📞

Bao giờ thế giới không vũ khí hạt nhân?

10:31 | 19/08/2018
Tại lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản ngày 6 và 9/8/1945, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc tất cả các nước cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân (VKHN). Ông bày tỏ lo ngại cuộc chiến tranh hạt nhân vẫn hiện hữu 73 năm sau thảm kịch tại Hiroshima và Nagasaki.

Tròn 73 năm sau ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định: Nhật Bản, với tư cách là nước duy nhất từng chịu thảm họa bom nguyên tử, sẽ tiên phong hướng tới tạo lập một thế giới không VKHN.

Tấn thảm kịch từ VKHN

Theo Wiki, ngày 6/8/1945, Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên Little Boy (Cậu bé) xuống thành phố Hiroshima, làm khoảng 140.000 người thiệt mạng. Sau đó 3 ngày, Mỹ tiếp tục thả quả bom thứ hai “Fat Man” (Gã mập) xuống Nagasaki, làm chết  74.000 người.

Vai trò của vụ ném bom nguyên tử đối với việc nước Nhật đầu hàng, cũng như hậu quả và các giải thích cho sự kiện này vẫn là chủ đề còn bàn cãi. Ở Mỹ, đa số cho rằng hai quả bom đã chấm dứt chiến tranh sớm hơn nhiều tháng và hạn chế thiệt hại sinh mạng các bên tham chiến. Ngược lại, dư luận Nhật cho rằng hành động này không cần thiết, chống lại dân thường và vô đạo đức.

Khoảng 140.000 người đã thiệt mạng trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima ngày 6/8/1945.

Tại lễ tưởng niệm, ông Kazumi Matsui, Thị trưởng Hiroshima, một trong hai thành phố bị ném bom nguyên tử, cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thiết lập hiệp ước quốc tế cấm VKHN toàn diện và coi đây là cột mốc hướng tới mục tiêu xóa bỏ loại vũ khí nguy hiểm này. Ông nhấn mạnh: “Nếu nhân loại quên đi lịch sử hoặc ngừng đấu tranh chống VKHN, chúng ta có thể tạo ra một sai lầm khủng khiếp”.

Ông Matsui cũng cảnh báo một số nước đang ngang nhiên hiện đại hóa kho VKHN, tái châm ngòi cho căng thẳng vốn đã được xoa dịu khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”. Thế giới hiện có hơn 14.000 VKHN.

Từ tham vọng tăng gấp 10 lần kho VKHN

Trong cuộc họp với đội ngũ an ninh quốc gia bàn về “những lựa chọn phản ứng trước mọi biểu hiện gây hấn từ Triều Tiên, nếu cần thiết, ngăn chặn Triều Tiên đe dọa Mỹ và đồng minh bằng VKHN” hồi tháng 7/2017, Tổng thống Trump từng nói ông muốn tăng kho VKHN lên gấp 10 lần, sau khi ông được giới thiệu một biểu đồ đi xuống của kho VKHN Mỹ kể từ cuối thập niên 1960.

Đáp lại, các quan chức đã giải thích về những trở ngại pháp lý và thực tiễn khi phát triển VKHN cũng như việc năng lực quân sự của Mỹ hiện tại mạnh mẽ ra sao. Theo Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ, Washington hiện có khoảng 4.000 đầu đạn hạt nhân. Bất kỳ sự gia tăng nào trong kho VKHN Mỹ cũng vi phạm các hiệp ước quốc tế về giải trừ quân bị được tất cả các đời tổng thống Mỹ ký từ những năm 1980 tới nay.

Thêm nữa, hồi đầu năm, bản thảo Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) do Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo bị rò rỉ, cũng hé lộ Mỹ có ý định mở rộng và hiện đại hóa kho VKHN.

