📞

Bảo hộ công dân: Đi cùng bà con trên mọi hành trình

17:38 | 24/03/2016
Người làm công tác bảo hộ công dân phải coi công dân cần được bảo hộ như người thân của mình. Với cách tiếp cận đó, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hộ công dân ngày càng bài bản, hệ thống và khoa học hơn...
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam (phải) thăm một cửa hàng của người Việt tại New Caledonia.

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ với TG&VN như vậy về công tác bảo hộ công dân mà ông đã gắn bó trong những năm qua.

Chính vì độ phức tạp của công tác bảo hộ công dân mà có người cho rằng làm công tác này giống như làm dâu trăm họ. Thứ trưởng suy nghĩ như thế nào về nhận định này?

Tôi chia sẻ sự đồng cảm với những người cho rằng làm công tác bảo hộ công dân như làm dâu trăm họ. Công tác này vất vả từ nhiều góc độ. Tôi cho rằng, góc độ lớn nhất chính là việc đất nước chúng ta hội nhập, có quan hệ kinh tế với hơn 200 nước và vùng lãnh thổ  khiến lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động tăng mạnh.

Công tác bảo hộ công dân bao gồm hai khía cạnh là bảo vệ tư cách pháp nhân của công dân và tư cách pháp nhân của doanh nghiệp cũng như lợi ích của Việt Nam chứ không đơn thuần là yếu tố con người. Nước ta có hai triệu người lao động ở nước ngoài và khoảng hai triệu ngư dân bám biển. Cuộc sống muôn hình vạn trạng, thiên tai địch họa, tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào, công tác bảo hộ công dân cũng đa dạng như vậy. Chúng tôi phải chăm lo cho tất cả mọi người trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không phân biệt bất kỳ ai và bất kỳ nơi nào. Tôi dẫn một ví dụ rằng khi một công dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài, rất nhiều vấn đề có thể xảy đến như bị mất giấy tờ, trục trặc về thị thực... Trong một số trường hợp, cơ quan đại diện phải có mặt và tiếp cận ngay với công dân. Người làm công tác bảo hộ công dân phải hiểu được tình hình của công dân và phải kết nối họ với hệ thống pháp luật để bảo vệ họ. Chẳng hạn, đối với trường hợp mất giấy tờ, chúng ta phải đảm bảo cấp lại ngay giấy tờ để công dân tiếp tục hành trình của mình ở nước sở tại.

Tai nạn lao động cũng có thể xảy ra, những rủi ro kinh tế như chủ bị phá sản có thể khiến công dân của ta mất việc làm, không có chi phí sinh hoạt. Chúng tôi luôn phải tìm hiểu để bảo hộ quyền của họ trong những trường hợp như vậy.

Thậm chí, công dân Việt Nam kết hôn với người ngoại quốc thì khi xảy ra trục trặc về mặt pháp lý giữa hai vợ chồng, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là bảo vệ công dân và con cái của họ.

Thêm nữa, nhiều trường hợp bảo hộ công dân chỉ vì khác biệt văn hóa giữa nước ta và sở tại. Các cơ quan đại diện của ta phải làm việc với các cơ quan nước bạn để giải thích và tìm phương án giải quyết, đảm bảo quyền lợi tối đa của người Việt ta ở nước ngoài.

Ông có nhắc đến hai triệu ngư dân bám biển. Những người vươn khơi bám biển không chỉ là mưu sinh mà còn góp phần giữ gìn và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đối mặt với nhiều rủi ro...

Việc bảo hộ ngư dân ta cũng là vấn đề rất lớn. Nước ta có đường bờ biển dài, nhưng phần lớn bà con ngư dân còn nghèo, phương tiện đi biển thô sơ, thiết bị hàng hải hạn chế, vì vậy, đôi khi bà con vi phạm vùng biển của các nước lân cận và bị nước sở tại bắt. Chưa kể, nguy hiểm từ thiên tai, nhất là tại vùng Biển Đông, nơi thường xảy ra những cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đột xuất, luôn rình rập, đe dọa tính mạng của bà con bất cứ lúc nào.

Với ngư dân, nếu xảy ra các tình huống như vậy, chúng tôi phải tiếp cận ngay với nguồn tin, các cơ quan quốc tế, các tổ chức cứu nạn, các nước ven bờ và tuyến hàng hải quan trọng đi qua để cung cấp thông tin, đề nghị giúp đỡ. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải liên lạc với các thuyền đánh cá của ta ở vùng lân cận để tổ chức cứu hộ cứu nạn.

Phạm vi hoạt động rộng như vậy, chưa kể không trường hợp nào giống nhau, tạo nhiều áp lực cho người làm công tác này.

Cán bộ tham gia bảo hộ công dân làm việc không kể đêm ngày, kể cả ngoài giờ hành chính và cuối tuần. Khi sự việc xảy ra, chúng tôi triển khai bộ máy xử lý ngay, thông qua tiếp cận cơ quan chức năng của bạn, cơ quan cứu hộ cứu nạn tìm kiếm thông tin. Chẳng hạn như khi xảy ra vụ nổ bom tại Thái Lan, các cán bộ Đại sứ quán ta ở nước sở tại phải chia nhau đi tất cả các bệnh viện từ lúc nửa đêm để tìm gặp từng bệnh nhân, xác minh có nạn nhân nào là người Việt hay không.

