📞

‘Bản hòa âm’ giữa ngoại giao khoa học và thành phố

Ngọc Anh 08:00 | 04/01/2025
Ngày nay, việc kết hợp ngoại giao thành phố và ngoại giao khoa học được xem là giải pháp chiến lược nhằm ứng phó các thách thức toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh quá trình đô thị hóa dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
Bên cạnh ngoại giao nhà nước, ngoại giao thành phố tập trung xây dựng mạng lưới kết nối các đô thị, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để cùng đối mặt thách thức chung. (Nguồn: Shutterstock)

Ngoại giao thành phố (city diplomacy) khi kết hợp với ngoại giao khoa học (science diplomacy) sẽ là cách tiếp cận hiệu quả hơn để giải quyết các thách thức đô thị, đặc biệt là ở Nam Á. Đó là quan điểm của TS. Muhammad Ittefaq (Khoa Nghiên cứu Truyền thông, Đại học James Madison, Mỹ) trong bài viết mới đăng trên trang web của Trung tâm Nam Á, Trường Kinh tế và Chính trị học London (Anh).

Chủ động đảm nhận vai trò riêng

Năm 2019, theo bà Nina Hachigian, Đặc phái viên Mỹ về ngoại giao thành phố và tiểu bang, các thành phố cần chủ động đảm nhận vai trò riêng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, trong bối cảnh dự báo đến năm 2050, phần lớn dân số toàn cầu tập trung tại khu vực đô thị.

Ủy ban các khu vực châu Âu (CoR) nêu rõ, ngoại giao thành phố là “công cụ đắc lực giúp chính quyền địa phương và các đối tác tăng cường gắn kết xã hội, bảo vệ môi trường, ngăn chặn và giải quyết xung đột, đồng thời thúc đẩy tái thiết theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo đảm an sinh xã hội, dân chủ, công bằng, tiến bộ và thịnh vượng cho người dân”.

Thay vì chỉ phụ thuộc vào ngoại giao nhà nước, giờ đây ngoại giao thành phố tập trung xây dựng mạng lưới kết nối các đô thị, chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để cùng đối mặt thách thức chung.

Trong khi đó, ngoại giao khoa học đang nổi lên như một hình thức ngoại giao mới trong thế kỷ XXI, vận dụng sự tham gia của khoa học nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế, giải quyết những vấn đề toàn cầu và xây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia. Các tổ chức giải quyết các vấn đề như y tế, biến đổi khí hậu, giao thông và cơ sở hạ tầng có vị thế mạnh mẽ để thúc đẩy ngoại giao khoa học, vì nó phụ thuộc nhiều hơn vào các nỗ lực của tổ chức hơn là hành động của cá nhân.

Theo TS. Muhammad Ittefaq, việc áp dụng ngoại giao thành phố và ngoại giao khoa học đóng vai trò đặc biệt quan trọng tại khu vực Nam Á, nơi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong hai thập kỷ qua và tiếp tục gia tăng với tốc độ chóng mặt. Các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến nhiều đô thị đông dân, đặc biệt là những nơi cách xa đường bờ biển. Khi chính quyền các địa phương phải giải quyết đồng thời nhu cầu cấp bách và dài hạn của người dân, ngoại giao thành phố phải đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết các vấn đề như ô nhiễm không khí.

"Điểm trũng" ô nhiễm

Nam Á hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng sương mù nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Tại thành phố Lahore (Pakistan), chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong tháng 12/2024 liên tục vượt ngưỡng 1.000, trong khi chỉ số trên 300 đã được xem là nguy hiểm. Tình hình tương tự tại Delhi (Ấn Độ), khi chất lượng không khí tháng 11/2024 ghi nhận mức trung bình 358, thuộc danh mục “rất xấu”.

Tình trạng này đòi hỏi sự hợp tác và chung tay của các cấp, từ địa phương, khu vực đến toàn cầu, nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân đang phải “vật lộn” với chất lượng không khí suy giảm.

Việc tiếp xúc lâu dài với bầu không khí độc hại ở Nam Á cũng đặt gần 2 tỷ người trước những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng. Là khu vực có thu nhập thấp, Nam Á cũng đang phải đối mặt với hạn chế về khả năng quan trắc, nguồn lực kỹ thuật và hỗ trợ tài chính.