Theo SCMP, một trong những loại VKHN được đề xuất là “đầu đạn hạt nhân đương lượng nhỏ” để trang bị cho tên lửa đạn đạo Trident phóng từ tàu ngầm. Dù được xếp vào nhóm vũ khí có sức công phá nhỏ, song mỗi đầu đạn này vẫn có uy lực mạnh hơn 2 quả bom ném xuống Nhật Bản.

Sự xuất hiện của VKHN cỡ nhỏ được cho là để đáp ứng “sự suy thoái của môi trường chiến lược”. Bộ Quốc phòng lập luận rằng nhiều nước đang sở hữu kho VKHN không thuộc quyền kiểm soát của các hiệp ước, đòi hỏi Mỹ phải phát triển khí tài tương tự để đáp trả khi cần thiết.

Lầu Năm Góc cũng đề xuất phát triển tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm (SLCM) thế hệ mới. Chính quyền cựu Tổng thống B. Obama từng xem xét giải pháp loại SLCM trong báo cáo hạt nhân năm 2010, nhưng quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng vũ khí này vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ không nên tìm cách chế tạo VKHN mới. Cựu quan chức hạt nhân trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Jon Wolfsthal nhận định, chính quyền Tổng thống Trump đang đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ sử dụng VKHN nếu cần thiết, nhưng không cần thiết bổ sung những VKHN thế hệ mới.

Bộ Quốc phòng không phủ nhận, chỉ nói NPR chưa hoàn thiện, phải được Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng phê duyệt.

Những loại tên lửa và đầu đạn hạt nhân mới sẽ làm tăng chi phí hiện đại hóa kho VKHN Mỹ. Năm ngoái, Quốc hội ước tính Mỹ sẽ phải chi 1.200 tỷ USD trong 30 năm tới để chế tạo và bảo quản VKHN thế hệ mới.

Ngay từ đầu năm, Tổng thống Trump đã kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2019 lên 686,1 tỷ USD, nếu tính cả các chi phí khác, con số này sẽ chạm mốc 716 tỷ USD. Theo tuyên bố của Tổng thống, đó là mức ngân sách quốc phòng cần thiết để Mỹ duy trì ưu thế trước các đối thủ, trong đó có Nga và Trung Quốc.

Ngày 13/8, Tổng thống Trump đã ký phê chuẩn ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm tài chính tới là 716 tỷ USD. 

Đến chạy đua vũ trang “ngầm” Nga-Mỹ

Nhiều chuyên gia nhận định, Nga và phương Tây lâu nay vẫn ngấm ngầm chạy đua vũ trang và chính tham vọng mở rộng kho VKHN của Mỹ đã khiến Nga ra Thông điệp liên bang “cứng rắn”.

Trong Thông điệp liên bang ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga V. Putin đã tiết lộ kho vũ khí bất khả chiến bại, có thể vô hiệu hóa hoàn toàn khả năng phòng thủ của Mỹ và NATO, trong đó có những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Những tiết lộ này làm dấy lên không ít lo ngại từ phía Mỹ và các đồng minh phương Tây. Song trên thực tế, bản thân Nga cũng nhiều lần chỉ trích hệ thống tên lửa của Mỹ triển khai tại các nước đồng minh châu Âu gần biên giới với Nga.

Tổng thống Putin cũng cho biết Nga chế tạo các hệ thống phòng thủ mới để đối phó với động thái triển khai lực lượng của Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng Washington chỉ bắt đầu “lắng nghe” sau khi biết được Moscow chế tạo các hệ thống vũ khí mới. Thậm chí, Tổng thống Putin còn nói rằng cuộc chạy đua vũ trang mới đã bắt đầu từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM).

Bản Thông điệp liên bang của Nga đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông thế giới. Những tiết lộ của ông Putin về kho vũ khí đã khiến truyền thông phương Tây bị “kích động”. Một số hãng tin cho rằng, Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga không khác gì tuyên bố một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.

