“Cầu nối” hỗ trợ doanh nghiệp khám phá FTA
Ngày 17/9/2020, Công ty Vina T&T Group làm lễ xuất khẩu lô trái cây đầu tiên sang thị trường châu Âu, gồm 20.000 trái dừa xiêm xuất vào Anh, 12 tấn bưởi da xanh vào Đức, 3 tấn thanh long tới Hà Lan. Dù tổng giá trị lô hàng không lớn (75.000 USD) so với doanh số hơn 40 triệu USD/năm của doanh nghiệp này, nhưng dấu ấn quan trọng là lô hàng được xuất đi EU được hưởng thuế 0%, nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Vina T&T Group chia sẻ: “Tuần nào, chúng tôi cũng xuất trái cây tươi đi rất nhiều thị trường, như Mỹ, Australia, Canada…, nhưng với đơn hàng đi EU chỉ sau một thời gian ngắn thực thi EVFTA, thì đó là dấu mốc rất đặc biệt, chứng minh doanh nghiệp đã khai thác nhanh nhạy FTA mà Chính phủ, các bộ, ngành đã dày công đàm phán trong nhiều năm, giúp hàng hóa trong nước rộng cửa xuất khẩu và tăng ưu đãi.
Ngày càng nhiều hoa quả Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế để tận dụng cơ hội từ các FTA. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, trong đó 14 FTA đã đi vào thực thi và 1 FTA đang chờ phê chuẩn. Ngoài ra, có 2 FTA đang đàm phán. Hiệu ứng từ hội nhập của đất nước đã giúp nhiều ngành hàng nhanh chóng ghi điểm trong đàm phán đơn hàng xuất khẩu với đối tác nước ngoài.
Năm 2020 có 31 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2021, đã có 22 mặt hàng xuất khẩu vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD.
Không thể phủ nhận sự chủ động tìm hiểu các FTA của từng doanh nghiệp, trong đó, kênh thông tin từ báo chí về đàm phán, ký kết, thời điểm thực thi, lộ trình giảm thuế, quy tắc xuất xứ… đã và đang được nhiều doanh nghiệp theo dõi sát, từ đó đối chiếu với nguồn tài liệu từ cơ quan chức năng để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khai thác thị trường.
“Là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, mặt hàng được coi là nhạy cảm với nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ các thị trường lớn, thì nguồn thông tin đáng tin cậy về các FTA mà chúng tôi khai thác là từ báo chí. Hay những bài học về chinh phục thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu thành công, tổ chức lại sản xuất theo đúng “khẩu vị” của khách hàng trọng điểm nhờ đón đầu các FTA của các doanh nghiệp, doanh nhân trong nước được báo chí đăng tải giúp doanh nghiệp soi chiếu, học hỏi để có thêm kinh nghiệm áp dụng cho doanh nghiệp của mình”, ông Tùng chia sẻ.
Từng có đơn hàng đi Mỹ, Australia chưa thành công do mắc lỗi, nhưng sau mỗi lần “sửa sai”, Vina T&T đã trưởng thành hơn nhiều. Kinh nghiệm từ chuẩn bị nguồn hàng cho mỗi thị trường dày lên sau mỗi FTA đi vào thực thi. “Yêu cầu tại mỗi thị trường theo FTA không giống nhau, nhưng là nhà xuất khẩu chuyên nghiệp, Vina T&T phải làm hài lòng được khách hàng để có ưu đãi thuế triệt để nhất”, ông Tùng nhấn mạnh.
Tin liên quan |
Vải thiều Bắc Giang vượt dịch Covid-19 xuất ngoại |
Việt Nam trở thành nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường. Nhờ vậy, doanh nghiệp Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Nền kinh tế mở hơn, hội nhập sâu rộng hơn, các FTA song phương và đa phương với nhiều nền kinh tế được ký kết, thực thi đồng nghĩa với gia tăng cơ hội cho các ngành hàng vươn ra biển lớn. Nhưng thực tế, ngoài nhóm doanh nghiệp thiện chiến, biết chủ động tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường từ các FTA, thì vẫn còn không ít doanh nghiệp vẫn mơ hồ với các FTA, nên hoạt động xuất khẩu dù vẫn diễn ra liên tục, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa biết cách tận dụng hết ý nghĩa của mỗi FTA để được hưởng ưu đãi thuế quan, tăng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.
