Trong bối cảnh Covid-19, công tác bảo hộ công dân được Bộ Ngoại giao đặc biệt coi trọng. Trong ảnh: Công dân Việt Nam nhập cảnh qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. ( Nguồn: Báo Kinh tế đô thị) |
Mối duyên với phòng "thiếu nữ"
Đã bốn năm kể từ ngày tôi nhận phân công về công tác tại Cục Lãnh sự - nơi tôi đã bắt đầu những bước đi chập chững đầu tiên trên con đường ngoại giao. Giờ đây, khi đang công tác tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet (Lào), tôi mới có cơ hội để ngồi viết đôi dòng chia sẻ hành trình đến với công tác bảo hộ công dân.
Trong suốt quá trình làm công tác bảo hộ công dân, có một câu nói của các bậc tiền bối mà tôi luôn khắc ghi, đó là “Bảo hộ công dân xuất phát từ tâm, nếu chỉ coi là trách nhiệm thì sẽ không còn ý nghĩa nữa”.
Nhớ lại những ngày mới về Cục Lãnh sự, không biết cơ duyên nào đã đưa tôi – nữ cán bộ trẻ nhất Cục vào thời điểm đó đến với phòng Bảo hộ công dân.
Ban đầu, khi về phòng Bảo hộ công dân, các anh chị đồng nghiệp còn trêu tôi đây là phòng “thiếu nữ” vì công việc ở đây vất vả, chủ yếu là cán bộ nam.
Tôi hơi hoang mang nhưng nghĩ lại thấy hay vì tôi thích những công việc được làm sát với thực tế.
Tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu về công tác bảo hộ công dân, phần để phục vụ cho công việc, phần là để thỏa mãn sự tò mò, xem cách nhà nước mình bảo hộ người dân Việt Nam trên thực tế như thế nào.
Tác giả bài viết, chị Phạm Minh Anh, cán bộ Cục Lãnh sự hiện đang công tác tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet, Lào. |
Việc này với tôi giống như đọc một cuốn truyện trinh thám vậy.
Nhưng càng đọc tôi lại càng thấy lo lắng, khi cả phòng chỉ có mình tôi là nữ, những vụ việc nghiêm trọng cần đi xử lý trực tiếp liệu tôi có làm được không.
Cùng với đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài rất đông, sao có thể hỗ trợ nhiều người như vậy khi phòng chỉ có 5-6 người để xử lý. Rồi nếu mình đã hỗ trợ công dân hết sức mà kết quả không như mong đợi, thì có chịu được áp lực và sự áy náy của chính bản thân hay không.
Tất cả những suy nghĩ đó của tôi đã dần thay đổi sau buổi nói chuyện vừa mang tính chất công việc, vừa mang tính chất tâm tình giữa Lãnh đạo Cục, các anh chị tiền bối với những cán bộ trẻ như tôi.
Ngay sau đó, tôi được bắt tay ngay vào công việc, nhận đơn trình báo, đơn xin giúp đỡ của người dân từ nước ngoài gửi về, nhận từng cuộc điện thoại gọi đến phòng nhờ được trợ giúp nơi đất khách quê người.
Tôi cũng từng được nhiều lần tiếp xúc với người dân từ các địa phương đến tận Cục Lãnh sự để xin trợ giúp cho người thân gặp nạn ở nước ngoài.
Những lúc ấy, trong đầu tôi chỉ có suy nghĩ duy nhất là làm cách nào để xử lý, giải quyết cho họ một cách nhanh nhất, để họ cảm thấy có nơi để nương tựa những lúc khó khăn nhất.
Dẫu biết là quy trình xử lý một vụ việc như vậy cần qua rất nhiều bước và tốn thời gian, nhưng tôi biết rằng, chỉ khi bản thân thật sự tập trung, cố gắng hết mình để xử lý kịp thời thì sẽ giúp người dân an tâm phần nào.
Những nỗ lực trong suốt thời gian qua của những người làm công tác bảo hộ công dân như tôi đều được ghi nhận và đánh giá cao, từ Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho đến người dân. Nhưng để có được những kết quả đáng khích lệ ấy, chúng tôi - những người trực tiếp tham gia xử lý đã gặp không ít khó khăn do mức độ phức tạp của mỗi vụ việc là khác nhau.
Bản thân tôi không ít lần chứng kiến các đồng nghiệp trong phòng bỏ dở bữa cơm để kịp xử lý gấp những vụ việc quan trọng. Thậm chí, có những chuyến đi công tác chẳng thể kịp chuẩn bị hành lý, khi có lệnh ngay lập tức lên máy bay ngay trong đêm để đến tận nơi hỗ trợ bà con người Việt đang gặp khó ở nước ngoài.
Việc các đồng nghiệp làm việc ở cơ quan đến đêm, trực điện thoại 24/7 để kịp thời nắm bắt tình hình khi có những thay đổi bất ngờ đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với tôi.
Tất cả những việc này nếu chỉ coi đó là trách nhiệm thì sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, nhưng khi đặt bản thân vào suy nghĩ, mong mỏi của người dân thì công việc lại trở nên nhẹ nhàng và hết sức ý nghĩa.
Có những chuyến đi công tác chẳng thể kịp chuẩn bị hành lý, khi có lệnh ngay lập tức lên máy bay ngay trong đêm để đến tận nơi hỗ trợ bà con người Việt đang gặp khó ở nước ngoài... |
Trải nghiệm thực tế lần đầu
Sau ba năm làm việc tại Cục, tôi được Lãnh đạo Bộ tin tưởng cử đi công tác nhiệm kỳ tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet - khu vực Trung Lào.
