📞

Báo chí, sự cạnh tranh của trí tuệ nhân tạo (AI) và câu chuyện 'giữ chân' độc giả

Nguyệt Hà 08:15 | 19/06/2024
Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển cùng với mạng xã hội đã và đang tạo ra một không gian phát triển mới, buộc báo chí truyền thống phải thay đổi, chuyển đổi số để “giữ chân” độc giả.
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi cho rằng, báo chí thời nay cần phải thay đổi để giữ chân độc giả. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, ông Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho rằng, trên thế giới, robot phóng viên được nhiều cơ quan báo chí ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thực hiện qua hệ thống AI. Hãng thông tấn AP (Mỹ) là cơ quan báo chí đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống AI để viết tin, công việc trước đó hầu như chỉ độc quyền do phóng viên đảm nhiệm.

Tại Nhật Bản, hệ thống AI có thể vừa lấy tin từ thị trường chứng khoán kết hợp với thông tin từ thông cáo báo chí để viết tin trong thời gian rất ngắn. Nhìn từ đời sống báo chí truyền thông tại một số nước có thể thấy, sử dụng robot sẽ giảm bớt khối lượng công việc cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, người làm báo luôn phải sản xuất nội dung trên nền tảng những hiểu biết căn bản về báo chí. Nếu bỏ qua nền tảng đó, nhà báo chỉ có “ngọn” mà mất cái “gốc”...

AI giảm bớt gánh nặng cho phóng viên, biên tập viên

Trên con đường phát triển, các cơ quan báo chí Việt Nam đang đối mặt với những vấn đề gì, theo ông?

Hiện nay, các cơ quan báo chí tại Việt Nam đang phải đối mặt với 4 vấn đề trong quá trình phát triển.

Một là, nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn, có thể gây ra những tổn hại lớn.

Hai là, ảnh hưởng đến thông tin từ mạng xã hội, thậm chí bị tác động bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp.

Ba là, xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin cũng ngày càng cao. Bốn là, sự thay đổi vai trò, vị thế của công chúng, đang từ thế bị động chuyển sang chủ động, vừa là người tiêu thụ các sản phẩm báo chí truyền thông, đồng thời là người tham gia vào quá trình truyền tải thông tin.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí đa phương tiện, các loại hình truyền thông xã hội như trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter, Youtube…) đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho hoạt động báo chí. Xu hướng hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện ngày càng trở nên phổ biến cũng đặt ra những thách thức cần sự chuyển đổi số tại các cơ quan chí, chuyển đổi từ tập trung cho báo in sang báo điện tử.

Đặc biệt, yêu cầu cập nhật thông tin nhanh nhạy, chính xác của bạn đọc đòi hỏi báo chí phải có sự đổi mới về công nghệ, tổ chức bộ máy để theo kịp xu thế đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới đặt ra không ít thách thức đối với các cơ quan báo chí, nhất là báo in và tạp chí đang phải “oằn mình” chống chọi với các "thế lực" đến từ mạng xã hội.

Trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên nền tảng số, 90% dùng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI. Vậy chuyển đổi số và AI ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của báo chí hiện đại, nhất là kinh tế báo chí?

Trên thế giới, robot phóng viên được nhiều cơ quan báo chí ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thực hiện qua hệ thống AI. Hãng thông tấn AP (Mỹ) là cơ quan báo chí đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống AI để viết tin, công việc trước đó hầu như chỉ độc quyền do phóng viên đảm nhận. Tại Nhật Bản, hệ thống AI có thể vừa lấy tin từ thị trường chứng khoán kết hợp với thông tin từ thông cáo báo chí để viết tin trong thời gian rất ngắn.

Nhìn từ đời sống báo chí truyền thông tại một số nước có thể thấy, robot được sử dụng sẽ giảm bớt khối lượng công việc cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Đại học Oxford - Anh) vào đầu năm 2022 cho thấy, hơn 80% lãnh đạo tòa soạn báo ở nước này lo ngại tình trạng phóng viên bị quá tải vì công việc. Đồng thời, họ đang phải đối mặt với một thực tế là muốn tuyển dụng và giữ chân phóng viên có năng lực là vô cùng khó khăn.

Thực tế, AI đang giúp các cơ quan báo chí bước ra khỏi sự đơn điệu, chuyển mình để không bị bỏ lại phía sau. Nhưng liệu công nghệ này có thay thế nhà báo hay không?

AI sẽ có vai trò như những người giúp việc, giảm bớt gánh nặng cho phóng viên, biên tập viên như sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản sẽ tiết kiệm được số lượng thời gian bóc băng ghi âm của phóng viên…

Một ví dụ rất điển hình là robot viết tin bằng AI của dịch vụ tin tức Trung Quốc mang tên Toutiao. Trong 15 ngày diễn ra Olympic Rio 2016, robot này sản xuất được 450 tin. Mỗi tin có độ dài khoảng 100 từ. Qua đó, có thể thấy robot sản xuất được hàng loạt bản tin với mức độ chính xác rất cao trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng ở yếu tố đơn giản, lặp đi lặp lại, dựa trên những cái có sẵn mà không có tính sáng tạo. Đối với những sản phẩm báo chí điều tra hay yêu cầu tác nghiệp hiện trường, robot không thể thay thế con người.

