Đó là chia sẻ của bà Aruna Harprasad sau khi theo dõi bộ phim “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh – tác phẩm mở màn của Liên hoan phim Việt Nam tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ (ICC) ngày 9/5.
Đông đảo bạn bè Ấn Độ và quốc tế đã tham dự lễ khai mạc Liên hoan phim Việt Nam tại New Delhi ngày 9/5. |
Đánh giá trên không hề “ngoại giao” chút nào bởi bà Aruna Harprasad vốn là một tên tuổi rất quen thuộc trong giới làm phim Ấn Độ. Bà từng tham gia sản xuất các bộ phim như “Những con sói biển” (Sea Wolves), “Gandhi” và giành các giải thưởng như giải Vàng Earthwatch Địa lý Quốc gia về làm chương trình văn hóa và giải Margaret Mead cho Phim tài liệu quốc tế hay nhất. Bà Aruna, nhà đồng sáng lập công ty điện ảnh KAS Movie Makers, từng được Chính phủ Ấn Độ đề cử làm thành viên Ban giám khảo phim truyện của Giải thưởng Điện ảnh Quốc gia lần thứ 49.
Ngay sau khi bộ phim kết thúc, bà đã đến gặp ngay đạo diễn Đặng Nhật Minh và bày tỏ sự thích thú cũng như ngưỡng mộ của mình đối với nhà làm phim tài năng của Việt Nam.
Nhà làm phim Aruna Harprasad giao lưu với đạo diễn Đặng Nhật Minh |
Nữ đạo diễn Aruna Harprasad là một trong gần 200 khán giả đã không “rời mắt một giây nào” khỏi bộ phim mộc mạc và đa cung bậc cảm xúc. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi xem cảnh tai nạn thương tâm dẫn đến cái chết của Minh và Mị… Nói như một khán giả khác, những cảnh quay miền quê Việt Nam có thể giống, có thể khác vùng nông thôn Ấn Độ, song thân phận nông dân nơi nào cũng có điểm tương đồng như nỗi nhọc nhằn, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn…
Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định, giao lưu văn hóa đang đi tiên phong trong việc thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân với nhau. |
Liên hoan phim Việt Nam diễn ra từ ngày 9-23/5 là một trong những nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam trong việc mang đến một “điều gì đó” mang tên Việt Nam trên đất nước sông Hằng. Với việc trình chiếu các bộ phim nổi tiếng, trong đó có một số phim đã đạt giải quốc tế và một số phim mới như “Những đứa con của làng”, “Nhà tiên tri”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng như giao lưu đạo diễn, Liên hoan phim sẽ bắc thêm một nhịp cầu trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Và từ đó, như phát biểu của Đại sứ Tôn Sinh Thành và Phó Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam Lê Hồng Chương, Liên hoan phim lần này hứa hẹn là sự khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất, phát hành phim và đào tạo điện ảnh.
Đại sứ chụp ảnh lưu niệm cùng đạo diễn và bạn bè Ấn Độ. |
Bên cạnh Liên hoan phim lần này, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ còn phối hợp với IIC tổ chức buổi lễ quảng bá văn hóa ẩm thực của Việt Nam với bạn bè Ấn Độ vào ngày 13/5 với các món ăn mang đậm truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Hai sự kiện quan trọng trên nằm trong hoạt động kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975–30/4/2016), 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2016) do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức.