Từ bài thơ ông bố gửi con gái không phải học sinh Xuất sắc, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, giáo dục nhằm tạo ra những nhà vô địch cuộc đời. |
Từ bài thơ ông bố gửi con gái không phải là học sinh xuất sắc cho thấy, giáo dục trong thời đại 4.0 dần dần phải trở thành giáo dục cá nhân hóa, dựa trên những đặc điểm thế mạnh độc đáo của cá nhân, không thể giáo dục 'đồng phục' theo những kỳ vọng của các bậc cha mẹ về thành tích học tập.
"Giáo dục nhằm tạo ra những nhà vô địch cuộc đời, không phải vô địch trong cuộc đua marathon điểm số. Phụ huynh cần thay đổi nhận thức để đồng hành cùng thầy cô giáo".
Trên đây là nhận xét của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) về tâm sự của ông bố gửi con gái sau buổi họp phụ huynh đang gây sốt cộng đồng mạng.
Con hạnh phúc nếu bố mẹ không "gán" điểm số
Bài thơ được ông bố ở Hà Nội đăng tải trong "mùa" họp phụ huynh mới đây khiến nhiều người xúc động. Trong thơ, ông bố thể hiện tâm trạng thoải mái dù con gái không đạt điểm số như mong muốn.
Dư luận đặt câu hỏi, trong thời đại bố mẹ phát cuồng vì điểm số, tại sao quan điểm của ông bố này được quan tâm ủng hộ nhiều như vậy? Chúng ta học được gì từ câu chuyện này?
Có nhiều điều mà tôi học được qua câu chuyện này. Thứ nhất, những sự kiện xảy ra với con cái, không quan trọng bằng cách mà bố mẹ/ người lớn diễn giải và gán ý nghĩa cho chúng. Có nghĩa là điểm đạt, điểm giỏi, điểm xuất sắc với con cái chúng ta, chẳng quan trọng.
Các con vẫn vui, vẫn hạnh phúc nếu bố mẹ/ giáo viên/ người lớn không gán những ý nghĩa tốt xấu về nhân cách của đứa trẻ qua điểm số.
Việc gán ý nghĩa tốt/ xấu cho những sự kiện xảy ra với con cái, phản ánh chính những giá trị, mong muốn, thậm chí thể diện của người lớn chứ không tập trung vào hạnh phúc, niềm vui của đứa trẻ.
Những ông bố, bà mẹ không nhận ra điều này, đã vô thức áp kỳ vọng, mong đợi của bản thân vào con.
Nếu những kỳ vọng là không hợp lý, không phù hợp với trẻ, nó có thể là mầm mống của những áp lực học tập, là hạt mầm làm mất động cơ tìm kiếm tri thức của con về sau.
Điểm số không đánh giá toàn diện năng lực
Điều thứ 2 chúng ta có thể học được qua câu chuyện này, hệ thống kiểm tra đánh giá của chúng ta với điểm số sẽ không thể nào đánh giá toàn diện năng lực của người học. Mỗi đứa trẻ là một nhân cách, với những điểm mạnh độc đáo riêng.
Một số nghiên cứu cho thấy, nhiều đứa trẻ tài năng gặp khó khăn học tập và bị dán nhãn như những đứa trẻ phá quấy, chống đối.
Vì đơn giản, các bài học trên lớp không hấp dẫn hoặc thua xa năng lực nhận thức của chúng thì sự thôi thúc sáng tạo khiến những đứa trẻ này khó có thể "tuân thủ đúng luật" và trở thành cá biệt trong lớp.
Thứ 3, một bộ phận phụ huynh đang có quan niệm sai lầm về giáo dục ở bậc học mầm non và tiểu học.
Giáo dục ở những giai đoạn này không phải là trang bị cho trẻ thật nhiều kiến thức. Bộ não của trẻ cần có những "khoảng trống" nào đó để chuẩn bị cho việc học kiến thức trong tương lai.
Nếu chúng ta bằng mọi cách lấp đầy kiến thức ngay từ sớm, sẽ làm cho trẻ bị nhồi nhét kiến thức, bị "tắc nghẽn" kiến thức, từ đó tạo ra sự ức chế, căng thẳng về tâm lý trong cuộc sống.
Mặt khác, trẻ nhỏ có sức chịu đựng và khả năng nhất định, không thể bắt trẻ phải học tất cả kiến thức. Các gia đình cần lựa chọn những bộ môn phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.
Không giáo dục "đồng phục" theo kỳ vọng bố mẹ
Giáo dục ở giai đoạn này nên là giáo dục tố chất, giúp trẻ phát triển tự nhiên, toàn diện thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, các hoạt động vui chơi gắn với cuộc sống của trẻ có định hướng giáo dục.
Giáo dục trong thời đại 4.0 dần dần phải trở thành giáo dục cá nhân hóa, dựa trên những đặc điểm thế mạnh độc đáo của cá nhân, không thể giáo dục "đồng phục" theo những kỳ vọng của các bậc cha mẹ về thành tích học tập.
Và việc đánh giá các con phải làm thế nào để trở thành động lực thúc đẩy các con phát triển chứ không phải là rào cản.
Giáo dục cũng cần tạo ra những nhà vô địch thành đạt trong "cuộc đua maraton" cuộc đời, không phải nhà vô địch trong cuộc đua điểm số.
Giáo dục cần phải giúp con người trở nên tự do và hạnh phúc hơn và các bậc phụ huynh cần thay đổi nhận thức để đồng hành cùng thầy cô giáo.