Hội thảo nhằm góp phần đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo liên quan đến lĩnh vực giáo dục đại học; đồng thời, đóng góp ý tưởng, luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách lớn về giáo dục đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong thời gian tới.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, đại diện tổ chức quốc tế… (Nguồn: GD&TĐ) |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 của Đảng (năm 1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, xác định giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ phải được xem là quốc sách hàng đầu.
Trên cơ sở đó, việc phát triển giáo dục và đào tạo, phát huy nguồn lực con người liên tục được nhấn mạnh qua các kỳ đại hội Đảng và trở thành một trong những nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược.
Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng lấy chất lượng và hiệu quả làm thước đo nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với khơi dậy khát vọng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc và giá trị văn hóa, con người Việt Nam thời đại mới.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đề cập trong Nghị quyết là hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục đại học.
Ông Trần Thanh Mẫn khẳng định giáo dục đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, mà còn là nơi nuôi dưỡng và phát triển tri thức, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước, tạo động lực mới cho hội nhập, phát triển bền vững. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học là nhu cầu tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh nền kinh tế tri thức.
Với ý nghĩa đó, tại hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về chất lượng giáo dục đại học từ tác động của thể chế, chính sách, dưới các góc độ khác nhau từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, người sử dụng lao động, doanh nghiệp xã hội...
Trên cơ sở kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Hội thảo hướng tới đề xuất các ý tưởng, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực đầu tư nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.