủ tướng khi đó đã tiếp sức để tôi bình tĩnh báo cáo đầy đủ với Bác. Và Bác cũng chăm chú lắng nghe”. Với tôi, những gì đã có hôm đó là đầu tiên, là duy nhất và không bao giờ quên.
Bộ trưởng Xuân Thủy (người ngồi, thứ 3 từ trái sang) và một số thành viên Nhóm Việt ngữ tại Paris, Pháp. Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà (người ngồi, thứ nhất từ phải sang) |
Tôi vẫn còn nợ Bác một câu trả lời. Đối với tôi, đây là một điều vô cùng tiếc nuối
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà nhớ lại, khi cùng Thủ tướng bước ra đón ông, trên tay Bác đã có sẵn một tờ báo nhưng rồi ông cũng không để ý. Và thật bất ngờ “Khi đang nói chuyện, bỗng nhiên, tôi thấy Bác rút ra một tập bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, Người giở trang đã đánh dấu bút chì xanh đỏ dưới dòng tin và hỏi: “Cháu có biết ai đã treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Notre Dame de Paris không?”.
Tôi thú thật là tôi đã rời Paris từ hơn 10 ngày trước nên không biết sự kiện này. Bác lại hỏi liệu có phải là các bạn Đảng Cộng sản Pháp đã làm không? Tôi nghĩ và trả lời: Theo cháu có lẽ là những người bạn của Việt Nam theo phái tả. Bác không hỏi nữa những như vẫn còn vẻ băn khoăn.
Câu chuyện qua nhanh. Nhưng tôi không bao giờ quên rằng tôi đã nợ Bác một câu trả lời. Có lúc tôi tự hỏi và trách mình: “Tại sao khi về đến Pháp, khi đã rõ câu chuyện lá cờ xuất hiện trên đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, chỉ một đêm trước ngày Nixon nhậm chức Tổng thống Mỹ và 6 ngày trước khi bắt đầu hội nghị bốn bên họp tại Paris, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - chủ nhân của lá cờ nửa đỏ, nửa xanh có sao vàng ở giữa - chính là một trong các bên tham gia. Lá cờ được bí mật treo lên trong đêm và tung bay trên ngọn tháp sau nhà thờ Đức Bà. Sau nhiều giờ không thể trèo lên đỉnh tháp, cảnh binh đã phải điều động máy bay trực thăng để tháo dỡ lá cờ.
Mấy ngày liền, báo chí và truyền hình Pháp đồng loạt đưa tin. Thời điểm đó chưa ai đoán được “tác giả” của việc làm này song trong nội bộ Hội anh em có thông tin người kéo cờ Mặt trận lên nóc nhọn nhà thờ Notre Dame đêm đó là một chuyên gia leo núi người Thụy Sỹ. Họ còn nói, sau khi bí mật treo cờ, trước lúc rời hiện trường, anh ta cưa thang để không ai có thể leo lên lại như anh đã làm. Nhiều năm sau, tôi vẫn tự trách sao lúc đó mình không báo về Hà Nội những tin tức liên quan đến câu hỏi và những vấn đề mà Bác rất quan tâm .
Ngẫm lại, tôi thấy sức làm việc của Bác thật phi thường và bộ máy thông tin của ta lúc đó cũng thật kịp thời. Phải chăng, đó là một phần của sức mạnh Việt Nam, niềm tin Việt Nam trong những ngày kháng chiến.
Kiều bào nhớ mãi những món quà quý giá Bác đã dành cho những người con phải sống xa quê hương
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà kể: Trước đó, tôi được biết bác sĩ quy định một buổi làm việc của Bác Hồ tối đa chỉ được 40 phút, thế nhưng buổi làm việc với tôi đã dài hơn bình thường rất nhiều. Sợ Bác mệt, tôi mạnh dạn trình bày nguyện vọng của bà con với Bác. Tôi nói, “kiều bào muốn được Bác tặng cho cộng đồng một bức ảnh, chúng cháu sẽ để bà con xem chung và ai cũng như thấy mình được gặp Bác”. Nghe vậy, Bác như lặng đi rồi tỏ sự đồng ý, anh Vũ Kỳ rất hiểu chuyện đưa ra một tấm ảnh màu của Bác. Nhìn tấm ảnh trên tay Bác, tôi muốn trào nước mắt nhưng vẫn nhớ lời bà con dặn xin chữ ký của Bác. Nghe tôi nói, Bác vui vẻ đồng ý. Bất ngờ Bác chỉ vào một bên ảnh rồi nói: Cháu muốn điều gì thì ghi vào đây rồi Bác ký. Tôi viết dòng chữ “Thân ái gửi lời thăm kiều bào tại Pháp - Hà Nội, 20/1/69”. Bác cầm ảnh rồi ký ngay dưới dòng chữ tôi viết. Như đã hứa với Bác tôi đưa bức ảnh về, anh em lồng khung kính rồi treo trang trọng trong trụ sở Hội tại 16 rue du Petit Musc, 75004, Paris. Ai ra vào đều nhìn thấy bức ảnh Bác trước lọ hoa hồng nhỏ với nụ cười hiền.
