Dù Trung Quốc và Mỹ đã có những bước tiến trong hợp tác khí hậu nhưng con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai. (Nguồn: Gulf News) |
Mối quan tâm chung
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp hồi giữa tháng 4 giữa Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa cho thấy hai chính phủ có thể đang cố gắng tận dụng sự hợp tác về chính sách khí hậu để ngăn mối quan hệ của họ trở nên ngày càng căng thẳng.
Nhưng con đường phía trước “rải đầy mìn địa chính trị”.
Không khó hiểu tại sao Mỹ và Trung Quốc lại hành xử có trách nhiệm vào thời điểm hiện tại. Cả hai nước đều coi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa hiện hữu và có lợi ích hợp tác mạnh mẽ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều hiểu rằng thái độ ngoan cố hoặc hành vi cản trở, trì hoãn tiến trình giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ khiến họ phải trả giá đắt về mặt dư luận quốc tế.
Trong Chiến tranh Lạnh, cuộc đấu tranh ý thức hệ đã chia cắt thế giới và gắn kết các liên minh. Nhưng trong thập kỷ tới, chỉ riêng ý thức hệ cũng khó có thể thu phục được nhiều bạn bè của Mỹ và Trung Quốc.
Trên thực tế, Trung Quốc không còn theo đuổi ý thức hệ thực sự nào nữa, trong khi sự phân cực chính trị và chủ nghĩa Trump đã làm lu mờ hào quang của nước Mỹ.
Thay vào đó, khi biến đổi khí hậu đe dọa sự tồn vong của nhân loại, năng lực lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ định hình các liên minh quốc tế.
Những "hòn đá tảng"
Biến các cam kết khoa trương về khí hậu thành hành động sẽ khiến cả hai quốc gia này gặp nhiều thử thách trong những năm tới.
Chẳng hạn, ngay sau Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu gần đây giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với các nhà lãnh đạo thế giới, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ám chỉ rằng sự hợp tác Trung-Mỹ (trong vấn đề khí hậu) sẽ phụ thuộc vào việc liệu Washington có “can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh” hay không.
Trong khi Trung Quốc coi Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong và quan trọng nhất là Đài Loan là “công việc nội bộ”, ông Kerry lại tuyên bố rõ rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ những vấn đề này để đổi lấy hợp tác với Trung Quốc về chống biến đổi khí hậu.
Nếu Bắc Kinh hoặc Washington không xuống thang lập trường của mình, căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tiếp tục leo thang đối với những vấn đề “nóng” này và có thể gây nguy hiểm cho các nỗ lực hợp tác song phương về vấn đề biến đổi khí hậu.
Bên cạnh khó khăn trong việc tách các xung đột song phương khỏi các lĩnh vực hợp tác tiềm năng, hiện vẫn chưa rõ Mỹ và Trung Quốc có thể cung cấp những gì và hợp tác về khí hậu ở mức độ nào.
Tuyên bố chung ngắn gọn Mỹ-Trung chỉ nêu một số chi tiết cụ thể và với lý do chính đáng. Do thiếu lòng tin nên không quốc gia nào sẵn sàng đưa ra các cam kết ràng buộc.
Hợp tác song phương về biến đổi khí hậu sẽ có nhiều biến động. Sự bất ổn bắt nguồn từ xung đột tổng thể của quan hệ Mỹ-Trung, với căng thẳng gia tăng chắc chắn gây thiệt hại cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Sự ngờ vực và thù địch lẫn nhau cũng sẽ ngăn cản hai bên có những bước tiến lớn và khiến họ xúc tiến các cuộc mặc cả khó khăn. Chỉ những biện pháp ít ảnh hưởng hơn mới có thể thử nghiệm lòng tin và tạo đủ thiện chí để duy trì sự hợp tác.
Cần sự kiềm chế của đôi bên
Do thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác tốt hơn bằng cách kiềm chế các hành động nhất định, thay vì tích cực cố gắng đạt được mọi thứ.
Điều cấp thiết đầu tiên là tránh liên kết vấn đề hợp tác khí hậu với các khía cạnh xung đột nhất của mối quan hệ song phương, chẳng hạn như nhân quyền, thương mại và an ninh.
Việc thực hiện các biện pháp kiềm chế như vậy sẽ đòi hỏi từ Trung Quốc nhiều hơn là Mỹ, vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng tin rằng vấn đề khí hậu mang lại cho họ đòn bẩy quan trọng đối với các chính sách của Tổng thống Biden trong các lĩnh vực khác.
Tâm lý chống Trung Quốc mạnh mẽ trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ đang khiến ông Biden không có nhiều cơ hội, và sự thiếu kiên định của Bắc Kinh có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Việc kiềm chế mong muốn “ghi điểm” bằng cách công kích lập trường của nhau trong các cuộc đàm phán đa phương về khí hậu sắp tới cũng sẽ giúp Mỹ và Trung Quốc hợp tác hiệu quả.
Đối với các vấn đề cụ thể như mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp tài chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở các nền kinh tế đang phát triển, mỗi quốc gia cần đưa ra những phản biện trên cơ sở khoa học, kinh tế và đạo đức đúng đắn.
Quan trọng hơn, cùng với việc chỉ trích, hai bên nên đưa ra những lựa chọn thay thế mà bên thứ ba cho là hợp lý, thực tế và mang lại lợi ích.
Có lẽ không thực tế khi nói về sự hợp tác tích cực Mỹ-Trung trong lĩnh vực năng lượng sạch khi mà hai nước đang tiến hành một cuộc chiến tranh công nghệ.
Tuy nhiên, mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí trong tuyên bố chung gần đây rằng chỉ thảo luận chứ không cam kết hợp tác về công nghệ xanh, họ vẫn có thể tìm ra cách để tách những đổi mới đó khỏi cuộc cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn giữa hai bên.
Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc nên tìm cách giảm thiểu thiệt hại khi cân nhắc các chính sách có vẻ cần thiết để duy trì lợi thế cạnh tranh, nhưng có thể cản trở sự phát triển và áp dụng công nghệ xanh.
Thế giới thực sự cần Mỹ và Trung Quốc hợp tác về biến đổi khí hậu, nhưng cũng không nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo tưởng nào. Điều tốt nhất có thể hy vọng là hai siêu cường đủ ý thức trách nhiệm để tránh gây nguy hiểm cho sự tồn vong của nhân loại khi họ tranh giành lợi thế địa chính trị.