Các hộp giải mã truyền hình nhỏ cho phép người xem truy cập các chương trình, phim ảnh và trận đấu bóng đá trực tiếp bị vi phạm bản quyền đã bị giám sát và xử lý ở châu Á.
Trên khắp khu vực, giới chức trách đã đột kích các cửa hàng, studio và tăng cường luật pháp để đưa những người bán hàng gian dối ra trước công lý. Tuy nhiên, các chuyên gia nói với This Week in Asia rằng những thiết bị này vẫn dễ dàng mua bán trực tuyến và tình trạng vi phạm bản quyền vẫn tràn lan trong khu vực.
Các thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp này hoạt động trên nền tảng internet thay vì các định dạng truyền hình cáp, tín hiệu vệ tinh và mặt đất truyền thống và cung cấp quyền truy cập vào nội dung, bao gồm các kênh có nguồn gốc bất hợp pháp từ các nhà cung cấp trên toàn thế giới và các chương trình video theo yêu cầu. Các nhà điều hành dịch vụ này thường sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phức tạp và các công cụ cho các thiết bị để ẩn nguồn nội dung nhằm trốn tránh việc thực thi.
Tuần trước, lần đầu tiên, Singapore đã kết án tù một người bán những chiếc hộp này theo luật bản quyền được thông qua vào tháng 9/2021. Ge Xin đã bị kết án 10 tháng tù trong khi hai cửa hàng của anh ta tại trung tâm thương mại công nghệ Sim Lim Square, MT Gadget+ và Grandnew, lần lượt bị phạt 200.000 SGD (151.000 USD) và 100.000 SGD.
Tháng 10/2022, cảnh sát Singapore đã đột kích các cửa hàng tại Quảng trường Sim Lim và thu giữ hơn 2.500 bộ thiết bị đầu thu này. Truyền thông địa phương đưa tin, hơn 400 bộ đã được tìm thấy tại các cửa hàng của Ge. Anh ta bị buộc tội vi phạm bản quyền của các công ty, bao gồm Disney, Netflix và Premier League, bằng cách bán các thiết bị được cài đặt sẵn các chương trình có thể truy cập các chương trình và trận đấu có bản quyền.
Một phòng trưng bày TV ở Chennai. Ảnh: AFP |
Theo Đạo luật Bản quyền của Singapore, hành vi vi phạm bằng cách sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối hoặc cung cấp các thiết bị hoặc dịch vụ để truy cập tác phẩm mà không được sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền sẽ bị phạt tới 100.000 SGD, án tù lên tới 5 năm hoặc cả hai.
Khi This Week in Asia đến thăm trung tâm thương mại thứ Ba vừa rồi, không có cửa hàng nào quảng cáo hộp TV. Một cửa hàng gắn biển báo ghi "Không bán hộp TV ở đây". Nhân viên tại một số cửa hàng cho biết "hộp TV" không được phép bán sau cuộc đột kích của cảnh sát. Họ cũng biết về bản án tù của Ge.
Ông Mok Ho Fai, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ nội dung khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Liên minh Sáng tạo và Giải trí (ACE), cho biết: “Mặc dù vụ truy tố và kết án mang tính bước ngoặt ở Singapore là diễn biến đáng hoan nghênh, một lý do đáng lo ngại là sự chuyển dịch hoạt động bán thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp sang các thị trường trực tuyến và kênh phân phối tại nhiều khu vực pháp lý”.
Những thiết bị như vậy có sẵn trên trang thương mại điện tử Lazada, với giá từ 38 - 200 SGD từ những người bán ở Singapore và Trung Quốc. Một số danh sách này khuyên người mua tên người dùng và mật khẩu sẽ được chia sẻ khi mua hàng.
Đánh giá về các sản phẩm này cho thấy người mua có thể truy cập vào giải bóng đá Ngoại hạng Anh và MotorGP. Cả hai chương trình này chỉ có tại Singapore thông qua công ty viễn thông địa phương StarHub và có giá khoảng 50 USD mỗi tháng.
