Nỗ lực được quốc tế công nhận
Chưa đầy một năm kể từ khi ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện thỏa thuận này đang thu hút sự chú ý của quốc tế. Trong số này có các sáng kiến nhằm chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU), sau cuộc đối thoại với Ủy ban châu Âu (EC) về vấn đề này.
Việt Nam đã nâng cao các tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp đánh bắt cá để tuân thủ các quy định đối với xuất khẩu sang thị trường EU trong khuôn khổ EVFTA. (Nguồn: JVL) |
Truyền thông trong nước đưa tin, Việt Nam đã thực hiện một số bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy nuôi cá ngừ bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc, xây dựng chuỗi giá trị và chống khai thác IUU để xuất khẩu cá ngừ sang EU. Ngày 10/10, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam Rubén Saornil Mínguez cho biết tại một hội nghị ở tỉnh Khánh Hòa rằng Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về vấn đề này trong những năm gần đây.
Ông Rubén lưu ý rằng, như một phần của công cuộc cải cách, Việt Nam đã nâng cao các tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp đánh bắt cá để tuân thủ các quy định đối với xuất khẩu sang thị trường EU trong khuôn khổ EVFTA. Theo khuyến nghị của EC, Việt Nam đã thông qua Luật Thủy sản mới vào năm 2017, trong đó có khuôn khổ cho việc nuôi trồng và phát triển thủy sản bền vững. Chính phủ cũng đã thành lập một ban chỉ đạo về ngăn chặn đánh bắt IUU ở cấp quốc gia, động thái nhằm hỗ trợ việc thực thi triệt để Luật Thủy sản.
Các quy định mới cũng yêu cầu tất cả các tàu cá phải mang thiết bị theo dõi. Có vẻ như các quy định có thể đã giúp cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc hải sản, vì số lượng tàu thuyền có lắp đặt GPS hoặc công nghệ theo dõi khác đã tăng từ 56% vào tháng 4 năm nay lên 81% vào cuối tháng 8. Các bước đi nhằm cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản cũng đã được quốc tế công nhận.
Những nỗ lực nhằm gia tăng tính minh bạch và quản trị là một phần trong kế hoạch tổng thể mới của Việt Nam về quản lý nguồn thủy sản. Kế hoạch cũng bao gồm các chương trình nhằm đảm bảo tất cả các tàu cá tuân thủ các quy định và sáng kiến để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm.
Linh hoạt chuyển đổi sản xuất, kinh doanh
Theo bài báo, các chương trình của nhà nước cũng đang giúp một số nhà sản xuất chuyển đổi hoạt động kinh doanh sang các sản phẩm chế biến. Điều này giúp các nhà sản xuất sự linh hoạt hơn, cho phép họ bán sản phẩm trực tuyến và giảm thiểu các tác động từ những cú sốc kinh tế.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: “Chúng tôi muốn giúp các công ty tăng xuất khẩu hàng chế biến, phục vụ nấu ăn tại nhà, thay vì chỉ tập trung vào đồ đông lạnh cho các khách sạn hoặc siêu thị như trong thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19”.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba trên thế giới, tổng giá trị xuất khẩu lên tới 8,6 tỷ USD năm 2019. EU là thị trường lớn thứ hai về xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, sau Mỹ.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã sụt giảm trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Vào cuối tháng 8, số lượng các lô hàng xuất khẩu đã tăng trở lại, khiến mức sụt giảm đã giảm xuống còn 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: "Chúng tôi đang nghiên cứu các biện pháp để không chỉ ngăn chặn sự suy giảm mà còn tăng xuất khẩu thủy sản nhằm đạt khoảng 9 tỷ USD cho cả năm 2020”.
Các biện pháp này là một phần của động lực lớn hơn nhằm duy trì tăng trưởng vì Chính phủ Việt Nam dự báo tăng trưởng GDP sẽ ở mức 2,4%, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19.
Khi ngành thủy sản của Việt Nam ngày càng thích ứng tốt hơn, quốc gia Đông Nam Á này cũng đóng một vai trò lớn hơn trong các tổ chức ngư nghiệp khu vực và quốc tế.
Ông Rubén cũng như Phòng Thương mại Tây Ban Nha tại Việt Nam gần đây đã thừa nhận rằng Việt Nam đã gia tăng hỗ trợ hợp tác quốc tế về phát triển thủy sản bền vững, đóng góp những ý tưởng mới cho Mạng lưới ASEAN IUU, Hiệp định về đàn cá di cư Liên hợp quốc (UNFSA) hay Hiệp định các quốc gia có cảng (PSMA).
EVFTA tạo cơ hội cho Việt Nam đóng vai trò đi đầu trong quản lý nghề cá bền vững, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tăng trưởng kinh tế. Đối với các nhà sản xuất địa phương tại Việt Nam, nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực này của chính phủ mang lại cơ hội để tận dụng các mối quan hệ mới trong EU và mở rộng quy mô các hoạt động bền vững.
| Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản TGVN. Vẫn còn nhiều việc cần làm để “đổi màu” thẻ theo hướng tích cực và xa hơn nữa là phát triển nghề cá bền ... |
| “Thẻ vàng” và nỗ lực của ngành thủy sản Việt Nam coi việc cảnh báo thẻ vàng của EC là cơ hội để chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá phát ... |
| Chuyện “thẻ vàng” và động lực phát triển bền vững Cuối cùng thì sau 6 tháng thực hiện 9 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác, ngành thủy sản Việt Nam ... |