📞

Bạo lực học đường: Đừng 'chống theo phong trào'

Ngọc Huyền* 13:55 | 20/04/2021
Thực trạng bạo lực học đường nhiều năm nay không có chiều hướng giảm bớt mà vẫn tiếp tục gia tăng, lẽ nào chúng ta đã đi sai đường?
Có thể thấy, sự nỗ lực phòng ngăn chặn bạo lực học đường của ngành giáo dục khá quyết liệt nhưng vẫn chưa cải thiện được nhiều.

Ngày 17/4, tại hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về vấn đề an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục & Đào tạo), cho biết Bộ đã ban hành đến 25 văn bản liên quan tới phòng chống bạo lực học đường.

Có thể thấy, sự nỗ lực ngăn chặn bạo lực học đường của cơ quan đầu não ngành giáo dục khá quyết liệt. Thế nhưng, tình trạng bạo lực học đường nhiều năm nay không có chiều hướng giảm bớt mà vẫn tiếp tục gia tăng.

Chỉ trong 10 ngày giữa tháng 4, liên tiếp 2 vụ án mạng đau lòng đã xảy ra mà học sinh là thủ phạm. Ngày 14/4, nam sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) bị một "đàn anh" lớp 8 cùng trường dùng dao đâm nguy kịch.

Trước đó, ngày 2/4, do mâu thuẫn trong giờ ra chơi, một học sinh lớp 9 cầm dao nhọn đâm gục nam sinh lớp 8 tại trường. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương nặng, nạn nhân đã tử vong.

Nguyên nhân vì sao lại xảy ra tình trạng ấy? Lẽ nào việc ngăn chặn bạo lực học đường của chúng ta đã đi sai đường?

Xem nhẹ “phòng”, chỉ tập trung “chống theo phong trào”?

Cứ sau mỗi vụ bạo lực học đường xảy ra, trường học liên tiếp nhận được công văn từ cấp trên nhắc nhở, làm rõ mức độ sai phạm, khắc phục hậu quả, rút kinh nghiệm, quán triệt tinh thần chỉ đạo với mục đích không để vụ việc tương tự xảy ra.

Các trường nhận công văn lại tập hợp giáo viên với hàng chục cuộc họp từ tổ, liên tịch, chi bộ, Hội đồng kỷ luật, Hội đồng nhà trường... Học sinh được nhắc nhở liên tục dưới cờ, trong các buổi học, giờ sinh hoạt lớp, các tiết ngoại khóa...

Cả thầy và trò toàn trường cứ quay cuồng với việc giải trình (giáo viên và học sinh lớp có liên quan), lúc tiếp nhận các thông tin, sự chỉ đạo từ cấp thấp đến cấp cao (toàn trường phải tập trung). Điều đáng nói, khi sự việc nóng, sốt qua đi, mọi việc lại đâu vào đấy.

Việc “chống” bạo lực trong ngành giáo dục thể hiện rõ nhất bằng việc chỉ biết chạy theo vụ việc đã xảy ra mà ít ai quan tâm đến việc cần phải “phòng” để không bao giờ phải "chống”. Muốn giảm bạo lực trong nhà trường cần làm tốt công tác “phòng” hơn “chống”.

Cựu Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng từng cho rằng cần có những giải pháp đi sâu vào hoạt động chuyên môn để giải quyết vấn nạn này, không "chống theo phong trào".

Làm gì để “phòng” bạo lực học đường hiệu quả?

Đầu tiên phải nói đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp. Thầy cô chủ nhiệm chính là linh hồn của lớp. Một tập thể lớp vui, hòa đồng, mọi người sống với nhau chan hòa, thân thiện, chắc chắn sẽ không bao giờ có bạo lực xảy ra.

Đó chính là cái tài của thầy cô chủ nhiệm mà chẳng phải giáo viên nào cũng làm được. Có thể nói, thầy cô chủ nhiệm nhiệt tình với lớp sẽ nắm bắt tâm lý học sinh rất tốt.

Thầy cô thân thiện, gần gũi với học sinh sẽ được nhiều em yêu quý, tin tưởng. Các em sẽ tâm sự cho giáo viên biết những chuyện đang xảy ra ngoài lớp học. Nhờ đó, thầy cô sẽ biết được sự manh nha của bạo lực sắp xảy ra để can thiệp sớm và ngăn chặn kịp thời, triệt để.

