Giải quyết vấn đề an ninh lương thực đang ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm. (Nguồn: foodnavigator) |
Trang mạng của Câu lạc bộ chính trị Valdai số ra mới đây có bài viết cho biết, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu không nên tách rời với chiến lược an ninh lương thực toàn cầu. Nếu không, sản xuất lương thực thế giới, trước hết là ở các nước đang phát triển, sẽ trở thành “con tin” của cuộc chiến biến đổi khí hậu.
Thách thức hiện hữu
Biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức cấp bách. Tháng 8/2021, báo cáo của Nhóm chuyên gia Liên chính phủ về biến đổi khí hậu ghi nhận mức tăng nhiệt độ Trái ít nhất là 20 C.
Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) tại Glasgow vào tháng 11/2021 khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Nhưng không phải kỳ vọng nào cũng sẽ được đáp ứng.
Lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu ngày càng trở nên thiếu bền vững do biến đổi khí hậu và hạn chế về tài nguyên đất và nước.
Trong số những thách thức cấp bách nhất là xu hướng sa mạc hóa và hạn hán, có thể gây ra nạn đói trên diện rộng và mất an ninh lương thực ở toàn bộ các quốc gia. Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng các dòng người di cư và khả năng xảy ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Mực nước biển dâng cao có thể dẫn đến lũ lụt hoặc làm biến mất các vùng đất thấp ven biển được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này cũng sẽ làm cho mối đe dọa về nạn đói, mất an ninh lương thực và dòng người di cư gia tăng.
Trong các cuộc thảo luận mang tính chính trị hoá về hậu quả của biến đổi khí hậu đối với các vùng ôn đới của Trái đất, vẫn có những dự báo lạc quan. Người ta cho rằng sau khi ấm lên, những vùng này sẽ có khí hậu ấm áp và ôn hòa.
Đáp trả các lập luận này là những cảnh báo về sự tan băng của lớp băng vĩnh cửu và sự xuất hiện của các đợt mưa bất thường.
Rủi ro an ninh lương thực
Tại Hội nghị Glasgow, các quyết định về nhiều vấn đề cấp bách được đưa ra. Một trong số đó liên quan đến sáng kiến giảm phát thải khí metan.
Với sự gia tăng dự kiến của dòng khí metan trong bầu khí quyển do sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu (và khí metan góp phần vào sự nóng lên toàn cầu nhiều hơn so với khí carbon dioxide) thì việc quan tâm đến giảm lượng khí thải do con người gây ra ngày càng được chú ý. Tuy nhiên, chương trình đầy tham vọng này khiến an ninh lương thực lại gặp rủi ro.
Chăn nuôi làm sản sinh một lượng khí metan đáng kể được thải vào khí quyển. Điều này là nguyên nhân khiến một số quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc tiêu thụ thịt và sữa bò, tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và rượu.
Ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi từ bỏ tiêu dùng các sản phẩm thịt và giảm sản xuất chăn nuôi. Nhưng nếu ở các nước phát triển, lời kêu gọi về môi trường này có thể được lắng nghe, thì đối với các nước nghèo nhất thế giới, việc giảm sản lượng chăn nuôi sẽ dẫn đến nguy cơ nạn đói gia tăng. Hệ quả của việc này là sự gia tăng của các vấn đề xã hội và di cư.
Một sáng kiến khác đã nhận được sự ủng hộ ở Glasgow là giảm thiểu và trong tương lai gần là chấm dứt nạn phá rừng. Tuy nhiên, có thể thấy sự khác biệt lợi ích giữa các quốc gia giàu và nghèo.
Ở các nước đang phát triển, ngoài việc khai thác gỗ thương mại, rừng còn được chủ động chặt để làm nhiên liệu cho nhu cầu của người dân và nhằm mở rộng sản xuất nông nghiệp, để lấy đất canh tác. Do đó, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cuộc chiến vì an ninh lương thực toàn cầu có thể mâu thuẫn với nhau.
Do sự mất cân bằng toàn cầu của mức độ giàu có trên thế giới, giải pháp cho những vấn đề này chỉ có thể thực hiện theo một cách - đó là khoản tiền “bồi thường” từ các quốc gia giàu cho các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, hội nghị ở Glasgow khẳng định rằng, các nước giàu không vội trả khoản tiền hàng trăm tỷ cho các nước nghèo.
Rõ ràng, ngay cả số tiền khổng lồ này cũng sẽ không đủ để trả cho những thiệt hại của các nước đang phát triển trên thế giới trong trường hợp tuân thủ sáng kiến về metan và rừng, và khoản bồi thường này sẽ phải được tăng lên một cách thường xuyên.
Chung tay vì sự phát triển bền vững
Theo Báo cáo “Dự báo lương thực” của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) vào tháng 11/2021, giá lương thực bắt đầu tăng mạnh từ cuối năm 2020.
Dịch Covid-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng là nguyên nhân dẫn đến sự tăng giá này. Nhưng biến đổi khí hậu có thể làm cho mức tăng giá này kéo dài trong trung hạn.
Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng chi phí tài nguyên cho sản xuất lương thực, chủ yếu là nước và năng lượng.
Biến đổi khí hậu làm tăng thêm áp lực lên giá cả lương thực. Giá lương thực cao dẫn đến việc các quốc gia tăng thêm các biện pháp bảo hộ nhằm bảo vệ thị trường.
Các nước xuất khẩu có thể hạn chế xuất khẩu để đảm bảo dự trữ lương thực cho thị trường nội địa nhằm ngăn chặn giá tăng cao quá mức. Điều này đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao và làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực.
Hậu quả của biến đổi khí hậu có thể làm dấy lên câu hỏi chính trị về việc liệu các biện pháp bảo hộ của một quốc gia riêng lẻ trong thương mại lương thực có thể chấp nhận được hay không, nếu chúng làm suy yếu sự ổn định của thị trường toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà nước đó.
Làm thế nào để hạn chế tăng giá lương thực toàn cầu và giảm bớt các biện pháp bảo hộ, hạn chế xuất khẩu lương thực.
Trước hết, cần phải tích cực sử dụng và thực hiện các thông lệ và công nghệ tốt nhất trên thế giới sẽ đảm bảo sản xuất lương thực không làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Đương nhiên, điều này sẽ đòi hỏi sự đoàn kết ở mức độ cao của các nước giàu đối với các nước nghèo.