📞
Đại sứ Nguyễn Tiên Phong:

Bạo lực tiếp diễn sẽ khiến Pakistan rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới

Đức Trí 22:46 | 12/05/2023
Bạo lực bùng phát dữ dội trong những ngày qua khiến Pakistan một lần nữa lún sâu vào cuộc khủng hoảng mới và có thể sụp đổ nhanh hơn về kinh tế. Báo Thế giới & Việt Nam có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Tiên Phong về tình hình Pakistan và công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán.
Đại sứ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Tiên Phong.

Sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan, Chủ tịch đảng đối lập PTI bị bắt, bạo động nổ ra khắp Pakistan. Đại sứ có thể cho biết tình hình an ninh và những diễn biến chính tại Pakistan trong những ngày này?

Như dư luận tại Pakistan và quốc tế đều rõ, vụ việc cựu Thủ tướng Imran Khan, Chủ tịch đảng Tehreek-e-Insaf (PTI) bị bắt giữ ngày 9/5 không quá bất ngờ nhưng vẫn gây sốc cho toàn bộ chính giới, người dân Pakistan và giới quan sát quốc tế.

Diễn biến cho thấy, một ngày trước khi bị bắt, ông Imran Khan đã công khai chỉ trích người đứng đầu cơ quan tình báo của quân đội Pakistan và cáo buộc người này đứng sau hai vụ ám sát hụt ông trước đó. Chủ tịch PTI Imran Khan đồng thời nhiều lần cáo buộc chính phủ cầm quyền của Thủ tướng Shehbaz Sharif thuộc đảng PML-N là "những tên trộm".

Việc cựu Thủ tướng Khan chỉ trích quân đội, thế lực có ảnh hưởng bậc nhất trong chính trường Pakistan trong khi cuộc bầu cử sắp tới gần có thể coi là giọt nước tràn ly, chấm dứt mối quan hệ vốn mong manh giữa PTI và quân đội. Đáng chú ý, thời điểm ông Imran Khan bị bắt giữ, Thủ tướng Shehbaz Sharif đang ở London trong chuyến thăm Anh và dự lễ đăng quang của Nhà vua Anh Charles III.

Ngay sau khi ông Imran Khan bị bắt, bạo loạn lập tức bùng phát dữ dội giữa những người biểu tình ủng hộ PTI với cảnh sát chống bạo động và cả quân đội lan ra toàn Pakistan. Người biểu tình thậm chí đã xông vào đập phá cả trụ sở Bộ Quốc phòng, nơi được cho là đang giam giữ ông Imran Khan. Việc người biểu tình xông thẳng vào đập phá trụ sở Bộ Quốc phòng là sự việc chưa từng xảy ra trong lịch sử quốc gia Nam Á luôn bất ổn này và được cho là đã vượt qua “làn ranh đỏ”. Xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình PTI trên khắp Pakistan, đặc biệt là tỉnh Punjab quê hương của ông Khan đã khiến hơn 10 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, xe cộ, nhà cửa bị đập phá...

Sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị bắt, bên cạnh các cuộc đụng độ trên đường phố thì một cuộc chiến pháp lý về tính hợp pháp khi Cơ quan Giải trình quốc gia (NAB) là nơi ra lệnh bắt giữ ông Khan ngay khi ông chuẩn bị hầu tòa tại Islamabad. Trước áp lực của biển người biểu tình và bạo lực có dấu hiệu không thể kiểm soát, ngày 11/5, Tòa tối cao Pakistan đã ra phán quyết việc bắt giữ ông Khan ngay tại Tòa bởi NAB là vi hiến, là coi thường Tòa án Islamabad và yêu cầu Quân đội cũng như NAB phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ông Imran Khan, đưa ông trở lại phiên tòa xét xử vào sáng 12/5.

Tình hình an ninh xấu đi nghiêm trọng tại Islamabad như vậy tác động thế nào đến cộng đồng người Việt Nam tại Pakistan và công tác của Đại sứ quán không, thưa Đại sứ?

Ngay sau khi vụ việc nổ ra, Đại sứ quán đã tìm mọi cách liên hệ trực tiếp với cộng đồng người Việt Nam tại Pakistan, đặc biệt là các nơi là tâm điểm của bạo loạn. Đại sứ quán đã trực tiếp kiểm tra thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên các nhóm cộng đồng người Việt tại Pakistan.

Cho tới nay, chưa có thông tin về thương vong, thiệt hại tài sản, tính mạng của đồng bào ta tại Pakistan. Đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, đảm bảo công tác bảo hộ công dân, có biện pháp hỗ trợ công dân kịp thời khi có yêu cầu được hỗ trợ hay sự cố xảy ra.

Tình hình càng xấu đi nghiêm trọng khi một loạt lãnh đạo cao cấp của PTI cũng bị bắt giữ, trong đó có cả Tổng thư ký PTI Asad Umar và cựu Ngoại trưởng Pakistan, Phó Chủ tịch PTI Shah Mahmood Qureshi với cáo buộc kích động bạo lực, gây bất ổn an ninh và phá hoại tài sản. Điều này càng thổi bùng mâu thuẫn giữa PTI với lực lượng quân đội và chính phủ liên minh.