Lời kể của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà giúp người viết bài này lý giải điều băn khoăn của mình khi sưu tầm bức ảnh từ Paris năm 2004 để đưa về Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Chúng tôi xác định được chữ ký nhưng dòng chữ viết lời đề tựa phía trên chữ ký của Bác thì chưa biết của ai? Lời kể và nhật ký làm việc của Bác do chú Vũ Kỳ ghi rất khớp, có 4 người thôi. Không phải chữ Bác Tô, không phải chữ chú Vũ Kỳ? Đi hỏi những đồng nghiệp có kinh nghiệm cũng chẳng ai biết. Bỗng dưng lý giải chuẩn xác có ngay trong lời kể của bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà. Thật may mắn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà kể: Tôi nhớ hôm đó trước lúc chia tay, Bác còn gửi tặng cộng đồng kiều bào những cuốn sách mới in về tấm gương Người tốt việc tốt với những tên sách như Việc nhỏ nghĩa lớn, Dũng cảm đảm đang, Vì nước vì dân… Những cuốn sách nhỏ nhưng là sự quan tâm lớn của Bác, Bác mong những tấm gương người tốt việc tốt những việc làm có thật này cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước lợi nhà… Những cuốn sách đó tôi nói anh em đánh số theo quy cách tủ sách của Hội để sử dụng chung.
Ngày hôm sau, một bất ngờ lại dến với tôi khi một đồng chí của văn phòng Bác đến khách sạn chuyển cho tôi bức thư Bác muốn gửi cho kiều bào, Bác nhờ tôi xem trước khi ký. Ngạc nhiên và xúc động, tôi không ngờ Bác lại quan tâm và chu đáo đến như vậy. Cách làm này tôi chưa thấy bao giờ, nhất là khi Bác là Lãnh tụ của dân tộc, Nguyên thủ của quốc gia. Tôi nhận và xem rồi chuyển lại cho Văn phòng đúng hẹn để trình Bác ký.
Một tuần trước khi về lại Paris, tôi nhận được lá thư Bác viết gửi kiều bào nhân tết cổ truyền. Trong buổi lễ có tới 4.000 người tham dự mừng Xuân Kỷ Dậu 1969 của cộng đồng kiều bào ta, anh Lê Văn Phu, một thành viên của Ban lãnh đạo Hội Việt kiều tại Pháp đã trân trọng đọc lá thư của Bác gửi, trong đó có đoạn “Mong các cụ và anh chị em cố gắng hơn nữa, luôn luôn đoàn kết chặt chẽ và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của nhân dân Pháp anh em…Tôi cũng mong anh chị em trí thức, sinh viên và công nhân gắng sức học tập, nắm vững khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới để sau này về nước góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ta mau chóng trở thành một nước giàu mạnh".
Cùng bức thư, tấm ảnh Bác tặng cũng được giơ cao để mọi người cùng thấy, bà con ta ai cũng thấy xúc động khi nhìn lá thư và chữ ký "Bác Hồ" trên bức ảnh của Người.
Tháng 6/1969, sau thành công của Đại hội thành lập Hội Liên hiệp Việt kiều ở Pháp, cộng đồng kiều bào ta vui mừng được nhận lá thư của Bác gửi từ Hà Nội sang Paris với những tình cảm đặc biệt, Người tin tưởng: “Từ trước tới nay, kiều bào ta ở Pháp cũng như ở các nước khác tuy xa quê hương vẫn luôn luôn nhớ về Tổ quốc thân yêu và cố gắng góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước”.
"Tôi may mắn được đại diện cho cộng đồng kiều bào ở Pháp gặp Bác, được trọn đời học tập tấm gương của Bác phục vụ đất nước, nhân dân với mục tiêu mà Bác đã chỉ ra trong Di chúc: Đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Thế là tôi thấy mãn nguyện". Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ.