Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023” được tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh, mang đến nhiều trải nghiệm văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh Bắc cho các đại biểu quốc tế. |
Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam năm 2023” do Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức, với mục đích giới thiệu và quảng bá văn hóa vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc tới các đại biểu quốc tế.
Tham dự chương trình có có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, cùng gần 150 đại biểu là các Đại sứ/ Trưởng đại diện từ các Ngoại giao đoàn và Tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các Đại sứ Việt Nam mới được bổ nhiệm, Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (Nhóm AWCH) và Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm đến việc đảm bảo hài hòa, bền vững giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Anh Tuấn phát biểu chào mừng. |
Chính vì vậy, Bắc Ninh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trong việc kết nối, lan tỏa, quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hóa truyền thống, môi trường đầu tư hấp dẫn của tỉnh Bắc Ninh với thế giới.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh mong muốn, bằng uy tín ngoại giao, các đại biểu giúp tỉnh Bắc Ninh thúc đẩy, vận động UNESCO xem xét để đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong năm 2024.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá cao quyết tâm của nhân dân và chính quyền tỉnh Bắc Ninh trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa độc đáo mà nổi bật là dân ca Quan họ và tranh dân gian Đông Hồ. Những nỗ lực không mệt mỏi trong thời gian qua đã góp phần gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè, du khách quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Chương trình. |
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, mà nổi bật là sự thu hẹp của thị trường tiêu thụ sản phẩm và nguy cơ mai một của thế hệ nghệ nhân cao tuổi.
Thứ trưởng nhắc lại chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong chuyến về thăm, làm việc tại Thuận Thành (ngày 5/4) là cần phải tập trung sưu tầm, lưu giữ tài liệu, hiện vật quý; chú trọng đào tạo nghề làm tranh cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh quảng bá tranh dân gian Đông Hồ.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: “Là một đất nước ngàn năm văn hiến, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa, coi văn hóa là cội nguồn sức mạnh dân tộc, mong muốn phát huy các giá trị văn hóa của mình để phát triển bền vững đất nước và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Trong quá trình đó, Bộ Ngoại giao sẽ luôn đồng hành cùng các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục gìn giữ và giới thiệu những tinh hoa văn hóa đặc sắc của mình tới bạn bè quốc tế”.
Bày tỏ tình cảm khi tới thăm Bắc Ninh, ông Saadi Salama, Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam, Trưởng Đoàn Ngoại giao chúc mừng thành tựu mà tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhất là những đóng góp to lớn của địa phương vào kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, mà Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một đại diện tiêu biểu.
Ông Saadi Salama, Đại sứ Nhà nước Palestine tại Việt Nam, Trưởng Đoàn Ngoại giao phát biểu tại Chương trình. |
Với cương vị là Đại sứ của Nhà nước Palestine tại Việt Nam và thành viên UNESCO, ngài Saadi Salama sẽ quan tâm phát triển hơn mối quan hệ giữa hai đất nước Palestine và Việt Nam, đồng thời cam kết ủng hộ những đề nghị của Việt Nam để Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ của tỉnh Bắc Ninh sớm được UNESCO xem xét đưa vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm Tranh dân gian Đông Hồ và thưởng thức tiết mục Múa rối nước Đồng Ngư đặc sắc.
Trong dịp này, Nhóm AWCH cũng có hoạt động giao lưu, trao quà tặng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Ninh.
Khách mời được các nghệ nhân hướng dẫn cách làm Tranh dân gian Đông Hồ. |
Thưởng thức tiết mục Múa rối nước Đồng Ngư. |
Đặc biệt, các đại biểu có dịp cập nhật các thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội, văn hóa của tỉnh; thưởng thức ẩm thức phong phú, đa dạng của vùng đất Kinh Bắc; mặc thử trang phục áo tứ thân và lắng nghe những làn điệu Dân ca Quan họ - loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009.
Khách mời quốc tế mặc thử trang phục áo tứ thân. |
Lắng nghe những làn điệu Dân ca Quan họ - loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2009. |
Đoàn đại biểu quốc tế tham quan Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. |
Chương trình là một sự kiện thường niên được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức từ năm 2015, nhằm cập nhật các thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.
Năm 2022, Chương trình được tổ chức thành công tại Khu đô thị Mailand City, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội, góp phần mang đến hình ảnh Tết Việt giàu bản sắc trong không khí đầu Xuân mới.
Bắc Ninh-Kinh Bắc nổi danh là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các thế hệ cha ông vùng Kinh Bắc đã sáng tạo, gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ ngày nay kho tàng di sản văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được phục hồi, truyền dạy và phát huy giá trị hiệu quả, trong đó có Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Tuy nhiên, Nghề truyền thống này đang đối diện với nguy cơ mai một và cần được bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay chỉ còn 3 hộ gia đình với khoảng 30 người thuộc 4 thế hệ có thể làm tranh dân gian Đông Hồ, gồm gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh và nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (cùng ở Song Hồ- Thuận Thành). Để bảo tồn và phát huy giá trị Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, Chính phủ Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh với sự tham gia tích cực của cộng đồng đã xây dựng hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO để xem xét ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. |