Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 23/8. (Nguồn: AFP) |
Mỹ "dịch chuyển" sang Đông Nam Á
Thông qua các cuộc gặp tại Singapore và Việt Nam cũng như qua bài phát biểu chính sách của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào ngày 24/8 tại đảo quốc sư tử, điều có ý nghĩa quan trọng cần truyền tải là Washington đề cao giá trị của Đông Nam Á đối với chính bản thân nước Mỹ, chứ không chỉ là “vũ đài” cho cuộc đấu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù ban đầu, sự tập trung của chính quyền Tổng thống Joe Biden vào khu vực Đông Nam Á dường như có phần tụt lại phía sau so với chính sách can dự của Washington tại châu Âu và Trung Đông, nhưng tháng 8 này là một tháng bận rộn với các chuyến thăm ngoại giao của giới chức Mỹ đến khu vực.
Các chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, cũng như các cuộc họp trực tuyến của Ngoại trưởng Antony Blinken với những người đồng cấp ASEAN, đã được tiến hành trước thềm chuyến thăm cấp cao của bà Harris.
Việc xúc tiến bổ nhiệm một Đại sứ Mỹ tại Singapore – vị trí bị bỏ trống từ năm 2017 – cũng sẽ là bước đi tiếp theo được hoan nghênh.
Là nhân vật số 2 trong nội các của ông Biden đến thăm Đông Nam Á, bà Harris cũng có cơ hội thúc đẩy sự phục hồi của khu vực sau sự tàn phá của dịch bệnh Covid-19 do biến thể Delta gây ra.
Việc khai trương theo dự kiến Văn phòng khu vực của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam và trên hết là khoản viện trợ gần 160 triệu USD và 23 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ giúp xóa bỏ nhận thức của một số chính phủ cho rằng, cường quốc số 1 thế giới đã chậm chạp trong việc trợ giúp vaccine cho khu vực.
Bà Harris được cho là sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế số, năng lượng bền vững, tài chính xanh, các sáng kiến về thành phố thông minh và phát triển nguồn nhân lực.
Chính trị gia 56 tuổi này cũng sẽ đề cập các vấn đề về chuỗi cung ứng, trong đó có giải quyết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu, vốn đã ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất khác.
Đối với Mỹ, nhà đầu tư lớn nhất ở Singapore và ASEAN, việc trao đổi về các mối quan hệ thương mại và phát triển kinh tế là điều có ý nghĩa quan trọng.
Hằng năm, Mỹ xuất khẩu hơn 120 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Đông Nam Á, hỗ trợ cho khoảng 625.000 việc làm cho người dân Mỹ.
Đó cũng là lý do hợp lý để xem xét lại việc đưa Mỹ gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – vốn được ký kết thành công mà không có Washington sau khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi TPP vào năm 2017.
Chuyến thăm của bà Harris theo một cách thức nào đó cũng có thể nhằm giải quyết khoảng cách về nhận thức, vốn đã gây rắc rối cho chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và những tình trạng hỗn loạn xảy ra sau đó.
Cam kết mạnh mẽ với khu vực
Nữ Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên được cho là phải tận dụng cơ hội trong chuyến công du khu vực này để nhắc lại và gửi đi tín hiệu tích cực về cam kết của Mỹ đối với các bạn bè và đối tác.
Nhiều dấu hiệu cho thấy ý định của Washington đã được phát đi, trong đó chuyến thăm của bà Harris là mới nhất và mạnh mẽ nhất.
Với Philippines, Mỹ gần đây đã đảm bảo duy trì Hiệp định các lực lượng thăm viếng - vốn từng là chủ đề gây bất đồng giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump tiền nhiệm và chính quyền Rodrigo Duterte.
Với Indonesia, một cuộc đối thoại chiến lược mới đã được khởi động sau cuộc tập trận quân sự song phương lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước được diễn ra trong tháng này.
Ở Singapore, trọng tâm then chốt là nâng cấp các năng lực về phòng thủ mạng.
Ở Việt Nam, Mỹ dự kiến sẽ nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược.
Quan hệ quốc phòng luôn luôn là khía cạnh then chốt trong sự hiện diện của Mỹ ở khu vực.
Tuy nhiên, bà Harris cũng có thể chứng minh cách thức Mỹ thúc đẩy an ninh và phúc lợi kinh tế mà không làm dấy lên những lo ngại về một xung đột bất ngờ.