Sách tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh diều 'dậy sóng' trên mạng xã hội. (Nguồn: NLĐ) |
Có thể nói, bộ sách này đã hao tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, vì những sai sót, mà theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt: Về chất lượng, sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều không đạt.
Chia sẻ với báo chí, PGS. TS. Nguyễn Hữu Đạt (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông) đã nêu ví dụ về sự sai sót đó, cụ thể, ở bài về “Cò và quạ”. Khi đọc cụm từ “Thì ra quạ sắp chộp gà nhép” thì thấy người viết không hiểu nghĩa của từ “chộp". Con quạ là loài chim. Khi nó muốn bắt gà thì phải sà xuống quắp, chứ không thể “chộp” được. Cần phải biết, với các động từ, mỗi loại lại đòi hỏi chủ thể hành động khác nhau.
Vị Tiến sĩ nói thẳng rằng: “Bộ sách này có một số vấn đề cần phải xem xét lại. Thứ nhất về ngữ liệu sử dụng để biên soạn sách; Thứ 2 là về tri thức về ngôn ngữ học, thể hiện qua việc cung cấp cho các em vốn từ, nghĩa của từ sai rất nhiều; Thứ 3 là rèn luyện tư duy logic cho học sinh, khi những bài học cung cấp có vấn đề về tư duy logic thì sẽ làm cho tư duy logic của trẻ em kém, lệch lạc”. Rồi ông kết luận “bộ sách này không nên dạy vì dạy không có lợi”.
Đó là cách góp ý thẳng, thật và có cơ sở khoa học từ một người có chuyên môn trong lĩnh vực ngôn ngữ. Có thể với những tác giả biên soạn và chủ biên bộ Cánh Diều là một lời góp ý nặng, nhưng cũng là góp ý cần thiết, phản biện kịp thời những gì đang diễn ra liên quan tới con trẻ chúng ta - các bạn nhỏ lớp 1.
Rất cần những ý kiến xây dựng trực diện và có cơ sở như vậy và cũng rất cần sự lắng nghe của những người lãnh đạo có quyền quyết định trong việc làm sách, chọn sách để dạy trong nhà trường.
Tuy nhiên, cũng câu chuyện đó, trên mạng xã hội có những luồng thông tin chửi bới, "ném đá hội đồng" theo kiểu cảm tính liên quan tới các vị trong ban biên soạn sách hay cả lãnh đạo ngành giáo dục… Có thể hiểu được sự phản ứng gay gắt này là do, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến con em của mỗi gia đình trong độ tuổi đến trường. Và cũng vì, ngành giáo dục cứ loay hoay mãi chuyện cải cách, biên soạn sách để giảm tải chương trình, trong ý nghĩa giúp cho việc dạy và học tốt lên - nhưng bao năm vẫn không tìm được hướng ra, càng làm càng rối.
Những bức xúc đó được vo lại thành khối, càng ngày càng được đắp bồi thêm lên, trong khi ngân sách chi cho việc này không hề nhỏ. Ai cũng hiểu, ngân sách là tiền thuế của dân!
Thêm nữa, còn là không gian mạng như một diễn đàn tự do mà ở đó, có người nghĩ rằng, mình có thể nói bất cứ thứ gì mình thích, kể cả những việc không liên quan lắm, thậm chí thấy người ta chửi mình cũng chửi theo vậy thôi.
Văn hóa sử dụng mạng xã hội đã được nói nhiều, rằng nó có vấn đề, trong đó có nhắc tới việc “xả rác trên mạng”, nhất là những ngôn từ mang tính sát thương, chửi bới vô tội vạ.
Tác giả Lưu Đình Long. |
Bài viết này tất nhiên không phải bênh vực những phát ngôn không đúng gây náo động dư luận hay công trình có sai sót, nhiều “sạn” tốn giấy hao mực của báo chí, hao tổn tinh thần cộng đồng vì phải bận tâm đến, trong khi cuộc sống còn bao việc phải lo.
Nếu không có một bộ sách gây tranh cãi, không có những phát ngôn chưa chuẩn của những vị có ảnh hưởng hoặc có chức trách trong lĩnh vực nào đó thì có lẽ cuộc sống đã an hơn, cộng đồng mạng cũng tránh một phen chia phe lập phái.
Và nếu không có những điều đó, có thể bây giờ, mọi người sẽ tập trung tinh thần và dành tâm trí hướng về miền Trung một cách đầy yêu thương, chia sẻ. Mọi người cũng đỡ phải "dậy sóng" trong lòng vì nghĩ về những sai sót từ một bộ sách mở đầu một cấp học mà chính con em mình phải trải qua ngay trên ghế nhà trường. Đó là chưa nói, chương trình học nặng nề ở lớp 1 là không cần thiết với lứa tuổi này.
TS. Tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng (giám đốc hệ thống Khai Minh Cambridge) trong trao đổi cùng đề tài với người viết đã nhấn mạnh: “Lớp 1, thay vì hỏi con hôm nay học có giỏi không thì chúng ta hãy thay bằng câu hỏi khác. Hôm nay con học có vui không? Hôm nay con chơi với bạn nào? Hôm nay con ăn cơm có ngon không? Và hãy nghe những gì các con kể về lớp, về cô giáo như những trải nghiệm của một ngày sống an vui. Hãy khích lệ các con và đừng chê bai các con”.
Từ bao giờ sách giáo khoa lại có những cái sai đáng tiếc như thế khi mà trước đây, những gì trong sách giáo khoa được xem là “khuôn vàng thước ngọc”? Câu hỏi này xin dành cho những người quản lý giáo dục, nắm trong tay mình quyền hạn quyết định những điều liên quan đến lĩnh vực phụ trách, trong đó có sách giáo khoa.
Trở lại với chuyện phản biện xã hội, rất cần nhưng có lẽ đó không phải là những lời nói nặng nề, những chửi bới và ngôn từ thiếu sự tôn trọng nhau. Khi chúng ta ném những lời chưa hay, ý chưa đẹp vào mênh mông “cõi mạng”, sẽ có lúc mình “gặp lại” chính nó, bởi ai cũng có những sai sót. Những lúc ấy, chúng ta có chịu nổi những chỉ trích nặng nề, và liệu chỉ trích có làm tình hình khá hơn?
Trong trường hợp cụ thể này, đừng quên, ta đang góp ý cho sách giáo khoa để dạy con cháu mình tốt hơn thì không có lý do gì mình lại “xấu đi” vì những ngôn từ “nặng nề” dùng làm phương tiện cho chuyện ấy cả.