Việt Nam có hệ thống đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24 giờ ở tất cả các cơ quan đại diện và Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao). Hiện nay, chúng tôi có tổng đài bảo hộ công dân do Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel hỗ trợ. Điện thoại của tôi và các cán bộ bảo hộ công dân luôn để ở chế độ mở và bất kỳ ai cũng có thể liên lạc.

Có thể nói trong công tác bảo hộ công dân, không trường hợp nào giống nhau, mỗi trường hợp đòi hỏi một cách tiếp cận riêng. Tuy nhiên, có một nguyên tắc căn bản là người làm bảo hộ công dân phải coi công dân đó như người thân của mình, coi nỗi khổ của họ như nỗi khổ của mình thì mới xử lý công việc một cách tận tâm, tận tụy được.

Tôi cho rằng trong thời gian qua, công tác bảo hộ công dân đã được triển khai rất tốt, không có sự cố đáng tiếc xảy ra, các vụ việc liên quan tới công tác này được xử lý kịp thời, đảm bảo lợi ích tối đa của công dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam.

So với những năm trước, công tác bảo hộ công dân có những điểm mới gì, theo Thứ trưởng?

Công tác bảo hộ công dân thời gian gần đây có cách xử lý, tiếp cận bài bản, hệ thống và khoa học hơn. Trước hết, chúng tôi đã xây dựng một quy trình bảo hộ công dân để khi xảy ra bất cứ vấn đề nào, chúng tôi biết phải làm gì ngay...

Ví dụ, khi sự cố xảy ra với công dân ta ở nước ngoài thì cán bộ cơ quan đại diện nếu có thể, phải tìm cách tiếp cận ngay. Trong trường hợp nước nào đó không cho phép chúng tôi tiếp xúc với công dân mình, chúng tôi phải giải thích, viện dẫn luật lệ quốc tế để họ hiểu và tạo điều kiện giúp đỡ.

Việc gặp gỡ công dân ngay sau khi xảy ra sự cố là vô cùng quan trọng, từ đó chúng tôi hiểu được tình thế cũng như lắng nghe được mong muốn của họ. Qua đó, chúng tôi có thể truyền đạt ngay tình hình về gia đình họ, để gia đình yên tâm và các cơ quan báo chí cũng hiểu được vấn đề.

Sau đó, chúng tôi mới giải quyết các vấn đề của công dân như hỗ trợ khắc phục xử lý hoặc liên hệ với cơ quan hành pháp nếu vấn đề liên quan đến pháp lý. Về các vấn đề liên quan đến cung cấp phương tiện cứu hộ cứu nạn, chúng tôi đều đã có quy trình thực hiện.

Điểm khác thứ hai là việc mở rộng kênh tiếp nhận thông tin về bảo hộ công dân. Ngoài Tổng đài bảo hộ công dân của Viettel, đường dây nóng ở Cục Lãnh sự, các cơ quan đại diện, chúng tôi còn tiếp nhận thông tin qua thư điện tử. Năm 2015, chúng tôi đã nhận được 30% thông tin từ tổng đài Viettel, còn lại là qua các kênh khác.

Công dân Việt Nam khi ra nước ngoài đã được trang bị cẩm nang khi gặp phải sự cố?

Chúng tôi đã có hướng dẫn bài bản cho công dân Việt Nam khi ra nước ngoài về các bước xử lý khi gặp phải sự cố. Theo đó, quyền đầu tiên của công dân đi ra nước ngoài khi xảy ra sự cố là yêu cầu chính quyền sở tại cho gặp cơ quan đại diện ngoại giao hoặc đại diện lãnh sự của Việt Nam. Vừa qua, chúng tôi đã làm  bảng hướng dẫn, phát tờ rơi cho ngư dân. Đối với những người đi du lịch, ở mỗi cửa khẩu chúng tôi đều để tờ rơi có ghi số điện thoại đường dây nóng.

Hiện nay, chúng tôi làm những tờ hướng dẫn nhỏ và nhờ các đồng chí công an bấm vào các cuốn hộ chiếu của công dân khi họ qua cửa khẩu. Sắp tới, khi có cuốn hộ chiếu mới, chúng tôi sẽ thiết kế các thông tin bảo hộ công dân lên trang bìa sau để bà con luôn có thông tin và luôn cảm thấy đất nước cũng như hệ thống bảo hộ công dân đi cùng bà con trên mọi hành trình.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

  • Năm 2015, số công dân Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ là 2.655 người.
  • Về bảo hộ ngư dân, năm 2015, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã tiến hành bảo hộ 129 vụ việc đối với 200 tàu và 1.481 ngư dân.
  • Số tổng đài bảo hộ công dân để công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài liên hệ 24/7 là: +84.4.62.844.844

 

(thực hiện)