Tờ Telegraph của Anh nhận định, có 4 thách thức đang cản trở Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới. (Nguồn: WSJ) |
Sức ép từ tình trạng lão hóa dân số
Việc Trung Quốc công bố số liệu điều tra dân số mới nhất đã khiến nhiều nhà phân tích bối rối.
Tổng điều tra dân số 10 năm 1 lần ở Trung Quốc được công bố vào ngày 11/5 vừa qua. Kết quả không phải là tăng trưởng âm như nhiều đồn đoán trước đó, nhưng cho thấy bước ngoặt dân số của Trung Quốc đang đến gần.
Điều làm dư luận quan tâm chú ý hơn là bước ngoặt dân số ấy xảy ra vào thời điểm then chốt của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc. Đối với mục tiêu xây dựng nước lớn về tiêu dùng của Trung Quốc, đây có lẽ sẽ trở thành yếu tố không xác định lớn nhất.
Trở lại với kết quả tổng điều tra dân số của Trung Quốc năm 2020, tới ngày 1/11/2020, tổng dân số nước này là 1.411.789.000 người, tăng 72,05 triệu người so với 10 năm trước.
Như vậy, trong 10 năm, dân số Trung Quốc tăng 5,38%, bình quân 1 năm tăng 0,53%. So với giai đoạn từ năm 2000-2010, tốc độ tăng trưởng dân số bình quân năm giảm 0,04%.
Cũng theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2020, số người từ 60 tuổi trở lên ở Trung Quốc là 264,02 triệu người, chiếm 18,7% dân số, tăng 5,44% so với 10 năm trước. Trong khi đó, số người từ 0-14 tuổi chỉ tăng 1,35% so với 10 năm trước, chiếm 17,95%, đạt 253,38 triệu người.
Cục trưởng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc Ninh Cát Triết thừa nhận tỷ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh và lão hóa dân số đã trở thành vấn đề cơ bản ở nước này trong thời gian từ nay về sau.
Một điều đáng chú ý là số sinh mới ở Trung Quốc trong 3 năm qua giảm liên tiếp, năm 2020 tỷ lệ sinh giảm xuống còn 8,5%, là mức thấp nhất kể từ năm 1952 khi Trung Quốc bắt đầu lưu trữ số liệu dân số.
So với mức tăng 10,48% của năm 2019, tỷ lệ sinh năm 2020 gần như lao dốc thẳng đứng. Đây được nhìn nhận như một tín hiệu về bước ngoặt dân số đang tăng tốc tới gần.
Tuy nhiên, sự suy giảm của tỷ lệ sinh sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể đảo ngược. Các chính sách trước đây đồng nghĩa với việc có ít phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ hơn, trong khi số phụ nữ muốn có con ngày càng ít.
Mất cân bằng giới tính là một yếu tố đáng lo ngại khác đối với Bắc Kinh. Năm 2010, tỷ lệ giới tính là 118 bé trai trên 100 bé gái; 10 năm sau, con số này giảm xuống còn 111 bé trai trên 100 bé gái.
Kết quả là Trung Quốc đã bước vào thời kỳ mà đỉnh điểm sẽ có khoảng 30-40 triệu nam giới, độ tuổi từ 20 đến 45, không tìm được người phụ nữ đồng hành. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội trong tương lai.
Song song với đó, việc chống lại hoặc trấn áp tình trạng bất ổn sẽ kìm chế đà tăng trưởng kinh tế và công cuộc hiện đại hóa; đây đều là những yếu tố làm nền tảng để Trung Quốc trở thành một siêu cường.
Gánh nặng nợ nần
Gánh nặng nợ nần của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục tăng lên. Điều này đã diễn ra trong một thời gian dài. Cuối cùng thì người dân, các công ty hay nhà nước cũng sẽ phải gánh chịu những thiệt hại.
Dù bằng cách nào, điều này cũng không có lợi cho sự trỗi dậy bền vững về kinh tế, vốn là điều cần thiết để củng cố địa vị siêu cường.
Tác động của biến đổi khí hậu
Trong khi đó, tình trạng hạn hán ít được đề cập, song những tác động về kinh tế và xã hội của nó có thể rất tàn khốc.
12 tỉnh phía Bắc, với khoảng một nửa ngành công nghiệp, sản xuất điện, nông nghiệp và dân số của Trung Quốc, đang phải chịu cảnh khan hiếm nước cấp tính hoặc khan hiếm nước.
Việc chuyển nước từ phía Nam, nơi chiếm 80% lượng nước, thông qua Dự án vận chuyển nước Nam Bắc, trong trường hợp tốt nhất cũng chỉ là một biện pháp giảm nhẹ ngắn hạn. 28.000 con sông đã biến mất trong khoảng thời gian 20 năm cho thấy mô hình hiện tại đang không bền vững đến thế nào.
Bất cập về giáo dục
Cuối cùng, các vấn đề về giáo dục của Trung Quốc chưa thể khắc phục kịp thời. Chỉ 30% lực lượng lao động của Trung Quốc đã tốt nghiệp trung học cơ sở.
Không có quốc gia nào thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình" thành công với một lực lượng lao động chưa đến 60% có trình độ từ trung học trở lên. Những nỗ lực để khắc phục điều này sẽ mất nhiều thời gian.
Trong khi đó, 70% trẻ em là ở nông thôn (do người dân ở thành thị sinh ít con hơn) và một tỷ lệ lớn bị suy dinh dưỡng.
Không có chương trình đào tạo nghề nào có thể cung cấp được một lực lượng lao động có trình độ công nghệ và khả năng đổi mới cao nếu chương trình đó phải dựa vào những người chưa biết cách học.
Việc giải quyết 4 thách thức này chắc chắn sẽ khó khăn hơn đối với Trung Quốc. Nếu không có một nền tảng kinh tế vững chắc, rất có thể Trung Quốc sẽ không thể thay thế Mỹ trở thành siêu cường của thế giới.