Vì vậy, theo TS. Muhammad Ittefaq, việc tận dụng sức mạnh của ngoại giao thành phố và ngoại giao khoa học để đối phó với ô nhiễm không khí, đặc biệt là tình trạng sương mù theo mùa, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết đối với khu vực.

Chính quyền các thành phố tại Nam Á, trường đại học ở khu vực đô thị cần thiết lập những khuôn khổ vững chắc nhằm triển khai hiệu quả hình thức ngoại giao này. Các thành phố lớn cũng có thể tập trung xây dựng quan hệ đối tác giữa nhà khoa học, nhà báo, nhà hoạt động, kỹ sư, bác sĩ và chuyên gia về khí hậu. Ngoài ra, nên kết nối các nhà báo và cộng đồng quan tâm đến biến đổi khí hậu, chất lượng không khí, báo chí khoa học nhằm thúc đẩy hợp tác xuyên lĩnh vực.

Đón tương lai lạc quan

TS. Muhammad Ittefaq nhận định, Nam Á cần ngoại giao khoa học hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới, đặc biệt khi đang phải đối mặt với nhiều thách thức riêng như tỷ lệ tử vong trẻ em cao, quá tải dân số và sóng nhiệt. Những vấn đề này càng làm nổi bật tính cấp bách trong việc giải quyết ô nhiễm không khí, đặc biệt là với nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Tuyên bố Malé về Kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm không khí và các tác động xuyên biên giới có thể xảy ra đối với Nam Á (1998) ra đời như một khuôn khổ hợp tác khu vực ở Nam Á nhằm đương đầu với tình trạng ô nhiễm không khí, nhưng đã không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Vì vậy, khuôn khổ này cần phải cải thiện bằng cách bổ sung thêm nguồn tài chính, làm rõ các mục tiêu và tái cam kết giám sát, củng cố, báo cáo về chất lượng không khí ở trong nội bộ mỗi quốc gia cũng như các nước trong khu vực.

Theo vị chuyên gia của Đại học James Madison, việc củng cố Tuyên bố Malé thông qua kết hợp ngoại giao khoa học và ngoại giao thành phố là yếu tố thiết yếu giúp tăng cường hợp tác khu vực tại Nam Á. Những công cụ ngoại giao này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức chung về ô nhiễm không khí xuyên biên giới và thúc đẩy hành động tập thể vì lợi ích lâu dài của người dân trong khu vực.

Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm vị trí cố vấn khoa học trong các phái đoàn ngoại giao của các nước Nam Á cũng sẽ giúp đẩy mạnh hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời giải quyết các thách thức chung của khu vực.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia châu Âu đều có cố vấn khoa học và công nghệ tại Washington D.C, chịu trách nhiệm về hợp tác khoa học, hỗ trợ các dự án quốc tế, trao đổi khoa học, qua đó hướng đến tiến bộ kinh tế.

Do đó, các quốc gia Nam Á cũng có thể bổ nhiệm vị trí tương tự nhằm thúc đẩy ngoại giao khoa học và thành phố. Các ứng viên cho vị trí này cần có trình độ chuyên môn cao về khoa học và công nghệ, cũng như hiểu biết sâu rộng về cách những lĩnh vực này gắn kết các thành phố thông qua ngoại giao khoa học và ngoại giao thành phố.

Nam Á cần hướng tới tương lai với niềm lạc quan, đồng thời khai thác tiềm năng của ngoại giao khoa học và ngoại giao thành phố nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng trong khu vực. Các quốc gia châu Âu đã triển khai nhiều sáng kiến và hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao khoa học, tạo ra mô hình quý giá mà khu vực này có thể học hỏi, phát triển.

* * *

Tựu trung, để đối phó với những thách thức môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm không khí, Nam Á cần một “cái bắt tay” thật chặt giữa ngoại giao thành phố và ngoại giao khoa học. Việc kết hợp hai hình thức ngoại giao này không chỉ là giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới, mà còn là chìa khóa giúp nâng cao hợp tác khu vực cũng như toàn cầu.