Ông Matthew Cheetham, Tổng Giám đốc Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP), một bộ phận của Hiệp hội Công nghiệp Video châu Á, cho biết: “Giống như mọi hình thức vi phạm bản quyền khác, các thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp là mối đe dọa thực sự đối với cả ngành công nghiệp thông qua thiệt hại kinh tế, nhưng ngày càng đe dọa đến người tiêu dùng, những người thường là mục tiêu bất đắc dĩ của bọn tội phạm đằng sau các thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp, những kẻ muốn đánh cắp dữ liệu của người tiêu dùng và lây nhiễm virus và phần mềm độc hại cho họ”.
Ông lưu ý đã có sự suy giảm trong việc sử dụng các thiết bị này trên khắp khu vực. Theo một cuộc khảo sát của CAP đối với 10.123 người sống tại Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam được tiến hành vào tháng 2 vừa qua, 11% số người được hỏi đã sử dụng các thiết bị này, giảm so với mức 15% của năm ngoái. Tại Singapore, 5% người tiêu dùng đã sử dụng các thiết bị này trong năm nay, thấp hơn 8% của năm ngoái.
Theo báo cáo, các nhà chức trách Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) đã có hành động xử lý những người bán và phân phối các thiết bị này trong những năm gần đây.
Tại Malaysia, nơi cũng đã tăng cường luật bản quyền vào năm 2022, Bộ Thương mại trong nước và Người tiêu dùng, hợp tác với Premier League và ACE, đột kích một nhà bán lẻ đồ điện tử ở Johor Bahru vào tháng 10/2022 và thu giữ các thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp trị giá 404.500 ringgit. Một người phụ nữ đã bị bắt và 600 thiết bị đã bị tịch thu.
Ông Mok lưu ý vào tháng 8, với sự hợp tác của Công an Hà Nội, ACE đã đóng cửa hoạt động phát trực tuyến vi phạm bản quyền lớn nhất thế giới, bao gồm các trang web không có giấy phép như Fmovies, Aniwave, Animesuge và Anix. Thay mặt cho các thành viên của ACE bao gồm Netflix và Disney, liên minh này cũng đã đệ đơn kiện tại Ấn Độ chống lại các nhà điều hành Doodstream, một trong những dịch vụ lưu trữ video bất hợp pháp lớn nhất trên toàn cầu.
Cuộc khảo sát của CAP cũng cho thấy ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hoặc nền tảng nhắn tin để truy cập nội dung vi phạm bản quyền, với 49% số người được hỏi cho biết họ sử dụng phương pháp này để phát trực tuyến các chương trình, phim và thể thao, tăng so với mức 35% của năm ngoái.
Vào tháng 9, cơ quan hải quan Hong Kong (Trung Quốc) cho biết họ đã tịch thu một bộ giải mã truyền hình trả tiền, một máy chủ máy tính phát trực tuyến, một chiếc điện thoại được sử dụng cho hoạt động máy chủ từ xa và một loạt các thiết bị điện tử và thiết bị nghe nhìn, trị giá khoảng 20.000 USD. Họ đã tiến hành hoạt động này trong khi phát sóng trực tiếp các trận đấu bóng đá ở nước ngoài.
Cảnh sát cũng đã đột kích một đơn vị dân cư ở Lok Fu và bắt giữ hai người đàn ông, thu giữ một máy chủ phát trực tuyến bất hợp pháp và nhiều thiết bị điện tử khác.
Ông Cheetham cho biết liên minh đã làm việc với các thành viên của mình để chặn các trang web vi phạm bản quyền ở Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore và thực hiện luật tương tự để chặn các trang web vi phạm bản quyền ở Philippines và Thái Lan.
“Các dịch vụ vi phạm bản quyền như thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp không hoạt động trong môi trường chân không, chúng được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái – bao gồm cả những người chơi hợp pháp và bất hợp pháp. Điều quan trọng là ngành công nghiệp, chính phủ và đặc biệt là các bên trung gian, chẳng hạn như phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng nhắn tin, phải hợp tác với nhau để chống lại vi phạm bản quyền ở cả Singapore và khu vực', ông Cheetham chia sẻ.