📞

Ban Kinh tế Trung ương làm việc với cộng đồng doanh nghiệp về Nghị quyết số 09

Cao Thế 22:18 | 15/09/2022
Chiều 15/9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW đã có buổi làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI).

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trần Tuấn Anh tham dự và phát biểu chỉ đạo; Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chủ trì buổi làm việc.

Tham dự còn có các thành viên trong Ban chỉ đạo, Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết; đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành và đại diện cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo (phải) và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đồng chủ trì cuộc làm việc. (Nguồn: VCCI)

Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW nêu rõ, qua hơn 35 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...

Khi đất nước căng mình ứng phó với đại dịch Covid-19 và các tác động bất lợi từ bối cảnh quốc tế, doanh nhân Việt Nam cũng chính là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Theo ông Trần Tuấn Anh, năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, Ban Kinh tế Trung ương được giao phụ trách Đề án tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết; Đảng đoàn VCCI là cơ quan chủ trì. Để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nhân, đội ngũ doanh nghiệp.

Thông qua đó, Ban Chỉ đạo mong muốn sẽ nắm bắt được một cách thực chất, thấu đáo hơn kết quả thực hiện Nghị quyết 09 đối với việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để tiếp tục có những định hướng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Báo cáo tóm tắt tình hình xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh Việt Nam giai đoạn 2011-2021 tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.

Với sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công báo cáo tóm tắt tình hình xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh Việt Nam giai đoạn 2011-2021 tại buổi làm việc. (Nguồn: VCCI)

Về số lượng, hiện nay đã có hàng triệu doanh nhân, trong đó đã có 7 tỷ phú. Về chất lượng cũng ngày càng được cải thiện. Theo kết quả khảo sát trong năm 2021 của VCCI về tình hình phát triển đội ngũ doanh nhân: Trình độ học vấn của doanh nhân khá cao, khi có đến 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ thạc sỹ/tiến sỹ và chỉ có khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học.

Với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, phát triển lực lượng sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của thị trường trong nước và thế giới, doanh nhân Việt Nam chính là lực lượng xung kích, chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế góp phần quan trọng đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% thu ngân sách nhà nước.

Hầu hết doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, nâng tầm góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; có trách nhiệm với người lao động, với đối tác, với khách hàng, với cộng đồng xã hội, đặc biệt qua dịch Covid-19 thể hiện rất rõ.

Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, tồn tại: vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội; văn hóa kinh doanh chưa đồng nhất, thiếu liên kết ... Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân từ hạn chế về đạo đức doanh nhân.