Trong thực tế, nhiều thầy cô giáo đã rất thành công trong vai trò giáo viên chủ nhiệm.

Thầy Lê Quang Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Ngô Quyền, Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã từng chia sẻ về việc nhận được tin nhắn của học sinh thông báo chuyện xích mích của một số học sinh khối lớp 11.

Thầy đã cùng một số giáo viên gặp gỡ, nói chuyện với cả hai nhóm bạn, mâu thuẫn được xóa bỏ và vụ bạo lực (sắp xảy ra) đã được ngăn chặn triệt để.

Ngoài ra, thông qua những câu chuyện kể của học sinh về các bạn trong lớp, giáo viên sẽ nắm chắc hơn tính cách của từng học sinh. Hiểu rõ hơn tình cảnh của từng em để giáo viên có những biện pháp giáo dục, giúp đỡ.

Trong một lớp học, thực ra chỉ vài ba em cá biệt, nghịch ngợm. Những học sinh này thường liên kết với một số học sinh cũng cá biệt lớp khác kết thành “băng”, thành “nhóm”.

Một sự trùng hợp, những học sinh này phần nhiều có hoàn cảnh gia đình khá phức tạp. Có em chỉ sống với ông bà, em lại sống với cha mà không có mẹ, hoặc cả cha mẹ đều bận đi làm tối ngày.

Thế nên, kết hợp sự dạy dỗ của gia đình là vô cùng khó. Thầy cô giáo dạy hằng ngày mà nhiều khi nói các em cũng chẳng buồn nghe. Vì thế, nhiều học sinh trong lớp thường bị đánh oan, bị bắt nạt. Chỉ cần làm phật lòng bạn, thậm chí đôi khi chẳng đụng chạm gì cũng bị đánh tơi tả.

Gia đình, nhà trường phải cùng kết hợp

Nếu so với thời chúng tôi đi học thì phụ huynh bây giờ nuông chiều con hơn rất nhiều. Không chỉ thế, một số phụ huynh còn thẳng thừng tuyên bố với giáo viên không cho phép đụng vào con cái họ.

Khi học sinh hư, có nhiều biểu hiện không tốt, giáo viên phản ánh với gia đình còn bị mắng ngược lại có hư mới cho đi học, nếu ngoan thì cần gì đến thầy cô?

Giáo viên bị tước hết quyền răn dạy các em, làm gì cũng sợ bị phụ huynh phản ứng. Bởi thế, một số thầy cô giáo thường buông xuôi, làm lơ khi trò phạm lỗi.

Bạo lực học đường xảy ra nhưng việc xử lý vẫn chưa nghiêm, chưa mang tính răn đe giáo dục. Nhà trường chỉ có một hình thức kỷ luật thường hay áp dụng là hạ hạnh kiểm, đình chỉ học một thời gian hoặc đuổi học.

Trong khi đó, không ít học sinh lại chẳng quan tâm nhiều đến hạnh kiểm tốt hay xấu. Nhiều em lại mong được đình chỉ học để có thời gian đi chơi hoặc đỡ phải đi học.

Hạn chế bạo lực học đường không thể phó thác hoàn toàn cho nhà trường hay đổ trách nhiệm xuống gia đình. Đó phải là sự kết hợp giáo dục từ hai phía. Cha mẹ luôn phải là tấm gương cho các con học tập.

Phía nhà trường, ngoài việc tăng cường giáo dục học sinh các kỹ năng sống cần thiết, thầy cô cũng cần quan tâm, gần gũi học sinh nhiều hơn. Cần thiết lập thêm nhiều kênh thông tin để nắm bắt những “diễn biến ngầm” đang diễn ra giữa các học trò với nhau. Thầy cô làm tốt công tác tư vấn học đường, giáo dục học sinh luôn bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu.

Ngoài ra, cũng cần phải thật mạnh tay với những học sinh cố tình vi phạm, sử dụng bạo lực với bạn. Khi sự việc xảy ra, nhà trường cần phải báo cáo các cấp có thẩm quyền như phía công an để có những biện pháp mạnh hơn, cứng rắn hơn như việc cương quyết cho đi trại giáo dưỡng. Có như vậy, mới đủ sức răn đe những học sinh khác.

Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.