Không thể phủ nhận rằng, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, người làm báo luôn phải sản xuất nội dung trên nền tảng những hiểu biết căn bản về báo chí. Nếu bỏ qua nền tảng đó, nhà báo chỉ có “ngọn” mà mất cái “gốc”.

Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức đối với người làm báo và công tác quản lý báo chí. (Ảnh minh họa: Internet)

Báo chí thay đổi để "giữ chân" độc giả

Góc nhìn của ông về sự tác động của mạng xã hội đối với báo chí trong thời gian gần đây?

Ai cũng biết, pageview (số lượt xem) của mỗi tin, bài báo điện tử một thời từng được coi là thước đo đánh giá hiệu quả truyền thông. Nhưng hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã dần chú trọng hơn đến chỉ số tương tác qua mạng xã hội, bao gồm cả số lần “like” (thích), “comment” (bình luận) hay số lần được “share” (chia sẻ). Điều đó cho thấy, số lượng truy cập từ mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các báo điện tử, đó cũng chính là thước đo để đem lại nguồn thu cho cơ quan báo chí điện tử.

Không thể phủ nhận, một tin, bài đăng trên báo điện tử không chỉ nhắm đến độc giả, mà còn phải giới thiệu, quảng bá đến bạn bè của nhóm độc giả đó. Chỉ có như vậy, các tác phẩm báo chí mới dễ dàng được chia sẻ và lan truyền trên môi trường Internet.

Mạng xã hội giữ vai trò mở rộng không gian thông tin, tạo uy tín cho cơ quan báo chí truyền thông chuyên nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các hãng truyền thông ngày càng gay gắt, mạng xã hội có thể đáp ứng nhu cầu muốn nhanh của công chúng, giúp các hãng truyền thông có thể đi đầu trong “trận địa” chiếm lĩnh thông tin và có thể thông qua mạng xã hội liên tục đưa tin về những diễn biến mới nhất của sự kiện.

Có thể khẳng định, mạng xã hội đã và đang tạo ra một không gian phát triển mới, buộc báo chí truyền thống phải thay đổi để “giữ chân” độc giả. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, mạng xã hội có lợi thế hơn báo chí truyền thống.

Tuy nhiên, báo chí vẫn có chỗ đứng vững chắc và quan trọng của mình trong “trận địa” thông tin mở như hiện nay nếu duy trì được chất lượng, coi nội dung là “vua”, công nghệ là “nữ hoàng”. Đồng thời, kết hợp được những tính ưu việt mà mạng xã hội đem lại, từ đó tăng cường sức mạnh cũng như tăng giá trị cho báo chí truyền thống.

Hiện nay, sự tác động của công nghệ vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức đối với người làm báo và công tác quản lý báo chí. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của Internet và truyền thông đa phương tiện đang tác động ngày càng sâu rộng đến đời sống xã hội, đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển của kinh tế báo chí. Trong đó, xu hướng hội tụ công nghệ và sự sụt giảm chỉ số phát hành của báo in thời gian qua đã tác động trực tiếp, nhiều mặt và ngày càng phức tạp đến hoạt động của báo chí nước ta.

"Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", trong môi trường truyền thông hiện nay, nhất là xu hướng chuyển đổi số, báo chí Việt Nam cần phải có hướng đi như thế nào để không bị bỏ lại phía sau, theo ông?

Làm thế nào để phát triển quảng cáo số, nâng cao uy tín, thương hiệu cho cơ quan báo chí là bài toán rất cần lời giải. Chưa bao giờ, từ khóa "cách mạng công nghiệp 4.0" lại xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông như thời gian qua.

Thực chất, cách mạng công nghiệp 4.0 có thể hiểu một cách đơn giản về một môi trường mà máy tính, tự động hóa và con người sẽ cùng nhau làm việc theo một cách hoàn toàn mới. Trong đó, robot hay máy móc nói chung được kết nối với hệ thống máy tính qua mạng Internet.

Qua các cảm biến, hệ thống sử dụng thuật toán để điều khiển máy móc, cần rất ít hoặc thậm chí không cần sự can thiệp nào từ con người tham gia quá trình sản xuất. Đây là lý do mà nhiều người gọi cách mạng công nghiệp 4.0 như là một “nhà máy thông minh”. Thực tế cho thấy, AI ngày càng phát triển và đang được sử dụng để thay thế cho con người trong nhiều lĩnh vực.

Trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Để cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ, giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí.

Cùng với đó, việc sản xuất nội dung chất lượng cao, sản phẩm dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ truyền thông hiện đại, hoặc AI thường tạo ra các trải nghiệm có giá trị cao cho công chúng báo chí truyền thông. Gần đây, có một số tác phẩm báo chí tạo ra tính tương tác với độc giả cũng như sự gần gũi giữa nhà báo và công chúng. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận đến từ khóa “kinh tế báo chí số”. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, quảng cáo chính là nguồn thu chủ yếu của các cơ quan báo chí.

Trong bối cảnh đó, cùng với xu hướng thu gọn đầu mối cơ quan báo chí theo quy hoạch là việc giảm ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp, tiến tới xây dựng các mô hình báo chí tự chủ về tài chính. Để tranh thủ cơ hội và thuận lợi, vượt qua thách thức, các cơ quan báo chí cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng công tác chuyển đổi số, nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, đồng thời tạo nguồn thu phù hợp cho sự phát triển của các cơ quan báo chí hiện nay.

Xin cảm ơn ông!