📞

Bạo loạn ở Mỹ khiến châu Âu 'sốc nặng'

Hoài Minh 17:25 | 08/01/2021
TGVN. Vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ đêm 6/1 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận châu Âu – cái nôi của nền dân chủ trên thế giới.
Từ trái qua phải: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AP)

Đức lên án mạnh mẽ

Phát biểu trên truyền thông sáng 7/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự tức giận và rất buồn về vụ việc trên. Bà bày tỏ lấy làm tiếc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không thừa nhận thất bại kể từ tháng 11/2020.

Bà đổ lỗi cho ông Trump về tình trạng bất ổn dù là gián tiếp. Đã có những nghi ngờ về kết quả bầu cử và điều này đã tạo bầu không khí căng thẳng dẫn đến vụ bạo động tại Đồi Capitol.

Về phần mình, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã có phát biểu lên án mạnh mẽ vụ bạo động tại tòa Quốc hội Mỹ. Ông Frank-Walter Steinmeier nói rằng vụ bạo động là “một cơn bão đánh vào trung tâm của nền dân chủ”.

Ông Frank-Walter Steinmeier cáo buộc rằng “đám đông có vũ trang, được kích động bởi một tổng thống đương nhiệm” và đó là lỗi trực tiếp của ông Trump. Tổng thống Steinmeier chỉ ra điểm tương đồng giữa “cơn bão” ở Đồi Capitol giống với các sự cố tại tòa Quốc hội Đức ở Berlin hồi tháng 8/2020.

Ông Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh: “Hận thù và kích động gây nguy hiểm cho nền dân chủ, dối trá gây nguy hiểm cho nền dân chủ, bạo lực gây nguy hiểm cho nền dân chủ”.

Trong lá thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Đức Wolfgang Schäuble đã lên tiếng cáo buộc Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về cuộc bạo loạn. Ông Wolfgang Schäuble viết: “Một đám đông bạo lực đã được khuấy động bởi một tổng thống. Ông Trump đã coi thường quy tắc dân chủ cơ bản là thừa nhận thất bại bầu cử rõ ràng của mình”.

Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng lên án vụ bạo loạn là một “cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các thể chế dân chủ cao nhất ở Mỹ”. Trong một tuyên bố chung, người phát ngôn AfD Jörg Meuthen và Tino Chrupalla, các chủ tịch nhóm nghị viện Alexander Gauland và Alice Weidel đã lên án các cuộc bạo động, nhấn mạnh “bạo lực có thể và không bao giờ được coi là phương tiện gây ra xung đột chính trị trong một nền dân chủ tự do". AfD bác bỏ việc đánh đồng cuộc nổi dậy ở Washington với cuộc biểu tình quá khích bên ngoài tòa Quốc hội Đức hồi tháng 8/2020.

Bình luận về cuộc bạo loạn, Thị trưởng Berlin Michael Müller nói rằng “những bức ảnh từ Washington đêm qua thật đáng sợ", "mỗi cuộc tấn công trên toàn thế giới là một cuộc tấn công vào nền dân chủ”. Ông hy vọng tổng thống Mỹ đắc cử sẽ sớm chấm dứt được những chia rẽ chính trị.

Liên quan đến vụ bạo động tại tòa Quốc hội Mỹ, tất cả các trang báo của Đức ngày 7/1 đưa tin đậm nét cùng những phân tích, bình luận về vụ bạo động.

Những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung bên ngoài Điện Capitol vào ngày 6/1. (Nguồn: Getty Images)

"Cú sốc" ở châu Âu

Mỹ đã là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ khi nói đến nền dân chủ và sự thay đổi quyền lực có trật tự. Nhưng ông Trump đã cho phần còn lại của thế giới thấy rằng hệ thống của Mỹ cũng rất mong manh.

Việc những người ủng hộ Trump tấn công Đồi Capitol ở Washington đã gây ra "cú sốc" ở châu Âu. Giới chính trị gia châu Âu đều lên án những hình ảnh gây sốc và nói về mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ. Họ hy vọng những năm đầy biến động và tranh cãi trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump sẽ kết thúc một cách hòa bình khi có sự chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.

Trên Twitter, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có phản ứng nhanh chóng và bất ngờ: “Những cảnh gây sốc ở Washington D.C. Kết quả của cuộc bầu cử dân chủ này phải được tôn trọng”.

Đây là một tuyên bố rất rõ ràng đối với thành viên lớn nhất của NATO. Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, NATO đã không ít lần đối mặt với lời đe dọa rằng Mỹ có thể rút khỏi liên minh quân sự này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói: “Quốc hội Mỹ là ngôi đền của nền dân chủ. Những cảnh tượng ở Washington là một cú sốc”.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson, đồng minh thân cận của Tổng thống Trump, cũng lên án vụ bạo loạn bên trong tòa Quốc hội Mỹ. Ông nhấn mạnh nước Mỹ tượng trưng cho nền dân chủ trên toàn thế giới và thế giới đang trông chờ một cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trật tự.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn thể hiện niềm tin vào nền dân chủ Mỹ sau sự kiện Đồi Capitol. "Những gì xảy ra hôm nay ở Washington DC không phải là nước Mỹ," ông Macron nói trong một video được đăng trên Twitter bên cạnh dòng chữ "Chúng tôi tin vào nền dân chủ".

Nhiều nhà lãnh đạo của các nước châu Âu khác cũng thể hiện lập trường rõ ràng rằng Tổng thống Trump và nhiều thành viên Quốc hội Mỹ phải chịu trách nhiệm đáng kể cho những gì vừa xảy ra. Mọi người đều bày tỏ “bị sốc trước cảnh tưởng ở Washington” và nhấn mạnh đây là một cuộc tấn công “không thể chấp nhận được đối với nền dân chủ” và “bạo lực không phải là một giải pháp”.

Ngoại trưởng Ireland nói: “Đây là một cuộc tấn công có ý thức của một tổng thống đương nhiệm vào nền dân chủ và những người ủng hộ ông muốn đảo ngược kết quả một cuộc bầu cử công bằng và tự do”.

(tổng hợp)