Báo Aftenposten của Na Uy có bài viết “Putin đã giới thiệu vũ khí tận thế mới”. Tờ Sun của Anh chạy tiêu đề “Ngón tay đặt trên nút bấm”. Washington Post thì nhìn nhận Thông điệp của Tổng thống Nga chính là thông điệp gửi tới Washington, bởi vì Tổng thống Mỹ Trump trước đó không lâu đã công bố các kế hoạch phát triển kho VKHN mới của mình.

Tờ Financial Times cũng viết rằng, Mỹ đã công bố chiến lược hạt nhân mới hồi đầu tháng 2, kéo theo đó là phản ứng mạnh mẽ của Nga. Bởi vậy, Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga không hề gây bất ngờ.

Chuyên gia về chính sách ngoại giao và chính trị Gevorg Mirzayan tại Đại học Tài chính Nga cho rằng, dư luận Mỹ đã không hiểu thông điệp thực sự của Tổng thống Putin. Chia sẻ với Sputnik, ông Mirzayan nhận định: “Những học thuyết Nước Mỹ Mới về an toàn hạt nhân và an ninh quốc gia đã được thông qua từ vài tháng trước. Trong những học thuyết này Mỹ thậm chí còn không che giấu ý đồ ép buộc các đối tác có ưu thế về địa chính trị phải làm những gì Mỹ cần thông qua việc sử dụng sức mạnh cứng rắn”.

Theo chuyên gia Gevorg Mirzayan, Tổng thống Putin khẳng định rõ ràng việc dùng sức ép quân sự với Nga là không thể chấp nhận được. Và sự đáp trả của ông Putin không chỉ bằng lời nói mà còn là việc hé lộ những vũ khí mới của Nga. Tuy nhiên, ông Mirzayan cho rằng báo chí phương Tây đã bỏ qua mất thông điệp quan trọng nhất của Tổng thống Putin khi tiết lộ các vũ khí mới. Ông Mirzayan nói: “Tổng thống Putin đã đặc biệt nhấn mạnh chính sách của Nga không bao giờ dựa trên những tham vọng. Chính sách của Nga không những bảo vệ các lợi ích của mình mà còn tôn trọng lợi ích của các nước khác”.

Đối đầu Nga-Mỹ có lẽ mãi là như vậy. Vấn đề là, liên quan tới tham vọng mở rộng kho VKHN của Mỹ, giới chuyên gia cảnh báo nếu trở thành hiện thực, không chỉ với Nga, động thái này có thể làm bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới. Và như thế, bao giờ mới có “một thế giới không VKHN”?

Mỹ giải mật hàng trăm video thử bom hạt nhân tuyệt mật Theo Sputnik, hơn 250 cuộn phim ghi lại hoạt động thử bom hạt nhân bí mật trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh tiếp tục được Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore (LLNL) giải mật hồi đầu tháng 7/2018, sau 65 năm được cất giữ trong những kho lưu trữ an ninh nghiêm ngặt. Hai phần đầu của những thước phim này được LLNL công bố vào cuối tháng 3 và giữa tháng 12/2017.

Từ năm 1945 đến 1962, Mỹ đã cho nổ hơn 210 quả bom hạt nhân và sử dụng camera ghi lại từng vụ nổ thử nghiệm với tốc độ 2.400 khung hình/giây. Trong nhiều thập kỷ qua, đã có khoảng 10.000 thước phim dạng này được cất giữ. Hiện khoảng 4.200 thước phim đã được scan lại, 400-500 thước phim được phân tích và khoảng 750 thước phim được giải mật hoàn toàn.

ABC News dẫn lời nhà vật lý vũ khí của LLNL Greg Spriggs cho rằng, những thước phim này sẽ có vai trò ngăn chặn việc phổ biến VKHN trong thời gian tới. Ông Spriggs nhấn mạnh: "Tôi tin rằng nếu chúng ta hiểu được lịch sử, hiểu được mức độ tàn phá của những vũ khí này thì mọi người sẽ không muốn sử dụng chúng".

Hoàng Minh