Toàn cảnh lễ mở cửa bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Lễ mở cửa Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh diễn ra nhân dịp 56 năm ngày mất của Đại tướng (6/7/1967-6/7/2023) và hướng tới kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông (1/1/1914-1/1/2024). Đây là bảo tàng ngoài công lập, thuộc sở hữu của gia đình cố Đại tướng.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, thiết kế kiến trúc bảo tàng được lấy theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ những ký ức của các thành viên gia đình Đại tướng với nhiều kỷ niệm sâu sắc mà Đại tướng và gia đình đã ở từ năm 1958 đến năm 1986.
Đại tá Phạm Văn Phi - Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Tại ngôi nhà này, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vinh dự nhiều lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Đặc biệt, tại đây đã diễn ra cuộc họp Bộ Chính trị trong những ngày tháng 8/1964 để bàn về chiến dịch nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày trong Bảo tàng. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Về kết cấu nội dung trưng bày của Bảo tàng, ngoài không gian khánh tiết, hai không gian tái tạo còn có 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6/7; Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - Hành trình tiếp nối.
Không gian trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh về cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Bảo tàng gồm 2 không gian tái tạo gồm lán làm việc của Đại tướng ở Trung ương Cục miền Nam và phòng làm việc của Đại tướng trước đây ở căn nhà 34 Lý Nam Đế. Ngoài ra, không gian bảo tàng còn có các tiểu đề như Bình Trị Thiên khói lửa, Nông nghiệp, Đối ngoại, Ông tướng Du kích, Văn hóa văn nghệ, Thể thao, Vì hòa bình mà đánh...
Tượng đồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Hệ thống trưng bày giới thiệu 300 ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu hiện vật giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Thư viện tại Bảo tàng có trên 100 đầu sách do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết và các tác giả viết về Đại tướng, 6 phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Đồng chí Vũ Hà, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Đồng chí Vũ Hà, Bí thư Quận ủy Bắc Từ Liêm khẳng định, việc xây dựng bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội thể hiện tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô nói chung và quận Bắc Từ Liêm nói riêng đối với những đóng góp to lớn của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ.
Lễ kí kết hợp tác giữa Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Sự kiện cũng chứng kiến lễ ký kết hợp tác giáo dục giữa Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Học viện Chính trị Bộ Quốc Phòng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Phòng Giáo dục quận Bắc Từ Liêm, Quân chủng Phòng không - Không quân, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Những cuốn sách, tư liệu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Trong thời gian từ nay đến tháng 12/2023, Bảo tàng sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và khách tham quan để hoàn thiện nội dung trưng bày trước khi tổ chức khánh thành ngày 1/1/2024 nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép hoạt động từ ngày 2/6/2022 và tổ chức khánh thành ngày 22/7/2022 tới nay được khoảng một năm và hoạt động rất hiệu quả. Tính đến tháng 6/2023, Bảo tàng đã đón và phục vụ gần 8.000 lượt khách tham quan, góp phần cùng các thiết chế văn hóa khác ở Thừa Thiên Huế làm tốt công tác tuyên truyền lịch sử truyền thống cho công chúng. |