Quân đội đã phải ban bố lệnh giới nghiêm tại một số khu vực, hạn chế tụ tập đông người, cắt điện thoại và Internet để hạn chế đám đông biểu tình liên kết với nhau. Việc ban bố lệnh giới nghiêm và siết chặt an ninh khiến tình hình an ninh tại thủ đô Islamabad bị tê liệt, các cơ quan ngoại giao đã phải hạn chế đi lại đối với nhân viên, học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan, văn phòng phải đóng cửa…

Ông Imran Khan được Tòa án Islambad tuyên thả tự do tạm thời sau phiên xét xử ngày 12/5. (Nguồn: The News)

Đại sứ có thể chia sẻ về phản ứng, quan điểm và vai trò của quân đội, chính phủ và các đảng đối lập tại Pakistan trước việc ông Imran Khan bị bắt giữ?

Việc bắt giữ ông Imran Khan được cho là bởi một lực lượng không thuộc quân đội chính quy nhưng được “bật đèn xanh” từ phía quân đội là kết quả, hệ lụy của những phát biểu chống đối, chỉ trích trực tiếp quân đội của cựu Thủ tướng Imran Khan sau khi bị phế truất hồi tháng 4/2022.

Mâu thuẫn giữa Imran Khan và quân đội ngày càng lớn, đến mức không thể hàn gắn sau hai vụ ám sát hụt cựu Thủ tướng mà phía PTI cho rằng quân đội đứng đằng sau. Trong khi đó, quân đội nhiều lần tuyên bố sẽ trừng trị những kẻ gây rối, phá hoại an ninh quốc gia.

Đáng chú ý, Tướng Asim Munir sau khi trở thành Tư lệnh quân đội Pakistan cuối năm 2022, luôn tuyên bố trung lập, không can thiệp chính trường, tập trung chống khủng bố, bảo vệ an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Tư lệnh quân đội vẫn là nhân vật có ảnh hưởng rất lớn trong chính trường Pakistan.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc bắt giữ ông Imran Khan sau đó sẽ dẫn đến hàng loạt vụ tranh cãi pháp lý, các vụ hầu tòa sẽ gây khó khăn cho Chủ tịch đảng PTI được cho là có sự ủng hộ rộng lớn của giới trẻ trong cuộc bầu cử sắp tới. Sự việc cũng cho thấy có điểm chung giữa quân đội và chính phủ cầm quyền PML-N hiện nay trong nỗ lực loại ông Imran Khan ra khỏi danh sách ứng viên trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong tháng 8/2023, nếu được tổ chức đúng thời hạn.

Những người biểu tình ủng hộ ông Imran Khan và PTI trong một cuộc tuần hành tại thành phố Lahore, quê hương ông Imran Khan. (Nguồn: The Dawn)

Chính trường tại Pakistan luôn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nhưng với những gì đang diễn ra hiện nay, kịch bản nào là có khả năng diễn ra nhất trong những ngày tới, thưa Đại sứ?

Tình hình hiện nay cho thấy, bạo loạn vẫn tiếp tục diễn ra là khả năng rất cao mặc dù ông Imran Khan đã được Tòa Islamabab yêu cầu NAB trả tự do. Tuy nhiên, ông Imran Khan và PTI cũng khó có thể lật ngược thế cờ nếu không có được sự ủng hộ từ quốc tế với lý do dân chủ, nhân quyền, bầu cử công bằng.

Trung Quốc – một trong những đối tác quan trọng nhất của Islamabad cho đến nay vẫn chưa chính thức lên tiếng. Mỹ tuyên bố đây là công việc nội bộ của Pakistan trong khi Anh cho biết đang theo sõi sát sao tình hình nhưng sẽ không can thiệp công việc nội bộ của Pakistan.

Tuy nhiên, nếu bạo loạn tiếp tục bùng phát cùng với tình hình kinh tế đang rất khó khăn, chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif, kể cả có sự hậu thuẫn của quân đội cũng khó có thể có được một chiến thắng chắc chắn trong cuộc bầu cử sắp tới.

Qua vụ bắt giữ ông Imran Khan cho thấy, cựu Thủ tướng và Chủ tịch PTI vẫn là chính trị gia có được sự ủng hộ đông đảo của người dân, đặc biệt là tầng lớp lao động nghèo và giới trẻ hơn là chính phủ liên minh cầm quyền hiện nay là PML-N và PPP.

Việc bắt giữ ông Imran Khan và các lãnh đạo chủ chốt của PTI cho thấy chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif và quân đội đang muốn loại bỏ ứng viên Imran Khan trong kết cấu chính trị của Pakistan càng sớm càng tốt. Nhưng điều này là không dễ, bởi những gì diễn ra trong những ngày qua cho thấy, nó sẽ nhanh chóng dẫn tới bạo động, rất có thể sẽ bùng nổ ngoài sự kiểm soát của chính phủ và quân đội hiện tại. Và nếu kịch bản đó xẩy ra, Pakistan sẽ chắc chắn lún xâu vào bất ổn và có thể sẽ dẫn đến sự sụp đổ về kinh tế, một điều mà chắc chắn không bên nào ở Pakistan mong muốn.

Tình hình Pakistan sẽ tiếp tục bất ổn từ giờ tới thời điểm bầu cử tháng 8/2023, thậm chí, nếu các đảng phái, lực lượng chính trị không chấp nhận ngồi lại đàm phán cho một giải pháp chung, cùng hợp tác kéo Pakistan rời xa bờ vực khủng hoảng, ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!