📞

Bạo loạn ở Pháp: Tình hình hạ nhiệt, Italy lên tiếng, Thổ Nhĩ Kỳ phân tích nguyên nhân

Minh Quân 07:57 | 04/07/2023
Một số nước châu Âu bày tỏ quan ngại trước viễn cảnh tình hình bạo loạn ở Pháp có thể lan rộng sang các quốc gia láng giềng.
Đoàn người tuần hành ngày 3/7 nhằm phản đối tình hình bạo loạn ở Pháp, đặc biệt là hành vi bạo lực nhắm vào nhà Thị trưởng L’Haÿ-les-Roses một ngày trước đó. (Nguồn: AFP/Getty Images)

* Trong đêm thứ sáu liên tiếp của cuộc bạo loạn ở Pháp, tình hình đã bớt căng thẳng hơn.

Bộ Nội vụ nước này cho biết, trong ngày 3/7, các lực lượng an ninh chỉ bắt giữ 157 người, so với con số 773 vào hôm 1/7 và 1.311 người ngày 30/6. Như vậy, tính từ ngày 27/6, cảnh sát Pháp đã bắt giữ 3,354 người.

Đồng thời, bất chấp một số lời kêu gọi cho rằng Pháp cần công bố tình trạng khẩn cấp, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Damanin nhận định, các đợt bắt giữ quy mô lớn đã góp phần làm giảm căng thẳng.

Phát biểu với đài BFMTV (Pháp), ông Damanin khẳng định rằng, sự hỗn loạn “sẽ phải đối mặt với sức mạnh, các vụ bắt giữ và những phiên tòa xét xử".

Ngoài ra, theo quan chức này, 1/3 số người bị bắt giữ là các thanh thiếu niên, độ tuổi trung bình 17. Ông kêu gọi các bậc phụ huynh thực hiện chức trách, yêu cầu con em mình dừng các hành vi bạo lực này.

Về phần mình, ngày 2/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp gỡ các bộ trưởng để tìm kiếm giải pháp chính trị trong tình hình hiện nay.

Một ngày sau đó, ông cũng thảo luận với lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện. Trong ngày 4/7, Tổng thống Macron sẽ gặp gỡ hơn 220 thị trưởng trên toàn đất nước.

Trong khi đó, giới chức Pháp cho biết, tình trạng bạo loạn đã gây thiệt hại 20 triệu Euro cho giao thông công cộng ở khu vực Paris.

Cơ quan quản lý mạng lưới giao thông khu vực Ile-de-France thông tin: “Các xe buýt và một đường xe điện bị cháy, hai đường xe điện bị hư hại và cơ sở hạ tầng đô thị bị phá hủy”.

Một thống kê khác cho thấy, 34 tòa nhà, chủ yếu là các cơ quan của chính phủ, cùng 300 phương tiện khác đã bị tấn công trong các ngày 1-2/7.

* Phát biểu với đài truyền hình Rai3 (Italy) về tình hình ở Pháp, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nói: “Chúng ta phải ngăn chặn tình trạng này lan sang Bỉ, Thụy Sỹ và các khu vực nói tiếng Pháp khác. Những người có liên quan đến các hành vi bạo lực phải bị cô lập và các vấn đề phải được giải quyết ở cấp độ chính trị”.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tình hình ở Pháp dường như đã dịu đi. Ngoại trưởng Tajani cũng kêu gọi công dân Italy ở đất nước hình lục lăng tuân thủ cảnh báo của chính quyền địa phương và tránh khu vực đụng độ.

* Trong khi đó, ngày 3/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận định, tình trạng bất ổn ở Pháp là do vấn đề “bài Hồi giáo” mang tính hệ thống.

Phát biểu trên truyền hình sau khi chủ trì cuộc họp nội các hằng tuần, ông Erdogan nói: “Căn nguyên của các sự kiện ở Pháp là cấu trúc xã hội được xây dựng bởi tâm lý (phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống). Hầu hết những người nhập cư bị kết án sống trong các khu ổ chuột, bị áp bức có hệ thống, là người Hồi giáo”.

* Nhận định về các diễn biến tại Pháp và nguy cơ bạo động lây lan sang Thụy Sỹ, Đại sứ Nga tại Bern Sergey Garmonin nói: “Các sự kiện ở Lausanne khó có thể mở đầu cho tình trạng bất ổn tại Thụy Sỹ, vì có những khác biệt lớn giữa nơi đây với tình hình tại Pháp”.

Lưu ý rằng, Thụy Sỹ có mức sống tiêu chuẩn cao, văn hóa chính trị khác, và không có lượng người nhập cư lớn từ châu Phi hay Trung Đông, Đại sứ Garmonin cho biết, hiện chưa có khuyến nghị nào về đi lại với công dân hay khách du lịch Nga ở Thụy Sỹ.

Nhà ngoại giao Nga đưa ra đánh giá trên trong bối cảnh cuối tuần qua, một số vụ bạo động đã diễn ra tại thành phố Lausanne của Thụy Sỹ. Truyền thông nước này cho biết, 7 người đã bị giam giữ, trong đó 6 người là trẻ vị thành niên.

(theo AFP, Financial Times, Reuters, TTXVN)