Trong nhiều thập kỷ, Việt Nam là “ngôi nhà” của các cơ sở sản xuất chi phí thấp và lao động giá rẻ. (Nguồn: Forbes) |
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ và khu vực tư nhân đã thúc đẩy mạnh mẽ thu hút nhân tài tốt nhất trong nỗ lực không ngừng để đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ của khu vực. Điều này đã thu hút sự chú ý của nhiều “người khổng lồ” về công nghệ trên toàn cầu, nhiều trong số đó đã tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam.
Vào tháng 12/2022, Samsung đã khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 220 triệu USD tại thủ đô Hà Nội – trung tâm lớn nhất của tập đoàn này ở Đông Nam Á. Gần như toàn bộ nhân viên tại cơ sở này là những tài năng công nghệ của Việt Nam tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu của đất nước. Dựa trên các số liệu mới nhất, hơn một nửa số điện thoại thông minh của công ty Samsung Electronics cung cấp ra thế giới được sản xuất tại Việt Nam.
Chỉ trong nửa đầu năm nay, một số tên tuổi lớn đã công bố các kế hoạch lớn phát triển sự diện của họ tại Việt Nam.
Nhà cung cấp Apple là Tập đoàn công nghệ BOE cho biết họ sẽ đầu tư 400 triệu USD để xây dựng hai nhà máy tại Việt Nam, trong khi công ty bán dẫn Marvell Technology của Mỹ sẽ thành lập một trung tâm thiết kế mạch tích hợp tại TP. Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế của đất nước.
Công ty LG Electronics dự định mở rộng quy mô hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam để tăng cường hoạt động kinh doanh phụ tùng xe điện đang ngày càng phát triển của công ty. Tháng 8/2022, công ty sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) đã tổ chức Diễn đàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Boeing (Vietnam Aerospace Industry Forum) tại Việt Nam, chủ yếu để tìm kiếm các nhà cung cấp địa phương tham gia chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu của mình.
Các nhà quan sát trong ngành cho biết bên cạnh việc cung cấp các chương trình thực tập sinh, học bổng và đào tạo để thúc đẩy lực lượng lao động của Việt Nam nhằm lấp đầy hàng nghìn công việc có sẵn, các công ty đa quốc gia này và sự hiện diện ngày càng tăng của họ sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của các lĩnh vực công nghệ cao này.
Điều này, đến lượt nó, sẽ mang lại lợi ích cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ tiên tiến của Việt Nam – thế hệ tiếp theo của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – sau nhiều thập kỷ áp dụng công nghệ nước ngoài trong các ngành như điện tử và cơ khí.
Touchstone Partners, một công ty quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) giai đoạn đầu ở Việt Nam, muốn đầu tư nhiều hơn vào các công ty khởi nghiệp này. Touchstone đã tài trợ cho các công ty như công ty khởi nghiệp Forte Biotech của Singapore-Việt Nam – nhà sản xuất e-scooter Selex và nhà phát triển robot giao hàng tự động Alpha Asimov.
Ông Paul Kallmes, chuyên gia về sở hữu trí tuệ (IP) của Thung lũng Silicon, cho biết sự đầu tư lớn của nước ngoài vào Việt Nam đồng nghĩa với việc nước này phải nỗ lực để duy trì môi trường thuận lợi và danh tiếng ngày càng tăng của mình.
Tháng 4/2023, ông đến Việt Nam để đào tạo và cố vấn cho các nhà nghiên cứu và nhà khoa học tham gia chương trình ươm mầm tài năng mang tên Lab2Market. Ông đánh giá: “Chất lượng thiết kế và sản xuất của Việt Nam thực sự nổi trội. Từ dụng cụ gắp robot thông minh đến xe máy điện cho tới các thiết bị y tế, có rất nhiều năng lực về thiết kế và sản xuất, phần lớn được thực hiện với ngân sách tương đối eo hẹp”.
Bà Jen Vu Huong, quản lý chương trình Lab2Market, lưu ý rằng Chính phủ Việt Nam đã xác định đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ là những động lực thúc đẩy tăng trưởng then chốt của nền kinh tế, với hi vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Bà cho rằng: “Nền kinh tế hướng theo đổi mới sáng tạo có nghĩa là chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào việc phát triển IP mới, vào sản xuất các sản phẩm có hàm lượng tri thức cao để xuất khẩu”. Trong khi đó, một chuyên gia từ Touchstone Partners cho rằng nguồn nhân tài lớn của Việt Nam trong lĩnh vực Stem (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và tinh thần kinh doanh mạnh mẽ sẽ mở đường cho làn sóng tiếp theo của các giải pháp công nghệ trong nước.
Về phần mình, một số tập đoàn của Việt Nam cũng đã thực hiện các biện pháp để xây dựng năng lực công nghệ chuyên sâu thông qua các nỗ lực đổi mới sáng tạo mở. Năm 2020, Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex - tập đoàn phát triển khu công nghiệp và khu đô thị hàng đầu Việt Nam - đã hợp tác với NUS Enterprise của Singapore cho ra mắt Block 71 Saigon - một công ty xây dựng hệ sinh thái tập trung vào công nghệ và kết nối toàn cầu, làm xúc tác và tập hợp cộng đồng khởi nghiệp.
Một năm sau, Tập đoàn Imex Pan Pacific đã hợp tác với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm robot và trí tuệ nhân tạo trị giá 32 tỷ đồng trong khu công nghệ thông tin của Trường.
Chuyên gia từ Touchstone Partners đánh giá: “Trong một hệ sinh thái trưởng thành, sẽ có sự kết nối chặt chẽ giữa các trường đại học, phòng thí nghiệm nghiên cứu, quỹ đầu tư mạo hiểm và các nguồn tài trợ tư nhân. Một khi hệ sinh thái này được xây dựng, sẽ có nhiều công ty hơn quan tâm đến việc đầu tư vào giai đoạn R&D của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ chuyên sâu và phần cứng. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho ngành và chính doanh nghiệp của họ”.