📞

Báo Nga: Ngày càng có nhiều sản phẩm 'nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam'

Việt An 10:39 | 02/03/2023
Tận dụng các thế mạnh hiện có, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bứt tốc khai thác tiềm năng thị trường rộng lớn với giá trị hơn 1.800 tỷ USD.
VinFast ghi dấu cột mốc lịch sử khi xuất khẩu lô xe điện đầu tiên sang Mỹ. (Nguồn: Thanh Niên)

Chiến dịch "Make in Vietnam" chính thức ra đời tháng 5/2019 đã đánh dấu bước ngoặt lớn cho nền công nghệ số Việt Nam, nhằm dịch chuyển từ gia công sang làm chủ công nghệ, giúp đất nước giải quyết những bài toán lớn của quốc gia.

Nếu như năm 2019, tổng doanh thu của lĩnh vực công nghiệp ICT chỉ đạt hơn 112 tỷ USD, với hơn 45.000 doanh nghiệp số, thì đến năm 2022, bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19, con số trên đã tăng lên 148 tỷ USD và hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số.

Tỷ lệ giá trị Việt Nam năm 2022 ước đạt 27%, tăng 2,35% so với năm 2021. Đã có khoảng 60% số doanh nghiệp làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ sản phẩm mang lại giá trị cao.

Như vậy, sau gần 4 năm triển khai, ngày càng có nhiều sản phẩm “nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”.

Ví dụ, ứng dụng Zalo đang có lượng tài khoản cao hơn Facebook tại Việt Nam, thiết bị 5G của Viettel thắng lớn tại thị trường nước ngoài với doanh thu trên 3 tỷ USD, VinFast ghi dấu cột mốc lịch sử phát triển khi xuất khẩu lô xe điện đầu tiên sang Mỹ.

Nổi bật phải kể đến công nghệ máy bay không người lái (drone) HERA xuất khẩu sang Mỹ trị giá nửa triệu USD do kỹ sư người Việt sáng chế và sản xuất.

Hay việc FPT đã ghi dấu ấn trên bản đồ công nghệ quốc tế bằng việc thương mại hoá dòng chip vi mạch ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Cũng chính nhờ sự vươn lên mạnh mẽ của FPT, hiện Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 2 trên bản đồ số, chỉ sau cường quốc phần mềm Ấn Độ.

Tiếp nối thành công của chiến dịch “Make in Vietnam”, gần đây nhất, ngày 23/2, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục mở chiến dịch đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra thế giới.

Đánh giá về lợi thế mà doanh nghiệp Việt có được khi đi ra toàn cầu, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, Việt Nam đang có nhân sự giá rẻ chất lượng cao.

Nếu xét về mặt bằng thế giới, lương kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam chỉ bằng 1/10, nhưng chất lượng sản phẩm làm ra lại được đánh giá rất cao. Hiện Việt Nam đang nằm trong top 2 điểm đến ở Đông Nam Á về xu hướng và giá IT gia công.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết thêm, thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam khoảng 2 tỷ USD, chỉ chiếm 0,1% so với thị trường thế giới là 1.803 tỷ USD. Do đó, cơ hội để các doanh nghiệp khai thác phát triển thị trường là rất lớn.

(theo Sputnik)