Việt Nam đang đứng trước giai đoạn hội nhập mới với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại quan trọng như Hoa Kỳ, EU… Bên cạnh những cơ hội mà các FTA mang lại, nền kinh tế của Việt Nam cũng đứng trước thách thức lớn khi mở rộng cửa cho hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc cắt giảm, loại bỏ thuế quan.
Tuy nhiên, trong khi ở nhiều quốc gia các công cụ phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… từ lâu đã được sử dụng hiệu quả để bảo vệ các doanh nghiệp (DN) khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, thì tại Việt Nam các công cụ này dường như vẫn còn không được tận dụng? Vậy điều gì cản trở DN Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài?
Không xa lạ, nhưng thiếu kinh nghiệm
Kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ không hoàn toàn là những công cụ xa lạ đối với nhiều DN Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các DN biết về công cụ này như là một thứ rào cản đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài, mà không phải là một công cụ bản thân họ có thể sử dụng để chống lại các loại hàng hóa nhập khẩu không lành mạnh vào thị trường Việt Nam.
Trong khi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đến nay đã là đối tượng của cả trăm vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, có tới 72 vụ kiện chống bán phá giá, 7 vụ kiện chống trợ cấp và 19 vụ kiện tự vệ. Đổi lại, Việt Nam mới chỉ khởi xướng được năm vụ kiện phòng vệ thương mại, với bốn vụ kiện tự vệ và một vụ kiện chống bán phá giá, mà điển hình là mặt hàng thép không gỉ cán nguội do công ty Posco VST và Inox Hòa Bình kiện các đối tác của Trung Quốc, Malaysia và Indonesia.
Điều này dường như đang đi ngược với thông lệ quốc tế khi biện pháp tự vệ là những biện pháp rất ít được sử dụng so với hai biện pháp còn lại. Bởi, biện pháp đã được áp dụng không phải để chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà chỉ đơn thuần là bảo hộ tạm thời trước tình trạng gia tăng đột biến của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa.
Hiện tượng này có thể được lý giải là do các vụ điều tra tự vệ thường đòi hỏi trách nhiệm chứng minh nhẹ hơn cho các nguyên đơn, vì thế DN dễ đi kiện hơn. Đây là một ưu thế đặc biệt có ý nghĩa của kiện tự vệ so với các biện pháp phòng vệ thương mại khác đối với các DN nguyên đơn chưa có nhiều kinh nghiệm kiện tụng. Việc Việt Nam sử dụng nhiều công cụ tự vệ có lẽ cũng là cách thức bắt đầu hợp lý.
Công cụ chỉ của “nhà giàu”?
Nhìn lại hầu hết các vụ việc phòng vệ thương mại của Việt Nam thì nguyên đơn chỉ bao gồm 1 DN, với 2 vụ tự vệ hoặc 2 DN với vụ chống bán phá giá và sản lượng sản phẩm liên quan mà các nguyên đơn sản xuất chiếm tới khoảng trên dưới 70 - 80% tổng sản lượng sản xuất nội địa. Thực tế này có lẽ cũng không quá khó lý giải, bởi thường các DN có thị phần thống lĩnh là các DN mạnh, được suy đoán là có đủ năng lực để thực hiện việc đi kiện theo các thủ tục phức tạp cũng như có đủ nguồn lực để “đầu tư” vào việc đi kiện, coi đó như một chiến lược kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc công cụ phòng vệ thương mại hiện vẫn đang là “công cụ” của nhà giàu, chưa phải là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích của các DN nhỏ, vốn là những chủ thể thường phải chịu tác động mạnh nhất từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Về mặt lý thuyết, hàng hóa nhập khẩu càng nhiều thì nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh càng lớn hơn. Ngoài ra, trong các tính toán điều tra phòng vệ thương mại, luôn có nội dung về sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu, tức là nhấn mạnh đến lượng nhập khẩu. Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hàng hóa nhập khẩu ít hơn thì nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh ít hơn hay số vụ kiện sẽ ít hơn. Đây cũng là tín hiệu cho thấy nhiều loại hàng hóa của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu chưa được bảo vệ bằng công cụ phòng vệ thương mại.
Có thể thấy, việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại ở Việt Nam đã bắt đầu, tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề cần bàn trước khi có thể hy vọng các công cụ này sẽ được sử dụng phổ biến và hiệu quả ở Việt Nam nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các DN sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.