Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Trưởng Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế phát biểu tại cuộc họp tổng kết năm 2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Cuộc họp cũng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị ngoại giao kinh tế năm 2022 giữa Bộ Ngoại giao với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị diễn ra ngày 21/1 sắp tới. Tham dự cuộc họp có các thành viên của Ban Chỉ đạo công tác ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và đại diện các đơn vị có liên quan.
Tại cuộc họp, báo cáo tổng kết và ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo đều thống nhất cho rằng, năm 2021 là năm vô cùng khó khăn do dịch bệnh, đã tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; đồng thời cũng định hình nhiều xu thế mới, nhất là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…
Trong bối cảnh đó, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đại hội Đảng XIII, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, sự điều phối kịp thời của Ban Chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao kinh tế của Bộ ngoại giao năm 2021 đã đạt nhiều thành tích nổi bật, có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội đất nước và những thành tựu chung của Ngành Ngoại giao.
Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh, công tác ngoại giao vaccine được triển khai quyết liệt và đạt kết quả vượt dự kiến, là điểm nổi bật của công tác NGKT, đóng góp quan trọng vào công tác phòng chống dịch và bảo vệ sức khoẻ người dân, có ý nghĩa quyết định để nước ta chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
Các mặt công tác như: công tác nghiên cứu, dự báo tham mưu chiến lược; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài; làm sâu sắc quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các đối tác; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương… cũng được thực hiện hết sức hiệu quả, theo đúng phương châm “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”; đóng góp vào các kết quả kinh tế - xã hội của đất nước năm 2021 cũng như tạo nền tảng để phát triển bền vững.
Năm 2022, các đại biểu đánh giá tình hình thế giới và khu vực tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn nhiều rủi ro. Ở trong nước, Chính phủ kiên định chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nền tảng để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Đây cũng là năm Bộ Ngoại giao triển khai kết quả của Hội nghị đối ngoại toàn quốc và Hội nghị Ngoại giao 31 theo chủ trương “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Vì vậy, các ý kiến cho rằng, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục chủ động nghiên cứu, kiến nghị các biện pháp nhằm tranh thủ và tận dụng tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phục hồi kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện các đột phá chiến lược và phát triển bứt phá trong những năm tới; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chính sách cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; Tiếp tục gắn kết chặt chẽ ngoại giao kinh tế với các trụ cột của ngoại giao; Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực các đơn vị trong Bộ và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thực hiện công tác ngoại giao kinh tế năm qua, đặc biệt là công tác ngoại giao vaccine, hỗ trợ cho doanh nghiệp, địa phương hồi phục và phát triển… được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng mong muốn các đơn vị, thành viên Ban Chỉ đạo nắm chắc tình hình, các xu hướng phục hồi kinh tế trên thế giới, xu hướng sống chung, kiểm soát tốt dịch bệnh, các xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Đặc biệt là Chính phủ quyết tâm kiên định chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển trong năm bản lề 2022.
Với tinh thần “đổi mới, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả và chủ động thích ứng”, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị, thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện công tác ngoại giao kinh tế năm 2022 đặt trọng tâm phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ; phục vụ chuyển đổi nền kinh tế, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Công tác ngoại giao kinh tế cần kết hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, đưa các hoạt động ngoại giao kinh tế về địa phương để người dân, doanh nghiệp, địa phương tham gia và thụ hưởng các kết quả ngoại giao kinh tế.
Thứ trưởng đề nghị nâng tầm hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu chiến lược, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác để tăng nội hàm về ngoại giao kinh tế; tập trung thúc đẩy, hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm; làm tốt công tác đào tạo kỹ năng, tri thức về ngoại giao kinh tế cho đội ngũ cán bộ ngoại giao.
| Hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao năm 2021 Chiều 14/1, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán ... |
| Đà Nẵng phát huy vai trò công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển Từ khi Chỉ thị 41- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ ... |