📞

Báo động đỏ an toàn chạy tàu - chuyện chưa hồi kết

14:15 | 14/07/2024
Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, nạn ném đá đường tàu đang gia tăng, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024 trên các tuyến đã xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thường xuyên tuyên truyền về tác hại của hành vi ném đá lên tàu hỏa. (Nguồn: TTXVN)

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, lúc 23h55’ ngày 10/7/2024, tàu hỏa H2705 đi trên tuyến Hà Nội - Lào Cai khi qua xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, bất ngờ phụ lái Nguyễn Văn Quân (53 tuổi) bị người dân ném đá trúng vào đầu, chảy nhiều máu.

Lái chính cố gắng đưa tàu về đến ga Mậu Đông lúc 10h04’ ngày 11/7 để đưa nạn nhân đi bệnh viện Mậu A cấp cứu. Tàu đỗ ga Mậu Đông gần 2 giờ để chờ phụ lái tàu khác đến thay thế. Nghi phạm sau đó đã bị công an bắt giữ.

Dư luận hẳn còn chưa thể quên sự hy sinh của ông Lê Minh Phú, lái tàu Đội 1 (Phân xưởng vận dụng, Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng). Ông đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương dũng cảm do thực hiện nhiệm vụ, cứu người, cứu tài sản của nhà nước và Nhân dân.

Theo phụ lái Hồ Ngọc Hải, tối ngày 10/3/2015, đoàn tàu đang chạy với tốc độ khoảng 75 km/giờ trong khu gian Quảng Trị - Diên Sanh. Khi đến gần đường ngang km 639 + 750 (có cảnh báo tự động), chiếc xe ben lớn chạy cùng chiều bất ngờ bật đèn xi nhan. Lái tàu liên tục kéo còi cảnh báo nhưng chiếc xe vẫn không dừng và đột ngột băng qua.

Lúc này, lái tàu Lê Minh Phú đã hô phụ lái tìm chỗ lánh nạn, còn mình kéo tay máy, hãm phanh khẩn cấp nhưng không tránh khỏi cú đâm trực diện với xe ben. Sau va chạm, 3 toa xe giáp đầu máy bị văng ra khỏi đường sắt, may mắn là toàn bộ 583 hành khách và 29 nhân viên trên tàu được an toàn. Riêng lái tàu Phú bị kẹt trên cabin đầu máy, tử nạn. Ngành đường sắt thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng chi cho việc sửa chữa đầu máy, toa xe, hạ tầng và chuyển tải hành khách.

Thống kê của VNR cho thấy, nạn ném đá đường tàu đang gia tăng, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024 trên các tuyến đã xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe. Các địa phương hay xảy ra tình trạng này gồm Khánh Hòa (18 vụ); Đồng Nai (15 vụ) Bình Định (8 vụ); Quảng Nam (8 vụ); Bình Thuận và Thừa Thiên Huế mỗi địa phương 5 vụ; Quảng Trị, Quảng Ngãi và Ninh Thuận mỗi địa phương 4 vụ.

Thậm chí, lo lắng cho an toàn giao thông và tính mạng hành khách, nhân viên..., mới đây ngành đường sắt đã phải “cầu viện” tỉnh Quảng Ngãi trợ giúp ngăn chặn tình trạng ném đá làm vỡ kính toa xe. Bởi nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, các vụ ném đá hầu hết xảy ra vào ban đêm, địa điểm là vị trí vắng người sẽ xảy ra với tần suất dày hơn.

Năm 1881, tuyến đường sắt đầu tiên tại Việt Nam và Đông Dương khởi công xây dựng dài 71 km nối Sài Gòn với Mỹ Tho, sau đó mở rộng với tổng chiều dài 2.600 km xuyên suốt ba miền đất nước. Hiện mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga, trong đó 2.703 km đường chính tuyến, 612 km đường ga và đường nhánh, bao gồm 7 tuyến chính.

Theo Điều 35 Chương IV Luật Đường sắt (Luật số: 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017), lái tàu và phụ lái tàu là các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, có độ tuổi từ đủ 23 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ; có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe.

