Luật Thủ đô (sửa đổi): Thể hiện đường lối, tầm nhìn dài hạn, mở ra giai đoạn phát triển mới cho Hà Nội. (Phi Khanh) |
"Đòn bẩy" thúc đẩy Thủ đô cất cánh
Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa 15 đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương với 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật Thủ đô (sửa đổi) đã gỡ bỏ nhiều rào cản hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Thủ đô phát triển theo đúng kỳ vọng mà Đảng và Chính phủ đề ra.
Luật Thủ đô (sửa đổi) với những chính sách mới được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy Thủ đô ngày càng phát triển. Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng trong bối cảnh thuận lợi, với sự kết hợp của những nguồn lực quan trọng. Đó là, Nghị quyết số 15/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Những yếu tố này không chỉ khơi thông các rào cản pháp lý mà còn tạo điều kiện nhân lực và tài lực cho sự phát triển của Thủ đô.
Một trong những điểm được đánh giá cao của Luật Thủ đô (sửa đổi) là cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền, tự chủ và trách nhiệm trong quá trình triển khai luật vào đời sống. Với sự phân cấp, ủy quyền cho HĐND, UBND TP. Hà Nội và các cấp như quy định tại khoản 5, Điều 9; Điều 14 sẽ trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan tới những điều kiện đặc thù của Thủ đô.
"Những chính sách và cơ chế mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ giúp cải thiện môi trường đầu tư mà còn tạo động lực lớn cho sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới. Khi đó, Hà Nội mới có thể phát triển bền vững, hiện đại và xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước". |
Hà Nội đang đô thị hóa, mở rộng sang các vùng ven, thành lập những quận mới thì việc xây dựng hạ tầng là đòi hỏi rất cấp thiết, trong đó theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng hàng chục cây cầu bắc qua sông. Với quy mô như vậy, thẩm quyền thuộc về Chính phủ, nhưng khi có Luật Thủ đô (sửa đổi), có cơ chế đặc thù thì Hà Nội có thể chủ động quyết định được chủ trương đầu tư, các vấn đề liên quan đến vốn, thi công...
Theo các chuyên gia, việc phân cấp, ủy quyền sẽ giúp chính quyền Thủ đô có thể chủ động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quá trình triển khai các dự án một cách hiệu quả.
Ngày 1/11, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật TP. Hà Nội cho biết, đã hoàn tất tài liệu tuyên truyền về Luật Thủ đô số 39/2024/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025) thay thế Luật Thủ đô số 25/2012/QH13.
Ông Cao Văn Long, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá, Luật Thủ đô năm 2024 có tầm nhìn đột phá lớn, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội. Đồng thời, khi Luật được thi hành sẽ huy động được mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
"Luật Thủ đô (sửa đổi) được xem là đòn bẩy để giúp Hà Nội ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực", ông Cao Văn Long nhấn mạnh.
Luật Thủ đô (sửa đổi) có tầm nhìn đột phá lớn, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù. (Ảnh: Trần Dương) |
Mở ra giai đoạn phát triển mới
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có kế thừa tinh hoa của Luật Thủ đô trước đây, cập nhật, bổ sung, tăng cường thêm phân cấp phân quyền cho lãnh đạo, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là nơi giữ hồn thiêng núi sông của dân tộc Việt Nam. Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện cho mảnh đất này vừa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ gìn những nét đẹp, hồn thiêng của đất nước, vừa mở rộng không gian phát triển. Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo điều kiện cho Thủ đô đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để Thủ đô phát triển không gian ra vùng Thủ đô, từ khu vực trung tâm có điều kiện phát triển thêm 4-5 khu vực đô thị vệ tinh. Cùng với phát triển, Thủ đô vẫn giữ được nét đẹp cảnh quan, thu hút du khách quốc tế.
"Luật Thủ đô năm 2024 có tầm nhìn đột phá lớn, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'; tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước". |
Quan trọng hơn, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đẩy mạnh phân cấp trong quản lý đô thị, để đảm bảo được an ninh, an toàn của quốc gia, vì Hà Nội là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, thường xuyên đón tiếp chính khách, du khách quốc tế.
Theo các chuyên gia, Luật Thủ đô (sửa đổi) cộng với hai đồ án quy hoạch chiến lược của Thủ đô sắp được ban hành, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây thực sự là “kim chỉ nam” để TP. Hà Nội hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, mở ra giai đoạn phát triển mới.
Thể hiện tầm nhìn dài hạn
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nguồn lực của Thủ đô hiện rất lớn nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế Thủ đô hiện nay. Sức hút đầu tư vào Thủ đô đến từ cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Hà Nội đã xác định rõ những lĩnh vực và đối tượng đầu tư chiến lược, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư tư nhân trong nước. Những ngành kinh tế mang tính tiên phong này không chỉ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của Thủ đô mà còn thúc đẩy tăng trưởng cho cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành Chương IV quy định về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, tạo ra một cơ chế cơ sở hạ tầng mềm với nhiều ưu đãi có thời hạn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư như miễn tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ lãi suất... Điều này sẽ góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia các dự án, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh hơn.
Những chính sách và cơ chế mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ giúp cải thiện môi trường đầu tư mà còn tạo động lực lớn cho sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới. Khi đó, Hà Nội mới có thể phát triển bền vững, hiện đại và xứng tầm với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa thể hiện được đường lối, tầm nhìn dài hạn của Đảng và Chính phủ, vừa khẳng định những giá trị cốt lõi của ý Đảng, lòng dân, sự quyết liệt trong hành động của chính quyền.
"Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là những nền tảng pháp lý, cơ sở quan trọng tạo ra thế và lực cho Hà Nội trong giai đoạn phát triển mới". |
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều là bước thay đổi rất lớn so với Luật Thủ đô năm 2012. Các chính sách được đề xuất đã cơ bản bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị, thể hiện được tính đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng, cơ sở cho Thủ đô phát triển.
"Luật có nhiều chính sách vượt trội, đặc thù liên quan đến nhiều lĩnh vực mang tính bao quát. Tuy nhiên, để những chính sách này có thể đưa vào thực tế và thực thi hiệu quả, chúng ta cần con người có năng lực, nhiệt huyết. Do đó, chúng tôi rất quan tâm quy định về hoàn thiện bộ máy chính quyền đô thị tại Hà Nội. Đây cũng là một nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012", bà Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Theo bà Thủy, các quy định trong dự luật khá thông thoáng, giao quyền tương đối rộng cho chính quyền thành phố. Cùng với đó, các giải pháp liên quan đến công tác quy hoạch, chỉnh trang, tái thiết đô thị cũng được quan tâm. Cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Quốc hội cho ý kiến, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là những nền tảng pháp lý, cơ sở quan trọng tạo ra thế và lực cho Hà Nội trong giai đoạn phát triển mới.