Lúc này, một lần nữa tôi cảm thấy lo lắng, vì chuyến đi lần này không chỉ là một trải nghiệm mới, mà đó còn là trách nhiệm lớn gấp vài lần. Bởi công tác tại Cơ quan đại diện, tôi sẽ trực tiếp gặp mặt, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến bà con người Việt tại Lào.
Tại đây, tôi đã được gặp rất nhiều kiều bào sinh sống và làm việc tại Lào, đa số là lao động tự do và gặp rất nhiều khó khăn tại nước sở tại.
Tôi cùng lắng nghe bà con chia sẻ về những khó khăn đã gặp phải như bị lừa đảo, bị mất trộm, bị phạt tiền, bị thu giấy tờ, nhập cảnh trái phép, rồi cả việc người thân của họ chết/mất tích cần được trợ giúp...
Tôi bắt đầu nhiệm kỳ đúng giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới. Chỉ vài tháng sau, Lào ra quyết định cấm xuất nhập cảnh, khiến nhiều công dân Việt mắc kẹt tại Lào.
Trước khi hai nước có quyết định thống nhất cho phép người dân Việt Nam xuất cảnh bằng đường bộ qua các cửa khẩu để hồi hương, sự lo lắng đã khiến nhiều người Việt, chủ yếu là các lao động tự do tìm đến Tổng Lãnh sự quán rất đông để gặp và xin giúp đỡ trở về nước, bởi Covid-19 đã khiến họ không còn việc làm, không đủ điều kiện để sinh sống tại nước sở tại.
Lượng người đến đông khiến tôi có chút rối bời, xong bình tĩnh trấn an và khuyên người dân yên tâm, Tổng Lãnh sự quán và Đại sứ quán sẽ làm hết sức có thể để người dân có thể trở về nước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp.
Đối với các trường hợp ốm đau, bệnh nặng, tôi cùng đồng nghiệp trực 24/7 để không chậm trễ giây phút nào hỗ trợ đưa công dân kịp thời về nước cấp cứu và chữa bệnh.
Khoảng thời gian đó, mỗi ngày tôi nhận được gần trăm cuộc điện thoại... Chính trải nghiệm lần đầu ấy đã khiến tôi có kinh nghiệm nhiều hơn trong đợt dịch thứ hai đang bùng lên tại Lào năm nay.
Không chỉ vậy, để kịp thời hỗ trợ người dân Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi chủ động lái xe đến một số thôn, bản tại ba tỉnh Trung Lào để hỗ trợ các vật dụng y tế cần thiết, đồng thời tuyên truyền để bà con phòng, chống dịch Covid-19 an toàn, hiệu quả.
Điều đặc biệt là trong trường hợp, tôi cũng luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đồng nghiệp tại Cục Lãnh sự để giúp tôi hoàn thành tốt hơn công tác bảo hộ công dân.
Lượng người đến đông khiến tôi có chút rối bời, xong bình tĩnh trấn an và khuyên người dân yên tâm, Tổng Lãnh sự quán và Đại sứ quán sẽ làm hết sức có thể... |
Hơn một năm tại Tổng Lãnh sự quán, may mắn, chúng tôi chưa gặp vụ việc nào quá nghiêm trọng hay phức tạp. Nhưng nhiệm vụ mà bản thân tôi thấy vô cùng lo lắng đó là thủ tục đưa thi hài, di hài về nước.
Có nhiều lần đang ngồi ăn tối, tôi và anh đồng nghiệp nhận được điện thoại có người Việt bị tai nạn/bị sát hại/bệnh nặng mới mất. Hai anh em lại bỏ dở bữa tối để báo cáo Thủ trưởng cơ quan rồi chuẩn bị giấy tờ đi hỗ trợ thủ tục ngay cho họ nhập cảnh về nước.
Mặc dù mới chỉ dừng ở việc xử lý giấy tờ và đi thực tế quan sát từ xa, công việc tiếp xúc trực tiếp còn lại đã có đồng nghiệp giúp đỡ, hỗ trợ, nhưng bản thân tôi tự nhủ cần sớm vượt qua nỗi sợ của bản thân, để dần làm quen và có thể xử lý trong bất cứ tình huống nào, không chỉ ở nhiệm kỳ này mà còn khi công tác ở bất kỳ địa bàn nào cũng có thể xử lý được.
Là một cán bộ trẻ, kinh nghiệm công tác bảo hộ công dân chưa nhiều nhưng tôi tin rằng, những chia sẻ trên phần nào có thể giúp các cán bộ mới vào ngành khác hình dung được những sắc màu của công tác bảo hộ công dân.
Bản thân tôi cảm thấy rất may mắn và vinh dự khi được làm công tác bảo hộ công dân không chỉ trong nước mà còn ở Cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo hộ công dân, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sức ép đến các Cơ quan đại diện là rất lớn, với vai trò là một cán bộ trẻ của Bộ Ngoại giao, tôi sẽ tiếp tục học hỏi, trải nghiệm để làm tốt hơn công tác bảo hộ công dân trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tôi hy vọng các bạn thanh niên trẻ của Bộ không chỉ coi “bảo hộ công dân” là trách nhiệm trong công việc mà hãy nỗ lực, cống hiến tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ hỗ trợ, giúp đỡ kiều bào ta với cái “tâm” để công tác này trở nên thực sự có ý nghĩa.
Tác giả hiện là cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet, Lào.