Giao thông phức tạp, cơ sở hạ tầng cũ kỹ lạc hậu nên nghề lái tàu hỏa được xem là nghề nguy hiểm do tai nạn luôn rình rập. Đáng lo hơn, những năm gần đây, trường Cao đẳng Đường sắt tuyển sinh rất khó. 3 năm nay, hệ cao đẳng không mở được lớp vì chỉ dưới 10 hồ sơ dự tuyển. Đó là vì không như tài xế ô tô, học lái tàu chỉ lái được tàu, ra nghề thì phải trải qua nhiều lần thi, mất nhiều năm mới được lên lái chính. Trong khi, thu nhập hiện nay thấp mà áp lực, rủi ro cao.

Học viên được tuyển vào trường phải đạt hai điều kiện: đủ sức khỏe theo quy định đối với nghề lái tàu đường sắt về chiều cao, cân nặng, thị lực, thính lực… do Bộ Y tế quy định; tốt nghiệp THPT và được hội đồng tuyển sinh nhà trường xét tuyển vào học.

Học xong, học viên còn phải vượt qua các bài kiểm tra, đánh giá để được làm phụ lái 1, nếu suôn sẻ, phải đạt điều kiện ít nhất 24 tháng liên tục lái tàu an toàn với 30 nghìn km an toàn, đảm bảo định mức nhiên liệu trung bình theo quy định của xí nghiệp, không bị kỉ luật, không vi phạm quy định đến mức bị xử lý khiển trách bằng văn bản trở lên, mới được thi lên chức danh phụ lái 2.

Từ phụ lái 2 muốn lên chức danh lái tàu chính (tài xế) phải đạt ít nhất 36 tháng liên tục lái tàu an toàn nữa và các điều kiện khác tương tự. Nếu “thuận buồm xuôi gió” để có thể chính thức oai phong như những hiệp sĩ “cầm cương” chinh phục khối thép nặng trên 100 tấn đòi hỏi thêm 5-6 năm.

Dù bản lĩnh, dũng cảm và yêu nghề tới chừng nào, với bất kỳ nhân viên ngành đường sắt, mỗi lần xảy ra va chạm, tai nạn hay sự cố đường sắt (phương tiện khác đâm va tàu, thiên tai bão lũ gây nguy hiểm cho hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt, vật thể lạ đe dọa trực tiếp sự an toàn cho ban máy…) đều cần có khoảng thời gian dài để họ trở lại trạng thái bình thường. Nhẹ thì cũng mất thời gian bình phục, nặng thì trả giá bằng chính tính mạng của mình, tất cả vì mục tiêu đưa những chuyến tàu đi đến nơi về đến chốn.

Ném đá, đất, chất bẩn... là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, tùy theo tính chất hành vi và mức độ thiệt hại. Cụ thể, theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi ném đá vào tàu hỏa đang chạy bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Nếu làm người khác bị thương buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Căn cứ Khoản 1, Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 22, Điều 1, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một số trường hợp cụ thể thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Từ thực tiễn tình hình, tới đây ngoài việc đôn đốc các đơn vị thực hiện đồng bộ giải pháp phòng chống ném đất đá lên tàu, VNR cần tiếp tục phối hợp với chính quyền, công an địa phương đến từng hộ dân hộ dân sống dọc 2 bên đường sắt để tuyên truyền, vận động ký cam kết không ném đất, đá lên tàu.

Công an các địa phương dọc theo tuyến phải theo dõi, xác minh, điều tra, xử lý, răn đe người có hành vi ném đá lên tàu, trong khi ngành đường sắt thông báo những vụ ném đá để học sinh hiểu hành động này là vô cùng nguy hiểm.

Bên cạnh bài toán cân đối đảm bảo điều kiện tái tạo sức lao động cũng như cải thiện thu nhập để giữ chân nguồn nhân lực lái, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân bởi đường sắt là độc đạo, ưu tiên.

Chúng ta cần cùng hành động để mỗi phút giây lên ban máy là quãng thời gian vui vẻ, thoải mái và an toàn với chú lái tàu.

(theo dangcongsan.vn)