Đơn cử, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một FTA thế hệ mới đi vào thực thi từ đầu năm 2019, được kỳ vọng tăng xuất khẩu cho doanh nghiệp nhiều ngành hàng lớn, nhưng bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (thuộc VCCI) thừa nhận, vẫn có tới 69,15% doanh nghiệp phản hồi có “nghe nói hoặc biết qua” về hiệp định này; chỉ có 19,81% doanh nghiệp được hỏi “biết khá rõ” và 4,81% doanh nghiệp “biết rõ”. Tỷ lệ doanh nghiệp hoàn toàn không biết gì về CPTPP là 5,84%.
Để khỏa lấp “khoảng trống” thông tin về hội nhập, báo chí thời gian qua còn sáng tạo, kết nối với cơ quan quản lý, quy tụ được các doanh nghiệp tận dụng FTA thành công tổ chức dày hơn các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo về các chủ đề liên quan đến FTA để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận thông tin hội nhập được thuận lợi.
Đường dài chinh phục
Những ngày này, thông tin về xuất khẩu “nóng” nhất trên mặt báo là các chuyến bay chuyên chở vải thiều của Việt Nam đến các thị trường toàn cầu. Xuất khẩu vải thiều nóng hơn mọi năm là bởi vùng sản xuất chủ lực tại Bắc Giang oằn mình chống dịch, mà thời gian thu hoạch nông sản này chỉ rộ trong 2 tháng.
Thông tin với báo chí, ông Chung Trí Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Pacific Foods, đơn vị xuất khẩu lô vải thiều đầu tiên đi EU cho biết rằng, doanh nghiệp của ông phải mất 3 năm tìm hiểu và đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải sang EU.
“Kể cả có EVFTA, thì mọi việc cũng không dễ dàng. Hành trình để quả vải sang được tay người tiêu dùng châu Âu không hề đơn giản. Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lý sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát. Chúng tôi cũng liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, đảm bảo từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng”, ông Phong kể.
Cơ hội mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu luôn song hành với các điều kiện đi kèm. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Còn nhớ, trước thời điểm EVFTA có hiệu lực 1 tháng, tại Tọa đàm Chính sách thuế và thủ tục hải quan khi thực hiện EVFTA do Báo Hải quan phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, cả phòng họp tầng 1 tại Tổng cục Hải quan chật kín. Không hiếm doanh nhân kéo vali từ sân bay về thẳng hội trường nhằm tìm kiếm thông tin về thực thi FTA với thị trường 27 nước thành viên châu Âu rộng lớn.
Cùng với những con số về lộ trình giảm thuế trong EVFTA, câu chuyện đáp ứng xuất xứ hàng hóa, rào cản kỹ thuật, sản xuất bền vững... khiến những đánh giá về khả năng tận dụng cơ hội có vẻ không dễ dàng và điều này làm không ít doanh nghiệp thuộc các ngành hàng, nhất là dệt may, lo lắng về khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ.
Nhưng trên tất cả, nguồn thông tin từ báo chí, với ý kiến từ các bộ, ngành liên quan đến mỗi FTA, doanh nghiệp quan tâm thật sự đều hiểu rằng, cơ hội mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu luôn song hành với các điều kiện đi kèm, như để được giảm thuế, hàng hóa phải thỏa mãn được danh mục các yêu cầu cụ thể với từng ngành hàng mà thị trường đặt ra.
Có thể nói, chặng đường hội nhập của nền kinh tế, đặc biệt thông tin về 17 FTA, đã được cộng đồng doanh nghiệp Việt lĩnh hội nhiều qua báo chí. Điều này cũng đồng nghĩa, đòi hỏi của độc giả, vốn là những người giữ vị trí cao trong doanh nghiệp, với báo chí trong việc tiếp nhận những thông tin về hội nhập sẽ ngày càng cao hơn, sâu hơn, nhưng phải dễ lĩnh hội hơn.
Đây sẽ là áp lực để các nhà báo phải trau dồi kiến thức về hội nhập, thay đổi tư duy tiếp cận đề tài, cách viết, gia tăng tiếp cận nguồn tin từ các cơ quan quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp có cách tiếp cận FTA thúc đẩy xuất khẩu thành công nhờ các FTA để có nguồn thông tin đa chiều gửi đến độc giả.