Xe ô tô bị đốt cháy trong vụ bạo loạn ở Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp trong ngày 29/6. (Nguồn: AFP) |
Đây không đơn giản chỉ là phản ứng của dư luận với các quy tắc và thông lệ về cách cảnh sát sử dụng vũ khí kiểm tra người dân trên đường, mà sâu xa hơn là tâm lý bức xúc từ mối quan hệ không mấy suôn sẻ giữa cảnh sát và những người trẻ tuổi thuộc tầng lớp lao động và khác biệt về sắc tộc và tôn giáo.
Nhìn lại lịch sử, tình trạng bất ổn hiện nay gợi lại những vụ bạo động hồi năm 2005, khi hai thiếu niên theo đạo Hồi là Zyed Benna và Bouna Traore bị điện giật chết do trốn cảnh sát sau một trạm điện, hay như vụ người Pháp gốc Bắc Phi tên là Adama Traore chết vì ngạt thở sau khi bị ba sĩ quan cảnh sát bắt giữ trong một cuộc kiểm tra hành chính.
Tất cả cho thấy điều mà báo chí mô tả là “mảng tối mang tên phân biệt chủng tộc” ở Pháp. Ví dụ như theo tờ Le Monde, người trẻ ở vùng ngoại ô nghèo tại Pháp được cho là phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nghiêm trọng khi nộp đơn xin việc.
Còn theo thống kê của Viện Nhân khẩu học Pháp, tỷ lệ thất nghiệp của con cái trong các gia đình nhập cư bao giờ cũng cao hơn những người trẻ được sinh ra ở thủ đô Paris, hoặc có cha mẹ là người Pháp.
Không thể biện minh cho những hành động bạo lực, cướp phá của những người biểu tình đã lợi dụng cái chết của cậu thanh niên Nahel làm cái cớ cho các phản ứng cực đoan, nhưng cũng không thể bỏ qua lời nhận xét dù có phần nghiệt ngã của người phát ngôn văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc Ravina Shamdasani: “Đây là thời điểm để Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong thực thi pháp luật”.