📞

Bằng chứng khoa học chứng minh súc miệng phòng chống bệnh Covid-19?

Minh Châu 09:00 | 19/08/2020
TGVN. Hiện chưa có xác nhận khoa học chứng minh chắc chắn 'việc súc miệng ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra, cũng như bất kỳ loại virus, hoặc vi khuẩn nào khác'.
Chưa có chứng minh khoa học chắc chắn “việc súc miệng ngăn ngừa nhiễm trùng do SARS-CoV-2 gây ra, cũng như bất kỳ loại virus, hoặc vi khuẩn nào khác. (Nguồn: Snopes)

Khi người Mỹ tìm kiếm các cách nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, một chủ đề được nhiều người quan tâm trên internet là súc miệng. Vậy tại sao có khuyến cáo súc miệng và có bằng chứng y tế nào chứng minh súc miệng có thể giúp chống lại virus corona hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác hay không?

Thực tế, cho đến nay, cũng giống như không ít các khuyến cáo y tế khác, không có “tiêu chuẩn vàng” nào, cũng như chưa có thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát quy mô lớn nào để xác nhận chắc chắn hiệu quả của việc súc miệng bằng nước muối, giấm hoặc bất kỳ giải pháp súc miệng nào khác để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới do virus corona gây ra, hoặc bất kỳ virus hoặc vi khuẩn khác.

Các nghiên cứu nhỏ hơn thì đã chỉ ra rằng, nước súc miệng và nhiều loại chất lỏng khác thường được sử dụng để súc miệng có thể tiêu diệt vi khuẩn, nhưng liệu việc súc miệng có thực sự ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh hay không thực tế vẫn chưa được chứng minh trong các thử nghiệm nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, súc miệng là một biện pháp vệ sinh cá nhân phổ biến ở nhiều quốc gia. Ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản, việc súc miệng được cả Chính phủ khuyến khích, cùng với các hoạt động khác như rửa tay, đeo khẩu trang và cách ly xã hội (social distancing), như một khuyến cáo về vệ sinh cá nhân thường xuyên trong mùa lạnh và phòng bệnh cúm thông thường. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể súc miệng hiệu quả, trong đó có trường hợp của một số người bị đau cổ, đột quỵ hoặc mất trí nhớ, cũng như trẻ em dưới 8 tuổi.

Đó là lý do không ngạc nghiên khi hầu hết các nghiên cứu ban đầu của Nhật Bản đều cho thấy, súc miệng có thể giúp ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới.

Phát hiện đáng chú ý nhất đến nay cho thấy, dung dịch súc miệng không cần kê đơn có thành phần Povidone-iodine được sử dụng thường xuyên trong nhiều thập kỷ bởi người dân Nhật Bản và các nơi khác để điều trị đau họng.

Trong một nghiên cứu thử nghiệm nhỏ của Nhật Bản từ năm 2002, 23 bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mãn tính đã súc miệng 4 lần trở lên mỗi ngày bằng dung dịch Povidone-iodine . Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy, so với số ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính trước khi nhóm bắt đầu súc miệng, súc miệng thường xuyên trong vài tháng đến 2 năm với dung dịch Povidone-iodine đã giúp giảm khoảng 50% tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Súc miệng bằng dung dịch có thể làm giảm nhiễm trùng do một số vi khuẩn khá nguy hiểm, trong đó có Pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh), Staph (bao gồm MRSA) (tụ cầu vàng) và Haemophilus (có khả năng gây ra các bệnh nguy hiểm, chẳng hạn viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết đối với trẻ em)...

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy lợi ích của việc súc miệng, mặc dù một hạn chế lớn trong các nghiên cứu nhỏ ở phòng thí nghiệm là đôi khi không hoàn toàn chính xác khi ứng dụng trong cuộc sống.

Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây của Đức, do một nhà sản xuất dung dịch súc miệng Povidone-iodin tài trợ, đã cho thấy, giải pháp súc miệng có thể loại bỏ hơn 99% các chủng virus corona gây bệnh SARS và MERS - họ hàng rất gần với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 hiện nay. Trước đây, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Nhật Bản cũng đã chứng minh rằng, các sản phẩm có Povidone-iodin vượt trội hơn các loại thuốc sát trùng thông thường khác như chlorhexidine gluconate và benzalkonium clorua, trong việc vô hiệu hóa nhiều loại virus phổ biến khác, như coxsackie, rhovovirus, adenovirus, rotavirus. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng ở người sẽ vẫn rất cần thiết để xác định mức độ phù hợp đối với bệnh nhân.

Chẳng hạn, tại Mỹ, các dung dịch có chứa Povidone-iodin được bán dưới dạng chất khử trùng da, có chứa các thành phần có thể gây hại nghiêm trọng nếu con người nuốt phải. Các chế phẩm phù hợp cho súc miệng thường không có sẵn ở đất nước này. Không thể súc miệng với các dung dịch khử trùng da, kể cả những chất có chứa Povidone-iodin, vì nó khá nguy hiểm. Tại Canada, một dung dịch súc miệng Povidone-iodin được bán dưới tên Betadine, tuy nhiên, một số người bị dị ứng với iốt, thậm chí iốt có thể gây hại đối với những bệnh nhân có vấn đề về tuyến giáp.

Chưa có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích kháng khuẩn tiềm tàng của các giải pháp súc miệng khác. Ví dụ, thuốc sát trùng Listerine đã được chứng minh dù có hoạt tính kháng virus trong các nghiên cứu ở phòng thí nghiệm nhưng đã có thể phơi nhiễm chỉ trong ít nhất 30 giây, dù các nghiên cứu chưa xem xét đến virus corona.

Dung dịch súc miệng gồm 1 muỗng cà phê muối hòa tan trong một cốc nước để tạo ra dung dịch muối xấp xỉ 3%, súc miệng sáu lần một ngày. (Nguồn: Medium)

Tuy nhiên, từ Anh, một nghiên cứu lâm sàng gần đây trên 66 bệnh nhân đã cho thấy hiệu quả rất đáng quan tâm, việc sử dụng dung dịch muối tự chế để rửa mũi và súc miệng đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc cúm và cảm lạnh. Dung dịch súc miệng trong nghiên cứu gồm 1 muỗng cà phê muối hòa tan trong một cốc nước để tạo ra dung dịch muối xấp xỉ 3%, súc miệng 6 lần một ngày.

Một nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm của cùng một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cơ chế hoạt động tiềm năng của dung dịch muối. Theo đó, các tế bào ở cổ họng đã lấy thêm clo từ dung dịch muối để tạo ra một hợp chất có đặc tính kháng virus khá hữu hiệu.

Các nghiên cứu nhỏ khác đã đề xuất phương pháp phòng chống virus bằng súc miệng với trà xanh hoặc dung dịch chứa catechin, hoạt chất của trà xanh hoặc với giấm táo. Những nghiên cứu này đã được thực hiện trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên vẫn chưa rõ sự liên quan về lâm sàng đối với bệnh nhân và hiện cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào đối với việc kháng virus corona. Một nghiên cứu thậm chí còn cho rằng, việc súc miệng bằng nước máy có thể hữu ích trong việc giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp trên ở những người khỏe mạnh, nhưng một nghiên cứu sau đó đã không xác nhận phát hiện này.

Tóm lại, việc súc miệng thực sự chống lại được virus gây cảm lạnh, cúm, kể cả SAR-CoV-2 hiện nay hay không vẫn còn phải nghiên cứu. Nhưng khi chúng ta cân nhắc việc súc miệng từ góc độ tỷ lệ rủi ro và lợi ích, dường như có rất ít nhược điểm đối với việc súc miệng thường xuyên. Nó có chi phí thấp và ít nhất có thể giảm đau họng.

(theo New York Times)