📞

Báo Nhật bàn về câu chuyện bứt phá ngoạn mục của Việt Nam và ‘câu thần chú’ vượt qua đại dịch

Hoàng Nam 06:23 | 24/01/2021
TGVN. ‘Câu thần chú’ của Việt Nam là đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép - chống dịch và phát triển kinh tế.

Trang Nikkei của Nhật Bản ngày 20/1 có bài đánh giá về câu chuyện bứt phá ngoạn mục của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu.

Nhờ thành tích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam nắm bắt được cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”

Theo bài viết, điều đáng kinh ngạc là Việt Nam kiểm soát dịch rất tốt dù có biên giới chung với Trung Quốc - nơi khởi phát virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Các hoạt động kinh tế, các quán bar và tất cả các lĩnh vực khác nhau vẫn hoạt động, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, ngay cả khi các nước láng giềng vẫn phải vật lộn với suy thoái do đại dịch.

Năm 2020 là năm Việt Nam thực hiện 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, có thêm một hãng hàng không và vươn lên vị trí thứ 6 (từ vị trí thứ 7) ở Đông Nam Á về thu nhập bình quân đầu người.

Giám đốc điều hành VinaCapital Don Lam nhớ lại: "Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức khác dự báo thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm. Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất vì xuất khẩu đóng một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, điều ngược lại đã trở thành sự thật. Sự cởi mở đối với thương mại của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi nền kinh tế".

Nhờ thành tích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Việt Nam nắm bắt được cơ hội kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Năm 2020, Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới, ở mức 2,9% và dự kiến đạt mục tiêu 6,5% vào năm 2021.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế tăng cao. Việt Nam cũng giành thêm thị phần do các nước láng giềng châu Á tiếp tục phong tỏa do đại dịch.

Các nhà đầu tư cũng xem Việt Nam là một trong số ít quốc gia có triển vọng trong thời điểm hiện nay.

Theo báo cáo mới đây của Euromonitor về chỉ số đầu tư mua bán và sáp nhập (M&A), Việt Nam được dự báo là một trong những thị trường có hoạt động M&A năng động, tiềm năng nhất toàn cầu năm nay, chỉ đứng sau Mỹ.

Trương Quang, đối tác điều hành của YKVN, cho biết: "Việt Nam là thị trường duy nhất có thể thực hiện các giao dịch".

“Câu thần chú” của Hà Nội là đảm bảo thực hiện "nhiệm vụ kép" - chống dịch và phát triển kinh tế.

Năm 2020, Việt Nam tham gia 3 FTA là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA) và FTA Việt-Anh (UKVFTA). Nhờ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được một cột mốc nhỏ.

Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 10/2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines. Và xét tuyệt đối, GDP của Việt Nam đã vượt qua Singapore và Malaysia, lần đầu tiên đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.

Điểm sáng thu hút đầu tư

Theo Chính phủ, đại dịch Covid-19 sẽ mang lại sự thay đổi lâu dài hơn cho Việt Nam thay vì chỉ là một cú hích đối với xuất khẩu.

Chính phủ cho rằng phản ứng trước đại dịch Covid-19 của Việt Nam cho nước ngoài thấy rằng đây là nơi đầu tư an toàn.

Với nguy cơ đại dịch Covid-19 thấp hơn, giới chức Việt Nam đã tập trung vào phát triển kinh tế.

Việt Nam đặt trọng tâm vào lĩnh vực công nghệ để có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Vì vậy, năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận một số khoản đầu tư lớn từ nhà cung cấp cho Apple và Samsung có tên là Pegatron đến tập đoàn LG Electronics.

Cuối năm 2020, gần như tất cả các nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực có kế hoạch hoặc đã mở xưởng tại Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất “Trung Quốc +1” vẫn tiếp diễn, giúp các công ty giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất châu Á do chi phí tăng cao, rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Lĩnh vực điện tử đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng vẫn chủ yếu là sản xuất và lắp ráp cơ bản.

Các quan chức cho biết sẽ chấp thuận các khoản đầu tư công nghệ cao và thân thiện với môi trường và thêm giá trị gia tăng.

Các công ty ở Việt Nam cũng tận dụng khoảng thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19 để nâng cao năng lực của nhân viên trong nước.

Nhiều công ty cho biết nhân viên trong nước đang tham gia nhiều việc hơn trong khi các đồng nghiệp nước ngoài không thể nhập cảnh.

Theo khảo sát do công ty nhân sự Adecco công bố vào tháng 8/2020, hơn một nửa (56%) các nhà quản lý nhân sự cho biết sẽ ưu tiên đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng trong quý tới.

Nỗ lực vượt khó

Không phải tất cả người Việt Nam đều vô sự bước qua năm 2020. Không chỉ hàng chục người bị thiệt mạng do bão, hàng triệu người đã bị thất nghiệp vì Covid-19.

Biển hiệu “cho thuê” được treo trên vô số tòa nhà ở khắp trung tâm TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng như ở các thị trấn biển từ Đà Nẵng đến Phú Quốc.

Đây là những khu vực phụ thuộc nhiều nhất vào du lịch nước ngoài và gần như tê liệt sau khi biên giới đóng cửa.

Theo con số thống kê, đến tháng 9/2020, gần 1/3 dân số bị mất việc làm, bị cắt lương hoặc giảm giờ làm, đa phần là những người làm việc trong lĩnh vực khách sạn, giải trí, thực phẩm và đồ uống, xây dựng hoặc xuất khẩu như dệt may.

Để tăng tốc độ phục hồi, Chính phủ đã phê duyệt khoản cứu trợ trị giá 2,7 tỷ USD, cũng cắt giảm thuế và phí, cung cấp các khoản vay và tăng chi tiêu công, bao gồm cả cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Cũng như phần lớn khu vực Đông Nam Á, các tuyến đường bộ và cảng của Việt Nam không theo kịp với nhịp độ phát triển của một nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu.

Từ năm 2009-2019, Việt Nam đã có bước tiến xa nhất trong số 50 nước được WTO xếp hạng theo kim ngạch thương mại hàng hóa, tăng 16 bậc lên vị trí thứ 23.

Đến nửa đầu năm 2020, Việt Nam đã đẩy nhanh tiến độ của hơn chục dự án lớn. Mệnh lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhằm hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19.

Các di sản phi tài chính khác

Theo các nhà quan sát, Việt Nam gần như minh bạch hoàn toàn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Chính phủ đã chia sẻ thông tin cập nhật liên tục về biện pháp chống lại dịch, thông tin chi tiết về lịch sử di chuyển của bệnh nhân và cách chính quyền xác định liệu việc tử vong có liên quan đến dịch Covid-19 hay không.

Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen nói: “Tôi tin rằng các bài học kinh nghiệm từ thành công này về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội sẽ giúp chính phủ đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai”.

Với cơ sở hạ tầng và khả năng quản trị được cải thiện, người lao động và các nhà cung cấp được trang bị tốt hơn, sau đại dịch Covid-19, Việt Nam có thể sẽ đạt được nhiều thành tựu.

Đồng sáng lập Do Ventures Vy Le cho rằng, Việt Nam phải tận dụng thời điểm này.

Theo bà Vy Le, một mặt, lệnh phong tỏa xã hội, dù ngắn, nhưng đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán số. Mặt khác, việc dỡ bỏ phong tỏa cho phép người dân trở lại các cửa hàng, văn phòng và nhà máy.

Cả hai diễn biến này đều mở ra cơ hội cho các công ty. Bà nói: “Việt Nam có lợi thế vì mọi người có thể đi lại thoải mái trên đường phố, có thể gặp gỡ những người buôn bán. Chắc chắn, đây là cơ hội để Việt Nam tiến lên phía trước”.

(theo Nikkei)