Không ai có thể phủ nhận lợi ích mà các sản phẩm y tế ứng dụng công nghệ tích hợp điện tử hữu cơ đã và đang đem lại cho cuộc sống. Thử tưởng tượng mà xem, một bệnh nhân tiểu đường sẽ đau đớn hơn nhiều khi mỗi lần thử lượng đường trong máu lại phải chích tay để lấy một giọt máu. Song cũng chỉ cần một lần chích máu, một miếng băng dán y tế thông minh (Smart Bandage) vừa có tác dụng cầm máu, lại vừa có khả năng thông báo chính xác về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nhắc bác sĩ khi nào cần thay băng và đưa ra phương pháp điều trị riêng...
Bằng cách sử dụng những thủ thuật được áp dụng để theo dõi lượng đường glucose trong máu, băng y tế thông minh do các nhà khoa học ở Trung tâm Holst ở Eindhoven (Hà Lan) chế tạo, cho phép cải thiện việc giám sát tình trạng bệnh của bệnh nhân thông qua điều tiết việc thay băng.
Băng y tế thông minh sử dụng một loại phim (pixel) kết hợp các nguồn ánh sáng và tế bào quang điện để đo lượng ôxy luân chuyển trong máu quanh phần mô bị tổn thương. Đồng thời, các thiết bị điện tử dạng in hữu cơ được đặt dưới các miếng dán - đo những chất đặc thù trực tiếp trên bề mặt da và cũng đóng một vai trò quan trọng trong sản sinh phần lớn điện cực để đo hoạt động của não bộ (EEG) hay hoạt động của điện tim (ECG), rồi truyền thông tin tới bác sĩ. Từ đó, các bác sĩ có thể đưa ra những phân tích chính xác về tình trạng bệnh và có hướng điều trị tốt nhất. Smart Bandage cũng thông báo về quá trình làm lành vết thương của bệnh nhân. Ông Jaap Lombaers, Giám đốc Điều hành Trung tâm Holst, giải thích: “Được cài đặt trực tiếp vào trong các miếng băng y tế thông qua công nghệ in điện tử hữu cơ hiện đại nhất, các tấm phim cảm biến chuyển tải thông tin quan trọng về quá trình làm lành vết thương. Qua đó, bác sĩ có thể xác định thời gian tốt nhất để thay băng và vì thế, đẩy nhanh tốc độ làm lành vết thương”.
Băng y tế này sử dụng các tấm phim cảm biến có kích cỡ xấp xỉ 2mm x 2mm. Các mô hình hiện tại cho phép không gian triển khai tối đa 100 pixel. Tuy nhiên, khoa học ngày nay có thể chế tạo những tấm pixel lớn hơn. Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng băng y tế thông minh sẽ giúp thương mại hóa thế hệ kế tiếp của các sản phẩm áp dụng công nghệ cảm biến điện tử vì giá thành thấp. Không chỉ rẻ, mà việc sử dụng thiết bị điện tử dạng in hữu cơ còn có thể làm giảm trọng lượng của băng, tạo sự thoải mái hơn cho bệnh nhân. Loại băng này cũng có những đặc tính cách điện hay bán dẫn, cho phép mở rộng khả năng sử dụng sản phẩm.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể phát triển thêm hệ thống bằng cách gắn thêm các thiết bị như ăng-ten để truyền thông tin về sức khỏe của bệnh nhân từ xa đến các bác sĩ. Các nhà khoa học tin rằng phát minh này không chỉ giúp cải thiện chất lượng điều trị, mà còn tiết giảm thời gian và chi phí thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe. Chẳng hạn, một ăng-ten được gắn vào băng y tế thông minh có thể chuyển thông tin quan trọng tới một bác sĩ điều trị từ xa. Vị bác sĩ sau đó có thể gọi bệnh nhân tới phòng mạch để điều trị, theo đó quản lý được thời gian tiện ích cho cả hai người.
Mặc dù dự kiến phải vài năm nữa trên thị trường mới xuất hiện băng y tế thông minh, song những sản phẩm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này sẽ được trưng bày tại LOPE-C ở Frankfurt am Main (Đức) từ 23-25/6 tới.
Phương Vân(theo The Engineer)