📞

Bản tình ca thổ cẩm đầy sắc màu

Khánh Linh 06:10 | 30/10/2023
Với sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, múa, diễn xuất và thời trang, chương trình "Gia Lai ơi" đã làm nức lòng khán giả bằng một bản tình ca thổ cẩm đầy sắc màu, cảm xúc.
Chương trình "Gia Lai ơi" nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc thiểu số trên đất Gia Lai. (Nguồn: TTXVN)

Tối 28/10, chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm "Gia Lai ơi" đã mang đến cho khán giả ở Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku một không gian văn hóa đậm đà bản sắc Gia Lai - vùng đất Tây Nguyên nơi hội tụ của 44 dân tộc thiểu số với người J'rai và Bahnar là dân tộc bản địa.

Chương trình nằm trong các hoạt động quảng bá, giới thiệu thổ cẩm Gia Lai, do UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Công ty TNHH Vietmode tổ chức, với sự chỉ đạo nghệ thuật của nhà thiết kế Minh Hạnh - một trong những người tiên phong của Việt Nam thiết kế và đưa trang phục thổ cẩm lên sàn diễn trong và ngoài nước.

Với sự tham gia của hơn 100 nghệ nhân, học sinh người Bahnar, Jrai cùng các nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu, chương trình bao gồm: Các phần trình diễn bộ sưu tập áo dài, sưu tập thời trang 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông tương ứng với các gam màu chủ đạo, lấy cảm hứng từ thổ cẩm - di sản văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Người mẫu trình diễn thời trang trên nền nhạc dân gian mang âm hưởng Tây Nguyên, với phần phụ họa của các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ múa, tái hiện không gian văn hóa cùng sắc màu của thổ cẩm.

Trình diễn trang phục thổ cẩm tại chương trình. (Nguồn: TTXVN)

Được mệnh danh là "nữ hoàng thổ cẩm", nhà thiết kế Minh Hạnh trong nhiều thập niên qua bền bỉ tìm tòi, nghiên cứu chất liệu, tổ chức các chương trình biểu diễn thời trang để lan tỏa nét đẹp thổ cẩm, tôn vinh nghề truyền thống của nhiều tộc người Tây Nguyên. Với mong muốn tôn vinh thổ cẩm và những con người đã kế thừa, sáng tạo nên di sản vô giá này, nhà thiết kế Minh Hạnh đã đưa những người dân tộc thiểu số từ làng lên sân khấu nghệ thuật.

Theo bà Minh Hạnh, chương trình "Gia Lai ơi" là lời tình ca dành cho vùng đất này, qua đó truyền đi thông điệp về sự gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Các bộ trang phục được thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, mang lại sự mới mẻ và hấp dẫn cho người xem.

Với những ý nghĩa đó, "Gia Lai ơi" không chỉ là một chương trình nghệ thuật mà còn là một sự kiện văn hóa mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số trên đất Gia Lai. Chương trình cũng là một cách để gửi lời tri ân đến những người đã gắn bó với vùng đất này, những người đã dệt nên những tấm thổ cẩm tuyệt đẹp, những người đã viết nên những câu chuyện về Gia Lai.

"Chúng tôi mong muốn được tiếp tục quảng bá, giới thiệu văn hóa Gia Lai, xây dựng thổ cẩm Gia Lai trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số". (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch)