Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Tạp chí Người làm báo, các cơ quan báo chí - truyền thông, các cơ sở đào tạo chuyên ngành báo chí - truyền thông...
Các đại biểu tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Q. Chinh) |
Phát biểu khai mạc, Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, mục đích của Tọa đàm nhằm làm rõ các nội dung của Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0, các công nghệ làm báo hiện nay và các phóng viên cần làm gì để thích ứng với CMCN 4.0.
Nhìn chung, các đại biểu tham gia Tọa đàm cho rằng, trong lĩnh vực báo chí truyền thông, CMCN 4.0 đang tác động trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.
Để nắm bắt được xu thế mới này, các cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần hiểu sâu hơn về những tác động của cuộc CMCN 4.0, từ đó có những bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới, đưa ra một số giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí cũng như kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.
TS. Trần Quang Diệu, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trình bày tại Tọa đàm. (Ảnh: Q. Chinh) |
Tọa đàm “Làm báo trong xu thế CMCN 4.0” cũng tạo ra mối quan hệ gắn kết giữa các cơ quan báo chí với cơ sở đào tạo báo chí nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng sự thay đổi của môi trường truyền thông. TS. Trần Quang Diệu, giảng viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, năm nay Học viện đã xây dựng một số chương trình đào tạo mới, trong đó có truyền thông đa phương tiện và truyền thông đại chúng, ngoài ra còn có báo điện tử, báo truyền hình chất lượng cao...
“Chúng tôi mời những chuyên gia, những nhà báo nổi tiếng tại Việt Nam, Hàn Quốc và châu Âu đóng góp trực tiếp vào các môn học, tham gia xây dựng chương trình đào tạo” – TS. Diệu chia sẻ.