Công nhân một công ty da giày tại Hà Nội kiểm tra hàng trước khi đóng gói. (Nguồn: Reuters) |
Trong bài viết, tác giả khẳng định, cùng với việc xuất khẩu tăng mạnh, việc dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam bất chấp dịch bệnh là những nhân tố giúp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,64%.
Tuy nhiên, nếu việc Việt Nam mua vaccine Covid-19 tiếp tục chậm chạp, việc nối lại toàn bộ hoạt động kinh tế trong nước sẽ kéo dài hơn, từ đó cản trở tăng trưởng.
Kinh tế phát triển ấn tượng bất chấp Covid-19
Theo bài viết, trong quý II/2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 6,61% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là minh chứng cho sự phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,64%, cao hơn nhiều so với con số 1,82% của cùng kỳ năm trước. Mặc dù tỷ lệ này thấp hơn so với dự báo 7% của Công ty Chứng khoán VNDirect nhưng nó khẳng định tiềm năng tăng trưởng cao của Việt Nam.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mỹ tăng 42,6%, đạt 44,9 tỷ USD, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP và nâng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 28,4% lên 157,63 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu hàng may mặc, giày dép và các mặt hàng khác sang châu Âu cũng tăng nhờ EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào năm 2020.
Kể từ cuối tháng 4, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có khả năng lây nhiễm cao đã làm chậm hoạt động sản xuất tại một số nhà máy ở các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang và Bắc Ninh - những nơi đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn tăng mạnh và dẫn đầu tăng trưởng của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh cải thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu. Việc xây dựng hai bến mới tại Cảng Lạch Huyện, phía Bắc thành phố Hải Phòng, đã được bắt đầu triển khai vào giữa tháng 5, với tổng chi phí dự kiến là 7.000 tỷ đồng (304 triệu USD).
Mặt khác, nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam đang giúp nước này trở thành điểm đến chủ chốt đối với các công ty nước ngoài đang thúc đẩy chiến lược "Trung Quốc+1" nhằm đa dạng hóa hoạt động đầu tư.
Nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam đã tăng tốc kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc bắt đầu vào năm 2018 khi các công ty tìm cách tránh thuế trừng phạt của Mỹ đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.
Hon Hai Precision Industry của Đài Loan (hay còn gọi Foxconn) dự kiến sẽ đầu tư thêm 700 triệu USD vào Việt Nam trong năm nay, với mục tiêu tăng doanh thu tại quốc gia này từ 6 tỷ USD vào năm 2020 lên 40 tỷ USD trong từ 3 đến 4 năm tới.
Chậm triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 là quan ngại lớn
Mặc dù vậy, theo tác giả bài báo, các nỗ lực khống chế dịch Covid-19 tốn nhiều công sức và thời gian vẫn là một quan ngại đối với Việt Nam. Tình hình dịch bệnh ở các khu công nghiệp phía Bắc như Bắc Giang đã lắng dịu nhưng số ca mắc Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác ở miền Nam vẫn tiếp tục tăng.
Nhà phân tích Tomoya Onishi cho rằng, việc Việt Nam chậm mua và tiêm vaccine Covid-19 đã tạo ra những bất ổn trong nền kinh tế. Theo Our World in Data, chỉ hơn 3% dân số của Việt Nam đã được tiêm ít nhất một mũi, thấp hơn rất nhiều so với các nước láng giềng Campuchia và Lào.
Vào tháng 4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,7% trong năm 2021, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, nếu việc mua vaccine tiếp tục chậm chạp, việc nối lại toàn bộ hoạt động kinh tế trong nước, bao gồm cả du lịch, sẽ kéo dài hơn, từ đó cản trở tăng trưởng.
| Ảnh ấn tượng tuần 28/6-4/7: Nga, Ukraine, Mỹ, NATO làm ‘dậy sóng’ Biển Đen, Đông Jerusalem ‘sôi sục’ và tai nạn máy bay thảm khốc ở Philippines Nga, Ukraine, Mỹ và NATO thi nhau tập trận ở khu vực Biển Đen, tình hình Covid-19, biểu tình ở Đông Jerusalem, tai nạn máy ... |
| Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế, sắp có gói hỗ trợ mới cho người lao động Chiều 1/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021. ... |