Gần đây, dư luận xôn xao chuyện giáo viên phạt trẻ quỳ, phạt trẻ ngậm nước vắt ra từ giẻ lau bảng. Là một nhà giáo, ông suy nghĩ gì về những câu chuyện buồn này?
Chuyện giáo viên phạt học sinh không phải là vấn đề mới mẻ. Nhưng đáng buồn là một số giáo viên đang sáng tạo và “khủng khiếp hóa” các hình thức phạt theo thời gian. Trước đây, những hình thức phạt nếu có thường chỉ mang tính răn đe, giúp học sinh tiến bộ hơn trong học tập. Đồng thời, những hình phạt ấy không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cũng như sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh.
Ngày nay, các hình thức phạt biến chất ngày càng phổ biến và có xu hướng mang tính chất bạo lực (thể chất lẫn tinh thần). Đây là hồi chuông cảnh báo để chấn chỉnh lại mối quan hệ vốn dĩ tốt đẹp giữa thầy và trò. Có thể nói, đây là nỗi đau không thể chỉ nói bằng lời. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần hành động.
PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. |
Phải chăng cách dạy con, dạy học trò ở nhiều nhà, nhiều trường đang thực sự có vấn đề hay còn nguyên do nào khác, thưa PGS?
Tôi thấy vấn đề này cần phải được xem xét từ hai phía: gia đình và nhà trường. Thời đại ngày này, mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con nên cha mẹ thường có xu hướng cưng chiều con quá mức. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho các thầy cô khi đứng lớp.
Trong khi đó, những biện pháp như phê bình, mời phụ huynh hợp tác giáo dục đã không còn hiệu quả như trước. Quá bất lực, một số giáo viên đã mạnh tay sử dụng biện pháp bạo lực. Khi những biện pháp ấy vượt quá ranh giới sẽ bị lên án. Phụ huynh biết được lại tìm cách “đòi lại công bằng” cho con nên sẵn sàng bạo hành giáo viên. Cứ như vậy, một vòng luẩn quẩn lặp lại xuất phát từ sự nuông chiều của phụ huynh dẫn đến sự căng thẳng và phản ứng tiêu cực.
Nghề giáo không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”. Qua những câu chuyện buồn vừa qua, cho thấy thực trạng thiếu kỹ năng khi đứng lớp của một bộ phận nhà giáo?
Không thể phủ nhận rằng một số giáo viên khi đứng lớp chỉ “dạy” kiến thức mà chưa làm tròn việc “dỗ” học sinh. Điều này thể hiện thực trạng thiếu kỹ năng giao tiếp sư phạm cũng như bản lĩnh nghề nghiệp và nghệ thuật giáo dục của người giáo viên.
Trong bốn nguyên tắc giao tiếp sư phạm, nhiều giáo viên thực hiện khá tốt nguyên tắc “mô phạm”. Tuy nhiên, họ lại bỏ quên ba nguyên tắc cực kỳ quan trọng, đó là: đồng cảm, tôn trọng và thiện chí.
Giáo viên cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của học sinh để thấu hiểu tâm tư, tình cảm của các em. Đồng thời, người thầy phải tôn trọng sự khác biệt, nét riêng và luôn nhìn vào điểm tốt của mỗi em. Ở góc độ khác, một bộ phận giáo viên chỉ rèn luyện về kỹ thuật hay thao tác giảng bài mà chưa hoàn thiện kỹ năng tiếp cận, tương tác và chinh phục người học. Không ít giáo viên đã quá nôn nóng trong giáo dục, thiếu khả năng quản lý cảm xúc, thiếu sự tinh tế khi tác động đến học sinh.
Có lẽ lâu nay chúng ta mới chỉ nghiên cứu bạo lực học đường, coi học sinh là đối tượng nghiên cứu mà quên một đối tượng hết sức quan trọng, đó là giáo viên?
Trong việc giáo dục học sinh, bên cạnh khen thưởng không thể thiếu những hình thức trách phạt nhưng phải phù hợp và mang tính tích cực. Động cơ của những hình phạt ấy phải mang mục đích quan tâm, trăn trở về mục tiêu hoàn thiện nhân cách học sinh. Nếu những hành vi xuất phát từ động cơ không tốt chính là vấn đề bạo lực chúng ta cần lên án.
Nhưng cũng phải nói thêm rằng, chúng ta đừng nhìn một sự việc để quy gán cho thực tế. Bởi còn nhiều hình ảnh đẹp nao lòng về sự hy sinh của thầy cô cho học trò.
Vậy theo ông, giải pháp bền vững để giảm thiểu bạo lực học đường?
Trước hết, cần chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp lẫn nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên. Bên cạnh đó, giáo viên cần phải tự rèn luyện nhân cách của mình.
Những sinh viên sư phạm phải được định hướng nghề nghiệp nghiêm túc. Nhập môn nghề giáo và thực hành nghề nghiệp cần phải được đảm bảo hiệu quả.
Nhà trường nên thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp, năng lực nghiệp vụ sư phạm và lòng yêu nghề cho giáo viên. Qua đó, giúp họ có sự tự trọng nghề nghiệp cũng như thái độ nghề, bản lĩnh nghề nghiệp một cách vững vàng.
Chúng ta cũng không quên bắt đầu bằng những yêu cầu: thầy ra thầy, trò ra trò. Vì vậy, cần có cẩm nang giao tiếp, ứng xử của phụ huynh trong học đường; cũng như ứng xử của thầy cô.
Còn trách nhiệm của những bên liên quan ra sao, thưa ông?
Thứ nhất, tôi vẫn muốn bắt đầu từ gia đình vì gia đình là trường học đầu tiên rất quan trọng. Gia đình nên nghiêm khắc hơn với con trẻ, chung tay với thầy cô dạy dỗ con trẻ.
Thứ hai, trường học và giáo viên cần cập nhật thêm các kỹ năng cho mình, đáp ứng và phù hợp với học trò hiện tại. Đặc biệt, các trường đào tạo giáo viên phải không ngừng tăng cường năng lực, kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng đào tạo giáo viên – nhà giáo dục chứ không thể kiểm định chung chung. Các nhà quản lý giáo dục cần xem xét trách nhiệm, không ngừng khuyến khích giáo viên hoàn thiện bản thân để xứng đáng với nghề trồng người.
Thứ ba, dư luận cũng nên nhẹ nhàng hơn và nhìn nhận vấn đề minh bạch, đừng vội “ném đá” khi chưa hiểu nguyên nhân sâu xa. Chúng ta cần công bằng trong đánh giá cũng như nhận định có cơ sở, đúng định hướng nhằm đặt đúng vị trí của nghề giáo.
Thứ tư, báo chí nên cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác, có luận điểm rõ ràng. Việc định hướng dư luận là yêu cầu mang tính chiến lược mà mỗi người viết phải đảm bảo, nhìn thấu tình, viết đạt lý.
Xin cảm ơn PGS!